Nhảy đến nội dung
 

Tăng 'sức đề kháng', bảo vệ túi tiền và sức khỏe trước quảng cáo từ người nổi tiếng

Trong những ồn ào về "kẹo rau củ", "sữa giả" chúng ta thấy sự xuất hiện dày đặc của những người nổi tiếng. Ở đó, họ là nhân vật chính hoặc người "hợp tác, tư vấn giới thiệu" sản phẩm, khiến người dùng tin tưởng gần như tuyệt đối.

Nhưng phải chăng, vì chúng ta quá mải mê bám vào người nổi tiếng nên đã đánh mất "sức đề kháng", để rồi liên tiếp mua nhầm hàng giả này đến hàng kém chất lượng kia?

Từ "like" đến tin

Khi tra cứu danh sách gần 600 loại sữa giả được công bố trên báo chí, tôi thấy có một sản phẩm ở trong... nhà mình. Tìm hiểu kỹ hơn tôi mới biết, thì ra loại sữa này do bố mẹ "âm thầm" mua online, đem giấu tự dùng vì sợ con cái biết (trước đó chúng tôi nhiều lần lên tiếng về việc bố mẹ mua thuốc qua mạng).

Điều đáng nói, khi đưa bài báo có ghi tên loại sữa giả cho bố mẹ xem thì ông bà vẫn gạt đi, bảo rằng "báo đưa tin nhầm lẫn", "PGS.TS kia đã quảng cáo", rồi "hàng triệu người đang uống"...

Bố mẹ tôi chỉ là một trong rất nhiều nạn nhân của vấn đề mất "sức đề kháng" trước người nổi tiếng. Họ không chỉ xem, bấm like mà còn xem đó là chân lý. Niềm tin dần dà ngấm sâu và quyết định mua các sản phẩm được người nổi tiếng giới thiệu.

Có rất nhiều chuyện dở khóc dở cười từ thực tế này. Ví dụ, bác sĩ thật khuyên đừng uống thuốc linh tinh thì không ai nghe, nhưng lên mạng thấy người nổi tiếng bảo "dùng thuốc này hay lắm", "dùng cái này hết bệnh" là mua ngay. 

Chuyên gia dinh dưỡng khuyên ăn rau củ thì lướt qua, đến khi người nổi tiếng bảo chỉ cần mua một viên kẹo giàu chất xơ thì gật gù.

Người dùng bị thao túng bởi các thuật toán trên mạng xã hội, bị những "lời hay ý đẹp" từ những người nổi tiếng dẫn dắt, nên tin hàng mà "quên" quan tâm chất lượng.

Cần tiếp nhận thông tin một cách có ý thức

Trong thời đại bùng nổ của mạng xã hội, sức ảnh hưởng của người nổi tiếng ngày càng lớn. Chúng ta ai cũng có thể chọn theo dõi một người nổi tiếng mình yêu thích, nhưng điều đó không có nghĩa là tin tưởng mọi phát ngôn từ họ. 

Người nổi tiếng không phải là chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Chúng ta có thể yêu quý nhưng đừng đồng nhất họ là mình, rồi tin tưởng một cách vô điều kiện, đánh mất sự tỉnh táo, tự biến mình thành người dùng u mê.

Nếu chúng ta tin tưởng tuyệt đối, không kiểm chứng thì rất dễ bị chi phối bởi cảm xúc riêng dẫn đến chia sẻ thông tin sai lệch hoặc mua phải hàng kém chất lượng về dùng. Khi mất "sức đề kháng", chúng ta sẽ bị phụ thuộc vào người nổi tiếng, mất khả năng tư duy độc lập, khả năng tự nhìn nhận đánh giá vấn đề sẽ nghe theo vô điều kiện.

Khi lên mạng, chúng ta cần thay đổi cách tiếp nhận thông tin từ người nổi tiếng bằng cách không vội tin theo, luôn kiểm chứng, thường xuyên đặt ra các câu hỏi, góc nhìn ngược lại và tự tìm ra câu trả lời cho riêng mình. 

Đây cũng là cách tiếp nhận thông tin một cách thụ động, tin tưởng mù quáng giữa thế giới mạng xã hội giả thật lẫn lộn.

Những người nổi tiếng làm sai đã có các cơ quan chức năng xử lý, nhưng chúng ta cũng "đang sai" khi tự đánh mất chính mình trên không gian mạng. Sau các vụ sữa giả, kẹo rau củ... chúng ta nên xem đây là cơ hội để nhìn lại mình, không để cảm xúc quyết định lý trí, không tung hô thần tượng thành chân lý.

Đây là điều cần làm ngay, vì nếu không tự mình "tăng sức đề kháng", người người sẽ tiếp tục bị cuốn vào vòng xoáy của thời đại ai cũng trở nên nổi tiếng.