Tên địa danh cần xứng tầm lịch sử

Tôi đồng thuận với việc phải cân nhắc và thảo luận trong nhân dân về việc đặt tên gắn với đơn vị hành chính mới. Trong đó yếu tố lịch sử cần được chú trọng hơn.
Mới đây, ba địa danh Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đề xuất đặt cho ba phường mới ở địa bàn quận 1, quận 5, Bình Thạnh (TP.HCM).
Trong khi đó, lãnh đạo Thành ủy và UBND cùng Sở Nội vụ TPHCM cũng đã lưu ý cần cân nhắc kỹ và lấy ý kiến người dân về việc đặt tên cho các địa danh phường xã sẽ mở rộng.
Những cái tên từ thời mở cõi
Địa danh Sài Gòn, sách sử xưa từng ghi là vùng đất quanh sông Đồng Nai, khi di dân Việt mới khai phá đất phương Nam.
Kế tiếp, vào thập niên 1860 tên Sài Gòn được sử dụng trong đơn vị hành chính mới mẻ "Ville de Saigon" - TP Sài Gòn với địa giới tương ứng dải đất ven vàm Bến Nghé đổ vào trong sâu và dần mở rộng hơn.
Từ thập niên 1950 đến tháng 4-1975, tên Sài Gòn gắn với đơn vị hành chính hàng đầu "đô thành Sài Gòn". Thời đó Sài Gòn là các quận được bao bọc xung quanh bởi các vùng đất trực thuộc đơn vị hành chính tỉnh Gia Định.
Sang năm 1976 tỉnh Gia Định và một số địa phương lân cận thuộc các tỉnh khác cùng đô thành Sài Gòn được sáp nhập vào nhau, lập nên đơn vị hành chính mới là TP.HCM.
Trong khi đó, địa danh Gia Định có từ năm 1698, gắn với đơn vị hành chính phủ Gia Định (tương ứng với phần lớn đất Nam Bộ). Sang thời Minh Mạng, Gia Định là tên một tỉnh (trong đó vùng Sài Gòn và Chợ Lớn).
Sau này đơn vị hành chính tỉnh Gia Định được giữ nguyên và điều chỉnh địa giới một số lần, đặt tỉnh lỵ tại khu Bình Hòa (Lăng Ông Bà Chiểu).
Còn Chợ Lớn vào thế kỷ 18 là tên gọi của người Việt để chỉ khu phố chợ lớn nhất của Sài Gòn. Sang thời Pháp, khu Chợ Lớn được chuyển thành đơn vị hành chính mới - Ville de Cholon.
Đến thập niên 1930, TP Sài Gòn và TP Chợ Lớn sáp nhập vào nhau thành Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, sau đó là "đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn và rồi từ năm 1955 chỉ gọi là "đô thành Sài Gòn". Trong đó vùng Chợ Lớn được phân chia thành quận 5 và quận 6, kế đến lại tách một phần lập ra quận 10 và quận 11 gần bên.
Nhìn lại dòng lịch sử, ta thấy việc đặt tên và phân chia địa giới hành chính của Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn diễn ra nhiều lần. Nhưng tất cả những lần thay đổi đơn vị hành chính và địa giới đều không sử dụng các tên gọi Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn cho những vùng đất nhỏ ở cấp cơ sở.
Dưới các đơn vị hành chính từng mang tên Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn luôn có nhiều đơn vị hành chính nhỏ hơn, gọi tên là phủ tổng, huyện hay quận và phường xã, dưới nữa là khóm, ấp tùy theo các thời kỳ.
Cần cân nhắc kỹ hơn
Qua hai cuộc kháng chiến giành độc lập và thống nhất, các tên gọi Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn đã gắn với xương máu, mồ hôi chiến đấu và sáng tạo của biết bao thế hệ. Thiết nghĩ trong việc đặt tên các đơn vị hành chính mới rất cần cẩn trọng.
Việc đặt tên Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn cho những đơn vị hành chính nhỏ có thể gây ra sự lẫn lộn về nguồn gốc các vùng đất, làm tàn phai hay thu nhỏ không gian địa lý và kinh tế - xã hội của ba thực thể này, chưa kể ảnh hưởng đến tâm lý và tình cảm của người dân.
Mặt khác, chúng ta không thể lãng phí ba tên gọi Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn quý giá, vốn dĩ đã trở thành thương hiệu không chỉ cho địa phương mà còn là thương hiệu cho nhiều doanh nghiệp và sản phẩm uy tín của đất nước.
Nhân cơ hội sửa đổi địa giới hành chính, tôi đề nghị cần lấy ý kiến sâu rộng trong dân chúng làm cách nào bảo tồn và hưng phục các địa danh xưa của TP.HCM - một đô thị đã và sẽ mở rộng gấp bội sau sáp nhập.
Trong đó ba tên gọi Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn cần được sử dụng cho những không gian mang tầm vóc xứng đáng sau nhiều năm không còn những đơn vị hành chính mang những tên gọi đó.
Từ đây đến hết thời gian kỳ họp Quốc hội dự kiến bắt đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 6-2025, tôi nghĩ dù còn thời gian không nhiều nhưng chúng ta vẫn có thể thảo luận, cân nhắc kỹ hơn, đưa ra nhiều phương án để trình Quốc hội xem xét quyết định.