Tỉnh ủy Bình Thuận hướng dẫn 'xem xét bố trí tỉnh ủy viên làm bí thư xã'

Tỉnh ủy Bình Thuận hướng dẫn phương án chuyển 100% công chức cấp huyện về xã và tinh giảm biên chế dần.
Ngày 15.5, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận Nguyễn Hoài Anh đã ban hành hướng dẫn về cơ cấu tổ chức bộ máy, biên chế; phương án nhân sự cấp ủy cấp xã, phường, đặc khu thành lập mới trên địa bàn.
Tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ địa phương
Theo hướng dẫn của Tỉnh ủy Bình Thuận về biên chế bộ máy cấp ủy xã, phường, đặc khu (gọi tắt là cấp xã), đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy trong sắp xếp, bố trí cán bộ theo quy định của Đảng và nhà nước. Cán bộ phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức.
Việc bố trí cán bộ phải thận trọng, chặt chẽ, dân chủ và công khai minh bạch; phù hợp với thực tiễn từng địa phương. Ưu tiên cán bộ có phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống tốt, có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm. Chú trọng bố trí cán bộ nữ, cán bộ trẻ và cán bộ người dân tộc thiểu số.
"Tuyệt đối tránh tư tưởng cục bộ địa phương, lợi ích nhóm, tiêu cực trong phân công, bố trí, cán bộ. Không xem xét, phân công, bố trí, giới thiệu giữ chức vụ cao hơn, có vị trí quan trọng hơn, đối với người đã bị thi hành kỷ luật trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 hoặc có vi phạm, khuyết điểm theo kết luận của cấp có thẩm quyền; hoặc có thông tin về trách nhiệm cá nhân trong các vụ án, vụ việc, kết luận mà các cơ quan chức năng đang, sẽ điều tra, thanh tra, kiểm tra", hướng dẫn của Tỉnh ủy nêu.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận có thể làm bí thư cấp xã
Về cơ cấu nhân sự, đối với đảng bộ hợp nhất (sáp nhập từ 2 đơn vị hành chính cấp xã) thì số lượng tối đa không quá 27 người/xã; không quá 33 người/xã, đối với đảng bộ sáp nhập từ 3 đơn vị hành chính cấp xã trở lên. Đối với ban thường vụ cấp ủy xã từ 9 - 11 người, tùy tình hình xã và sẽ do Tỉnh ủy quyết định số lượng.
Cơ cấu cấp ủy cấp xã gồm: Bí thư, phó bí thư; chủ tịch HĐND (bí thư hoặc phó bí thư thường trực kiêm nhiệm) và 1 phó chủ tịch HĐND; chủ tịch và 1 phó chủ tịch UBND; chủ nhiệm ủy ban kiểm tra, trưởng ban xây dựng Đảng; chỉ huy trưởng quân sự, trưởng công an xã; chủ tịch MTTQ và cơ cấu khác (nếu có) do Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét, quyết định.
Đảng ủy xã có 2 phó bí thư (1 phó bí thư thường trực và 1 phó bí thư, chủ tịch UBND xã); gồm 3 cơ quan chuyên trách giúp việc (văn phòng, ban xây dựng đảng và cơ quan ủy ban kiểm tra đảng ủy). Đối với đảng ủy có trụ sở tại trụ sở huyện ủy hiện nay thì được lập thêm trung tâm chính trị (đơn vị sự nghiệp cấp xã). Biên chế đảng ủy cấp xã từ 15 - 17 người, ở những nơi có trung tâm chính trị bố trí không quá 20 biên chế. Trước mắt có thể tạm bố trí nhân sự nhiều hơn, nhưng sau 5 năm phải đúng theo hướng dẫn này.
Riêng đối với Đảng bộ đặc khu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ có văn bản chỉ đạo riêng về cơ cấu, số lượng cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, phó bí thư cấp ủy sau khi được sự thống nhất của Ban Tổ chức T.Ư.
Hướng dẫn của Tỉnh ủy Bình Thuận nêu: "Có thể xem xét, bố trí nhân sự là tỉnh ủy viên làm bí thư đảng ủy xã; trường hợp đặc biệt, nếu đảng bộ có vị trí quan trọng, quy mô kinh tế, hạ tầng giao thông đô thị phát triển, số lượng đảng viên, dân số đông, thì có thể xem xét, bố trí nhân sự là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy làm bí thư đảng ủy".
Đối với chính quyền địa phương cấp xã gồm có: HĐND cấp xã có 2 ban giúp việc là ban pháp chế và ban kinh tế xã hội; UBND cấp xã có 4 phòng chuyên môn: văn phòng, phòng kinh tế (đối với xã và đặc khu hoặc phòng kinh tế - hạ tầng- đô thị đối với phường), phòng văn hóa - xã hội và trung tâm phục vụ hành chính công.
Tỉnh ủy cho phép chuyển 100% công chức cấp huyện về xã và tinh giảm biên chế dần. Trước mắt dự kiến biên chế mỗi xã là 32 người.