Tiệm mì mỗi tô một hương vị đắt hàng về đêm ở Thủ Đức, giá 1.000 đồng

Tắt nắng, bảng hiệu với dòng chữ 'Tiệm mì 1K' trên đường Phạm Văn Đồng (TP.Thủ Đức) sáng đèn, thu hút sự thêm nhiều sự chú ý của dòng người đi đường. Có người ghé ăn lần đầu vì tò mò, có người đã xem đây là "quán ruột". Lý do vì sao?
Bỏ vắt mì vào tô, Bùi Long Vũ (22 tuổi, ở P.Linh Xuân, TP.Thủ Đức, TP.HCM), sinh viên Đại học Bách khoa gắp chả chay, đậu hũ, rau, giá… mỗi thứ một ít rồi mở nắp nồi nước lèo nghi ngút khói để pha mì. "Với mức giá 1.000 đồng nhưng em được 1 tô mì chất lượng với nhiều món ăn kèm như rau, đậu hũ, chả… Tiệm mì bán giá 1.000 đồng/tô với sinh viên như em thì rất tiết kiệm", chàng trai nói.
Cạnh bên, tô mì của Bùi Quang Hoàng, sinh viên Đại học Sư phạm kỹ thuật còn có thêm hành lá, ớt và sa tế. Trước khi thưởng thức tô mì ấm nóng, chất lượng, 2 chàng trai lấy trong túi tờ 1.000 đồng, vuốt thẳng rồi bỏ vào thùng.
Tiệm mì có mỗi tô một hương vị
Tiệm mì giá 1.000 đồng khách tự phục vụ này do chủ nhiệm CLB Tâm Tự Tại (TP.Thủ Đức) phối hợp các thành viên, đại diện là chị Trần Thị Thà (41 tuổi), một nhân viên kế toán mở ra hôm 4.3.2025, phục vụ từ 16 - 23 giờ hằng ngày.
Tiệm nằm ở mặt tiền đường Phạm Văn Đồng (P.Linh Đông, TP.Thủ Đức) đông người qua lại và gần một số trường cao đẳng, đại học. Phục vụ từ 16 giờ nhưng khách ghé tiệm mì đông nhất vào khoảng 18 giờ. Tiệm có một số thành viên nhận nhiệm vụ sơ chế thức ăn bày ra bàn, nấu nước lèo.
"Chúng tôi cũng chỉ là cầu nối, bỏ chút công sức để vận hành tiệm. Những tô mì chúng tôi gửi đến bà con phần lớn là được nhận từ nhà hảo tâm, có người cho mì gói, rau củ", chị nói và cho biết chi phí nấu mì chỉ khoảng vài trăm nghìn đồng. Nhớ hôm đầu tiên khai trương, dù chuẩn bị nguyên liệu liệu khá nhiều nhưng chỉ bán được 8 tô. Sau hơn 1 tháng, có ngày cao điểm tiệm bán được cả trăm tô.
Tuy vậy, hương vị từng tô mì của mỗi ngày đều khác biệt. Bí quyết không phải ở chỗ có đầu bếp tài ba, mà chính là nhờ sự đóng góp của cộng đồng. Mọi người cho món gì, các thành viên sẽ chế biến theo nguyên liệu sẵn có như thế. Đặc biệt hơn, giữa cả chục món topping ăn kèm, từng vị khách sẽ pha mì theo phong cách, sở thích cá nhân, điều này làm nên đặc trưng riêng cho từng tô.
Tiệm mở được hơn 1 tuần thì Bùi Quang Hoàng biết và đến nay đã quay lại nhiều lần vì tô mì chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. "Tô mì để giá 1.000 đồng nhưng với em nó vô giá. Em thấy rất biết ơn những quán ăn như thế này vì giúp em tiết kiệm được rất nhiều. Em đã ăn ở đây nhiều lần rồi nhưng mỗi lần đều có sự thay đổi về hương vị nước lèo, rau củ nên không bị ngán", Hoàng nói.
Chị Thà cho biết, từ ngày mở tiệm mì, "không biết có bao nhiêu yêu thương để kể cho hết". Có người đến ăn 1 tô mì nhưng đem theo 1 thùng mì tặng lại tiệm. Có người dù ở rất xa nhưng cũng đặt shipper mang một số rau củ quả đến. Có người biết tiệm nấu nước lèo chay, tặng mấy cân lê và táo để hầm cho ngọt nước. Thậm chí, có nhiều người bỏ vào thùng tiền tờ 5.000 - 10.000 đồng, dù biết rõ giá chỉ 1.000 đồng.
TP.HCM ấm áp lắm, đâu phải là "xa hoa"
Lý giải về mức giá 1.000 đồng, chị Thà chia sẻ đó là con số tượng trưng. Chị sợ nếu tiệm không lấy tiền, khách sẽ ngại mà không ghé. Ngược lại, khi được trả tiền phần ăn, được góp sức cho tiệm, mọi người sẽ cảm thấy thoải mái hơn. Ban đầu, tiệm định cử một thành viên túc trực để giúp pha mì. Nhưng vì muốn khách tự nhiên như ở nhà, nên bày hết nguyên liệu và nồi nước lèo nóng sốt ra sẵn để khách tự chế biến tùy thích.
"Mì gói tiện lợi, có nước nên ăn buổi tối cũng dễ, chi phí không quá cao nên sẽ giúp đỡ được nhiều người hơn là nấu cơm hay các món cầu kỳ khác", chị Thà cho biết thêm.
Niềm vui lớn nhất với các thành viên nhóm chị Thà có lẽ là ngày càng có nhiều khách hàng sinh viên, người trẻ tuổi. Chị Thà quan niệm, giúp đỡ một bữa ăn cũng chỉ là một phần của mục đích. Quan trọng hơn, chị muốn gieo mầm tử tế đến cộng đồng, đặc biệt là người trẻ.
Điều này đặc biệt đúng với trường hợp của Thái Hoàng Phi (20 tuổi), một sinh viên ở TP.Thủ Đức. Chàng trai nói: "Dù từng nghe nói về những bữa ăn 0 đồng, 1.000 đồng nhưng chỉ khi ghé vào tiệm mì em mới trực tiếp chứng kiến và cảm nhận được sự tử tế của con người ở thành phố này".
Chị Thà, đại diện các thành viên nhóm cho biết có muôn vàn lý do để mọi người mở ra tiệm mì này. Chị và CLB Tâm Tự Tại cũng từng có nhiều hoạt động thiện nguyện, nấu khoảng 500 phần ăn vào ngày rằm, mùng 1 hằng tháng tặng bà con người lao động.
CLB Tâm Tự Tại còn đang có hoạt động dạy tiếng Anh, MC miễn phí cho mọi đối tượng. Tuy nhiên, càng "cho đi nhiều" nhưng những người "ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng" như chị lại cảm thấy việc làm của mình nhỏ bé, chưa đủ giúp hết nhiều hoàn cảnh khó khăn.
"Chúng tôi luôn cố gắng và ráng làm thêm chút nữa để giúp được thêm ai đó. Chúng tôi mong muốn lan tỏa đi thông điệp rằng thành phố này rất ấm nồng, nhiều tình yêu thương của con người dành cho nhau chứ đâu có 'xa hoa' như nhiều người vẫn nghĩ", chị Thà nói.