Thực hư việc The Coffee House bịt kín ổ cắm điện, 'đuổi khéo khách'

Việc The Coffee House, một trong những chuỗi cà phê từng được định giá hàng nghìn tỷ đồng, bịt kín ổ cắm điện tại nhiều cửa hàng đang gây tranh cãi.
Trên mạng xã hội, khách hàng phản ánh việc The Coffee House âm thầm bịt các ổ cắm điện tại một số cửa hàng. Không ít khách hàng lâu năm của thương hiệu cà phê này bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng việc cắt giảm tiện ích là một cách "đuổi khéo" những người coi quán cà phê như "văn phòng di động".
Họ cho rằng, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt, việc The Coffee House thay đổi chính sách sử dụng ổ điện mà không có thông báo rõ ràng là hành động thiếu tinh tế và có thể khiến họ mất đi một lượng lớn khách hàng quen thuộc.
Thông cảm với động thái bịt ổ điện của The Coffee House, một khách hàng cho biết: “Các bạn khi làm trong ngành dịch vụ sẽ hiểu chiến lược của nhãn hàng. Một ly nước bán ra lời lãi bao nhiêu, trong khi tiền mặt bằng, điện, nước... đều là chi phí? Khách vào cho mình là thượng đế ngồi từ sáng tới trưa thậm chí đến chiều... Mình thấy chiến lược này của hãng ok”.
Tài khoản Facebook khác chia sẻ, vào The Coffee House toàn sinh viên, dân thiết kế, làm bán thời gian,... ngồi cả ngày. Ai cũng mang laptop, máy tính bảng, sạc dự phòng,... cắm không chừa một chỗ trống mà gọi mỗi ly cà phê hay chanh đá. Cửa hàng lấy tiền đâu mà trả chi phí, bịt ổ cắm là đúng.
Ở chiều ngược lại, nhiều khách hàng không đồng tình và cho rằng khi một chuỗi cà phê quyết định bịt toàn bộ ổ cắm điện, điều này không chỉ dẹp bỏ một tiện ích, mà đang tự tước đi chính yếu tố từng làm nên sức hấp dẫn của mình - một nơi làm việc, học tập, gặp gỡ lý tưởng trong lòng giới trẻ, dân văn phòng, freelancer.
Tài khoản Facebook V.S nhận xét đó chẳng khác gì kiểu đuổi khách, vì giảm một ổ rồi sẽ đến nhiều ổ, cuối cùng có khi phải đóng cả cửa hàng.
“Bịt các ổ cắm điện và không có nước trà cho khách hàng uống là tự giảm đi quyền lợi cửa hàng. Khách hàng đi hay sẽ trở lại là tùy vào những cách phục vụ”, Hoàng Tuấn - một khách hàng bình luận.
Chị Thu Hương (làm kế toán bán thời gian), thường xuyên ngồi các quán cà phê để làm việc. Tại Hà Nội, một số cửa hàng The Coffee House chị hay đến chưa bịt ổ điện. Tuy nhiên, không đồng tình với việc làm này, chị nói: "Tôi thường xuyên ngồi quán cà phê để làm việc và rất cần ổ điện. Nếu các ổ điện bị bịt kín, dĩ nhiên khó để tôi quay lại".
Chị Phương Thuý (chủ một quán cà phê ở Hà Nội) cho rằng, biên lợi nhuận gộp với kinh doanh đồ uống thường thấp, trong khi các yếu tố như tiền thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí nhân công và nguyên vật liệu liên tục tăng. Việc khách hàng ngồi lâu hàng giờ với chỉ một ly cà phê khiến chỉ số doanh thu/m2 và doanh thu/giờ giảm sút.
Tuy nhiên, nếu chỉ chú trọng tối ưu chi phí ngắn hạn mà bỏ qua trải nghiệm, doanh nghiệp có thể đối mặt với rủi ro mất khách hàng trung thành và đánh mất lợi thế cạnh tranh.
Trước những ý kiến tranh luận trái chiều, The Coffee House đã lên tiếng trên trang fanpage chính thức.
Theo đó, The Coffee House cho hay: Dạo gần đây, tại một vài cửa hàng, Nhà đang thực hiện những bước điều chỉnh nhỏ để làm mới không gian – với mong muốn mang đến cho Bạn trải nghiệm trọn vẹn và thú vị hơn mỗi khi ghé thăm. Trong quá trình đó, có thể đã có đôi chút bất tiện xảy ra, Nhà rất lấy làm tiếc và mong Bạn cảm nhận được sự cố gắng của tụi mình trong từng thay đổi nhỏ.
Cụ thể, các ổ điện tại Nhà sẽ được bố trí theo từng khu vực – để Bạn dễ dàng lựa chọn không gian phù hợp với nhu cầu. Những khách hàng cần ổ điện để học tập hay làm việc sẽ có khu vực riêng yên tĩnh hơn.
Trong khi đó, theo đơn vị này, khách đến để trò chuyện, thư giãn hoặc trải nghiệm dịch vụ cũng sẽ có không gian riêng biệt, nhằm đảm bảo sự thoải mái và không ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của tất cả mọi người.
"Để quá trình điều chỉnh diễn ra thuận lợi, Nhà sẽ tạm thời hạn chế sử dụng ổ cắm trong bán kính 2m quanh khu vực quầy nhằm đảm bảo an toàn cho bạn", The Coffee House bày tỏ, "Tất cả thay đổi đều được lên kế hoạch kỹ lưỡng, chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và không ảnh hưởng đến các khu vực còn lại trong cửa hàng. Các tầng và không gian khác vẫn hoạt động bình thường và luôn sẵn sàng chào đón bạn như mọi khi".
Ra đời năm 2014, The Coffee House từng là một trong những chuỗi cà phê có số lượng cửa hàng lớn nhất tại Việt Nam. Theo thông tin trên trang web của Seedcom, The Coffee House có 155 cửa hàng tại nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Sau Covid-19, thị trường F&B gặp khó khăn, nhiều chuỗi cà phê phải đóng cửa. The Coffee House bắt đầu thu hẹp quy mô. Việc thu hẹp quy mô cửa hàng được giải thích là nhằm tối ưu chi phí, cải thiện hoạt động kinh doanh, thích ứng với điều kiện thay đổi.
Từ đầu năm 2025, Golden Gate, “ông trùm” ngành F&B, đã thâu tóm 99,98% cổ phần The Coffee House với mức giá 270 tỷ đồng, chỉ bằng 1/4 giá trị định giá năm 2021. Tuy nhiên, sau thương vụ này, nhiều chuyên gia cho rằng The Coffee House vẫn chưa có sự thay đổi nổi bật.