Tranh luận có nên xóa bỏ hội đồng trường?

Tại tọa đàm Tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) diễn ra ngày 14-5, các đại biểu đã chỉ ra những bất cập về hoạt động của hội đồng trường, có nơi chỉ dừng ở mức hình thức.
Theo dự thảo thuyết minh quy phạm hóa chính sách của dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo lấy ý kiến, dự kiến sẽ không thành lập hội đồng trường ở các trường đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các trường đại học thành viên.
Có nơi hội đồng trường tồn tại chỉ là 'hình thức'
GS.TSKH Vũ Hoàng Linh - chủ tịch hội đồng trường Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội - nhận định trong quá trình tự chủ đại học, hội đồng trường trong cơ sở giáo dục đại học là một mô hình phù hợp, nhưng phải đi vào thực chất.
Tuy nhiên, ông cho rằng việc hội đồng trường tồn tại ở nhiều cơ sở giáo dục đại học còn ở mức hình thức, chưa thực sự đóng vai trò quản trị.
"Ở trường tôi, trong hội đồng trường có các thành viên ngoài trường là những cán bộ lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, nhưng vì công việc quá bận nên những cuộc họp của hội đồng trường hầu như không xuất hiện, có đến cũng làm những công việc hình thức.
Ngay cả những công việc quan trọng như bầu chủ tịch hội đồng trường hay hiệu trưởng cũng chỉ có từ 1-2 trong số 6 thành viên ngoài tham gia", ông Linh nói.
Cho rằng để hội đồng trường hoạt động một cách thực chất hơn, các cá nhân tham gia hội đồng trường phải thực sự có kinh nghiệm về quản trị đại học, ông Linh kỳ vọng sau khi có Luật Giáo dục đại học sửa đổi, hoạt động của hội đồng trường sẽ đi vào thực chất hơn, mang tính đóng góp và phát triển nhà trường.
GS.TS Trần Trung - giám đốc Học viện Dân tộc - cho rằng nên có thêm tiêu chí mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học theo phân cấp trong việc thành lập hội đồng trường.
"Nếu một trường đại học là đơn vị tự chủ nhóm 4, theo nguyên tắc cơ quan chủ quản sẽ quản lý trực tiếp và phê duyệt toàn bộ. Như vậy, vai trò của hội đồng trường không còn quyết định được điều gì", ông Trung nói.
GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy - hiệu trưởng Trường đại học Y dược, Đại học Huế - cho biết thực tế hội đồng trường của nhà trường phối hợp rất chặt chẽ với hội đồng Đại học Huế.
"Hội đồng trường của chúng tôi cùng với sự lãnh đạo toàn diện của đảng ủy trường thể hiện tốt vai trò trong quản trị một cấu trúc vừa đào tạo lý thuyết, vừa thực hành khám chữa bệnh cho người dân", ông Huy nói và đề nghị cần có nhìn nhận toàn diện, những gì đã làm tốt không nên xóa bỏ.
Đồng quan điểm, PGS.TS Đỗ Trung Hải - hiệu trưởng Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp, Đại học Thái Nguyên - nhận định vai trò của hội đồng trường Trường đại học Kỹ thuật công nghiệp với đại học vùng đang rất tốt, sự hợp tác giữa hội đồng trường và ban giám hiệu cũng rất tốt.
Ông Hải kiến nghị giữ nguyên hội đồng trường của trường đại học thành viên và hội đồng trường của các trường đại học như hiện tại.
Nhiều cách hiểu và thực hiện hội đồng trường khác nhau
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, hầu hết hội đồng trường của các trường đại học đang trong nhiệm kỳ đầu tiên. Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của hội đồng trường trong luật chưa được giải thích rõ nhưng không giao xây dựng văn bản hướng dẫn dưới luật, gây ra cách hiểu và thực hiện khác nhau trong thực tế.
Bên cạnh đó, còn những chồng chéo giữa triển khai phương thức lãnh đạo, tổ chức quản trị, hoạt động điều hành trong cơ sở giáo dục đại học.
Tại dự thảo báo cáo đánh giá tác động của chính sách Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đánh giá hội đồng trường của một số cơ sở giáo dục đại học hoạt động chưa hiệu quả, chưa thực hiện đúng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn, hình thức.
Đặc biệt, quy định về tổ chức hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là không phù hợp và không khả thi.
Kết thúc buổi Tham vấn chính sách xây dựng dự án Luật Giáo dục đại học (sửa đổi), Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đề nghị các trường đại học tiếp tục góp ý cho dự thảo thông qua các phiên thảo luận trong nội bộ đơn vị, gửi lại các ý kiến về ban soạn thảo.