Rủi ro từ chiến lược chống khủng bố mạnh tay của Thủ tướng Ấn Độ

Sau hơn 10 năm nắm quyền, Thủ tướng Narendra Modi đã xây dựng một chiến lược chống chủ nghĩa khủng bố mới, với lập trường cứng rắn rằng bất kỳ cuộc tấn công khủng bố nào do các nhóm phiến quân ở Pakistan gây ra đều sẽ đối mặt với đòn đáp trả dữ dội từ quân đội Ấn Độ.
Chủ nghĩa khủng bố từ lâu được coi là một mối đe dọa hàng đầu về an ninh với Ấn Độ, khi các nhóm phiến quân hoạt động ở Pakistan thường xuyên tiến hành các cuộc phục kích, tấn công nhắm vào lực lượng an ninh, dân thường ở vùng Kashmir đang tranh chấp giữa hai nước. Ấn Độ cáo buộc Pakistan hậu thuẫn cho các nhóm này, nhưng Islamabad bác bỏ.
Trước năm 2014, Ấn Độ theo đuổi chính sách kiềm chế khi đối phó với các vụ khủng bố. Khi xảy ra một vụ tấn công gây thương vong cho dân thường hoặc binh sĩ, Ấn Độ chọn biện pháp ngoại giao, như đình chỉ đối thoại, trục xuất quan chức ngoại giao Pakistan. Biện pháp quân sự được cho là quá nguy hiểm, do Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu vũ khí hạt nhân.
Nhưng dần dần, công chúng Ấn Độ cảm thấy không nước nào có thể chịu đựng mãi những vụ tấn công khủng bố, tin rằng leo thang xung đột là cần thiết. Trong chiến dịch tranh cử năm 2014, ông Modi lấy mong muốn đáp trả mạnh mẽ này làm trọng tâm và đắc cử Thủ tướng.
Cam kết cứng rắn được Thủ tướng Modi thể hiện vào tháng 9/2016, khi các tay súng thuộc nhóm Jaish-e-Mohamed (JeM) ở Pakistan tấn công doanh trại quân đội Ấn Độ ở thị trấn Uri, Kashmir, khiến 19 binh sĩ thiệt mạng. Ấn Độ đã điều lực lượng đặc nhiệm vượt Đường Kiểm soát sang Pakistan để tấn công "phần tử khủng bố".
New Delhi mô tả đây là "chiến dịch tấn công chính xác, gây thương vong lớn cho nhóm khủng bố", và không công bố con số cụ thể. Islamabad bác bỏ thông tin về chiến dịch của Ấn Độ, cho biết chỉ có đấu súng dọc biên giới và hai binh sĩ Pakistan thiệt mạng.
Giới phân tích độc lập nhận định Ấn Độ đã mở chiến dịch ở khu vực gần biên giới, và không xâm nhập sâu trong lãnh thổ Pakistan. Động thái đã giúp thỏa mãn mong muốn của công chúng Ấn Độ về việc New Delhi cần phải hành động mạnh mẽ để răn đe.
Nhưng nguy cơ và mức độ leo thang từ học thuyết chống khủng bố cứng rắn của Thủ tướng Modi dần bộc lộ qua các cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan kể từ đó.
Năm 2019, các tay súng JeM tấn công đoàn xe an ninh Ấn Độ ở thị trấn Pulwama, Kashmir, khiến khoảng 40 người chết. Ấn Độ lần này trả đũa mạnh tay hơn, lần đầu tiên kể từ cuộc chiến tranh năm 1971 tiến hành chiến dịch không kích vào thị trấn Balakot, sâu trong lãnh thổ Pakistan, tuyên bố đây là "sào huyệt" của nhóm phiến quân.
Ấn Độ tuyên bố hạ "lượng lớn" phần tử khủng bố, nhưng cũng không đưa ra con số cụ thể. Đòn không kích được truyền thông Ấn Độ mô tả là thông điệp mạnh mẽ đến Pakistan.
Nhưng rắc rối bất ngờ đã phát sinh từ phản ứng của Pakistan. Không quân nước này ngay ngày hôm sau đã không kích vào lãnh thổ Ấn Độ để trả đũa, làm bùng nổ cuộc không chiến hôm 27/2/2019 trên bầu trời khu vực tranh chấp Kashmir.
