Tại sao cha mẹ cần 'nhìn con sửa mình'?

Tác giả Nami Lee tiến sĩ ở trường Đại học Y, Đại học Seoul, bà lấy bằng thạc sĩ chuyên ngành tâm lý tôn giáo ở trường Đại học Thần học Junior Mỹ. Bà đã có kinh nghiệm nhiều năm điều trị tâm lý cho các bệnh nhân ở tuổi vị thành niên. Cuốn sách này đem tới cho người đọc một cái nhìn toàn diện hơn về những tổn thương tâm lý ở tuổi thiếu niên và ảnh hưởng của nó tới quá trình trưởng thành.
![]() |
Cha mẹ cần sống ngăn nắp, có kỷ luật để trở thành tấm gương tốt cho con cái. Ảnh minh họa: M&C. |
Nghiên cứu ở những người có tạng khó tiêu và khó bài tiết thành phần cồn ra khỏi tế bào gan thì có thể nói rằng, nghiện chất có cồn liên quan một chút đến tính di truyền. Tuy nhiên, không phải cứ bố mẹ là người nghiện chất có cồn, thì con cái tất yếu đều trở nên nghiện ngập theo.
Dù thấy ghét khi nhìn hình ảnh say khướt của người cha, đứa con lại học và làm theo điều đó một cách vô thức. Tệ hơn nữa là có những người có tật cứ say rượu là đập phá đồ đạc hoặc đánh đập vợ con. Nếu bố mẹ không cố gắng làm gương mà chỉ thể hiện hình ảnh phản giáo dục và không chín chắn, thì con cái sẽ có những kiểu mâu thuẫn nghiêm trọng.
Kiểu thứ nhất là trẻ không muốn về nhà vì cứ về nhà là sẽ gặp bầu không khí rối ren và mệt mỏi. Các em không muốn trở về sau giờ tan học mà lang thang bên ngoài với bạn bè và sẽ có nguy cơ lớn bỏ nhà hoặc tham gia vào nhóm những bạn bè xấu.
Kiểu thứ hai là dạng những đứa trẻ có tính cách hiền lành, muốn tránh xa cuộc cãi vã của cha mẹ trong lúc cha mẹ thực hiện "vai trò của mình". Các em nỗ lực dung hòa mâu thuẫn khi chăm chỉ đóng vai trung gian, nhưng khi đã cố gắng mà không đạt kết quả, các em sẽ tự trách mình và cảm thấy đau đớn.
Kiểu thứ ba là những trẻ có lối cư xử và hành động tùy tiện giống cha mẹ. Nếu cha mẹ đập phá đồ dùng trong nhà thì các em cũng đập phá, cha mẹ la hét các em cũng la hét.
Chúng ta coi đây là sự "đồng hóa" con cái khi chúng bắt chước theo cha mẹ trong quá trình chung sống. Nhưng cha mẹ các em đã cư xử không đúng nên việc các em hành động giống họ chỉ khiến gia tăng sự bạo hành và hủy hoại chính mình chứ không hề giúp ích cho cuộc đời các em.
Dù hơi ích kỷ, tôi mong rằng các em hãy xem vấn đề của cha mẹ là vấn đề của riêng họ và giữ thái độ ít liên quan đến mình nhất. Vấn đề của cha mẹ, dù các em có nỗ lực bao nhiêu thì cũng chẳng thể giải quyết.
Và có nhiều trường hợp, người lớn đôi khi cãi vã nhau như kẻ thù nhưng rồi lại hòa giải như chưa từng có chuyện gì xảy ra, nên nếu chen vào giữa một cách vô ích thì chỉ khiến mình bị tổn thương mà thôi.
Đại đa số người lớn không dễ bị tổn thương như các em. Trong khi những đương sự đánh đập, cãi vã hay hành động lệch lạc còn không tự trách gì mình, nếu các em một mình đau khổ thì chỉ thiệt thòi hơn thôi. Dù gia đình quý giá như thế nào thì tôi hy vọng các em nhận ra một điều rằng có mình thì mới có gia đình.