Sự khiêm tốn đáng giá hơn chúng ta vẫn nghĩ

Cuốn sách này chứa đựng những câu chuyện truyền cảm hứng về sự gắn bó giữa con người với nhau. Từ đó chúng ta nhận ra rằng, một đội nhóm hoạt động hiệu quả được xây dựng nên từ những cá nhân cởi mở, biết lắng nghe và đặt lợi ích chung lên hàng đầu.
![]() |
Sự khiêm tốn giúp bạn học hỏi được nhiều điều có ích. Ảnh minh họa: S.N. |
Vào một buổi chiều năm 1953, nhiều phóng viên và quan chức đã tập trung tại một ga tàu Chicago để đón người đạt giải Nobel Hòa bình năm 1952. Người đó bước xuống tàu, một người đàn ông vạm vỡ, cao gần 2 m với mái tóc hơi bù xù và bộ ria mép vĩ đại.
Khi những ánh đèn flash từ máy ảnh liên tục nháy sáng, các quan chức của thành phố tiến đến, giang rộng tay và nói với ông rằng họ rất vinh dự khi được gặp ông. Ông lịch sự cảm ơn họ rồi nhìn qua đám đông và xin phép mọi người cho phép mình đi qua. Người đàn ông nhanh chóng sải bước vượt khỏi đám đông, đến bên cạnh một người phụ nữ da đen lớn tuổi đang vất vả xoay xở với 2 túi hành lý lớn.
Bằng đôi tay to lớn, ông xách 2 túi hành lý lên, mỉm cười và hộ tống người phụ nữ lên xe bus, sau đó chúc cô thượng lộ bình an. Trong lúc đó, đám đông vẫn xôn xao sau lưng ông. Ông quay lại nói với họ: "Xin lỗi vì đã để mọi người phải đợi tôi".
Người đàn ông ấy chính là Tiến sĩ Albert Schweitzer - một bác sĩ, nhà truyền giáo nổi tiếng đã cống hiến cả cuộc đời để giúp đỡ những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở châu Phi.
Ngày hôm ấy, mọi người đã nhận được một bài học về sự khiêm nhường và tinh thần cống hiến. Tương tự như Tiến sĩ Schweitzer, thái độ và hành động khiêm tốn của mỗi chúng ta có thể thay đổi và truyền cảm hứng cho người khác. Tuy nhiên, trong một nhóm, để trở thành một đồng đội khiêm tốn cần rất nhiều thời gian và nỗ lực.
Quá trình này, nó không phải lúc nào cũng thoải mái. Khiêm tốn là phẩm chất chúng ta có thể rèn luyện. Nhưng nó không chỉ đơn giản là bạn mong ước có nó, rồi bỗng nhiên một ngày bạn biến thành người khiêm tốn.
Một đồng đội khiêm tốn là người xem kết quả làm việc của cả nhóm đến đâu là trách nhiệm của chính bản thân mình. Họ sẽ tự hỏi: “Có việc gì mình có thể làm tốt hơn không?”. Nếu không đáp ứng được như kỳ vọng, họ sẽ không đổ thừa cho người khác.
Với bản tính khiêm nhường, họ không xem sai lầm là một điều tồi tệ mà là cơ hội để học hỏi và phát triển. Họ hiểu rằng mắc lỗi là một phần không thể tránh được của quá trình học tập phát triển.
Một đồng đội khiêm nhường sẽ luôn biết ơn những gì người khác đã làm cho mình. Biết ơn sự hỗ trợ từ những người đã giúp họ tiến tới thành công. Bên cạnh đó, người khiêm tốn vốn đủ tự tin vào bản thân, vì thế họ không còn động lực so sánh, lo sợ, đố kị vì thành tựu của đồng đội. Họ chân thành chúc mừng cho thành công của đồng nghiệp chứ không hề cảm thấy ganh tị.