Trong trận không chiến này, một tiêm kích MiG-21 Ấn Độ bị bắn rơi, phi công bị bắt làm tù binh. Tình hình tại Kashmir chỉ hạ nhiệt sau khi Pakistan trao trả phi công tù binh, giúp hai bên có cơ hội tuyên bố chiến thắng và xuống thang.
Vụ MiG-21 bị bắn rơi đã làm tổn hại hình ảnh của Ấn Độ, vốn được coi là cường quốc quân sự áp đảo so với Pakistan, và hé lộ rủi ro từ chính sách cứng rắn của ông Modi. Nhưng nó lại giúp đảng cầm quyền nhận thêm sự ủng hộ, thắng áp đảo cuộc bầu cử diễn ra sau đó và ông Modi đắc cử nhiệm kỳ 5 năm thứ hai.
5 năm sau, vòng xoáy xung đột leo thang tới đỉnh điểm, khi nhóm vũ trang TRF ở Pakistan hồi cuối tháng 4 gây ra vụ xả súng ở thị trấn Pahalgam, vùng Jammu và Kashmir, khiến 26 người thiệt mạng.
Ấn Độ đổ lỗi cho Pakistan và mở chiến dịch không kích sáng 7/5, không kích sâu chưa từng thấy vào lãnh thổ nước láng giềng để "hạ mục tiêu khủng bố". Pakistan triển khai nhiều chiến đấu cơ để đối phó đòn không kích, tuyên bố đã hạ 5 tiêm kích và một máy bay không người lái của Ấn Độ.
Hai bên những ngày sau đó liên tục tập kích vào lãnh thổ gần biên giới, nhắm mục tiêu căn cứ quân sự của nhau. Nhiều thông tin sai lệch, hình ảnh về những lần giao tranh từ trước xuất hiện trên mạng xã hội.
Cuộc xung đột kéo dài 4 ngày, trước khi chấm dứt bằng một lệnh ngừng bắn vào chiều 10/5, với Mỹ và một số quốc gia khác làm trung gian. Sudha Ramachandran, biên tập viên mục Nam Á của tạp chí Diplomat, nhận định chính phủ của Thủ tướng Modi có thể phần nào đánh mất sự ủng hộ của dư luận trong nước khi chấp nhận ngừng bắn với Pakistan.
Hai ngày sau đó, Thủ tướng Modi phát biểu trên truyền hình, tiếp tục thể hiện sự cứng rắn. Ông cảnh báo học thuyết chiến tranh của Ấn Độ đã thay đổi, tuyên bố sẽ coi những vụ tấn công như ở Pahalgam là "hành động chiến tranh" và đáp trả tương xứng, "không phân biệt giữa những kẻ chủ mưu của các cuộc tấn công khủng bố với những chính quyền bảo trợ khủng bố".
Giới chuyên gia đánh giá chính sách này của ông Modi tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, có thể dễ dàng đẩy Ấn Độ vào một vòng xoáy leo thang xung đột với đối thủ.
"Ấn Độ tiến thoái lưỡng nan về chiến lược. Phô diễn sức mạnh trước mối đe dọa là điều quan trọng để xây dựng hình ảnh một cường quốc đang lên, nhưng rủi ro châm ngòi chiến tranh toàn diện lại làm suy yếu các mục tiêu chung về vị thế tại khu vực và trên thế giới", Suvolaxmi Dutta Choudhury, chuyên gia về Nam Á tại Asia Pacific Foundation of Canada, viện chính sách về quan hệ giữa Canada và châu Á, nhận định.
Bà Choudhury cho rằng hai bên sẽ duy trì lệnh ngừng bắn hiện tại, nhưng cần thúc đẩy các biện pháp ngoại giao để giải quyết căn nguyên căng thẳng, thay vì có các hành động cứng rắn nhắm vào nhau.
"Hai bên đều tuyên bố đã giành thắng lợi chiến lược, nhưng nếu chiến tranh tổng lực nổ ra, sẽ không có bên nào thắng. Nguy cơ leo thang căng thẳng, dẫn đến kịch bản vũ khí hạt nhân được kích hoạt gây ra thảm họa, vẫn hiện hữu và rất nguy hiểm", bà nói.
Như Tâm (Theo Atlantic, ABC, Reuters)