Nhảy đến nội dung
 

Rùa biển trong sách đỏ dính 'lưới ma', chi trước bị siết chặt may mắn được cứu

Con rùa biển bị dính 'lưới ma' trôi dạt trên biển được ngư dân Lý Sơn cứu. Thời điểm cứu, chú rùa xanh quý hiếm dính lưới bị thương, hai chi trước bị lưới siết chặt gây lõm thịt.

Ngày 5-5, ông Huỳnh Ngọc Dũng - giám đốc Khu bảo tồn biển Lý Sơn, Quảng Ngãi - cho biết cá thể rùa biển mắc “lưới ma” bị thương đã được cứu, băng bó vết thương. Hiện được khu bảo tồn theo dõi sức khỏe.

Anh ngư dân tốt bụng, cứu chú rùa biển dính “lưới ma”

Khoảng 5h30 sáng 5-5, ngư dân Ngô Văn Minh (trú thôn Tây An Vĩnh, huyện Lý Sơn) sau khi kết thúc buổi đi biển trên đường chạy vào đảo bán cá, khi cách đảo Lý Sơn khoảng 1 hải lý về phía tây, ngư dân Minh phát hiện vật thể trôi nổi.

Cố nhìn, ngư dân Minh nghi ngờ điều bất thường khi vật thể liên tục động đậy đã cho tàu tiến đến và phát hiện một cá thể rùa biển đang bị “lưới ma” quấn chặt.

Người ngư dân tốt bụng đã vớt chú rùa lên tàu và dùng dao cắt tấm lưới đang quấn chặt cơ thể. Sau khi cứu chú rùa thoát khỏi tấm “lưới ma”, ngư dân Minh tính thả trở lại biển.

Nhưng nhìn hai chi trước bị lưới siết chặt lõm thịt, vết thương nặng, còn hai chi sau của chú rùa bị trầy xước vì vùng vẫy thoát khỏi tấm lưới, ngư dân Minh lập tức báo cho ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn để tiếp nhận, điều trị vết thương cho chú rùa.

Ông Huỳnh Ngọc Dũng - giám đốc ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn - nhìn vết thương nặng mà chú rùa xanh gặp phải đã dự đoán chú rùa này mắc lưới ít nhất 7 ngày.

Sau khi chữa trị vết thương, đơn vị bảo tồn cân trọng lượng chú rùa xanh nặng 12kg. Hiện ban quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đang theo dõi sức khỏe, khi ổn sẽ thả về đại dương.

Rùa biển xanh (Chelonia mydas) khi trưởng thành có trọng lượng trung bình từ 68 - 190kg. Tuy nhiên một số cá thể lớn hơn có thể nặng tới 230kg. Chiều dài mai của rùa trưởng thành thường dao động từ 1 - 1,2m.

Đặc biệt cá thể rùa biển xanh lớn nhất từng được ghi nhận có chiều dài mai lên tới 1,53m và nặng khoảng 395kg.

Rùa biển xanh là loài rùa biển lớn thứ hai thế giới, chỉ sau rùa da (Dermochelys coriacea). Chúng thường sinh sống ở các vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, bao gồm cả vùng biển Việt Nam.

Rùa biển xanh được bảo vệ thế nào?

Rùa biển xanh (Chelonia mydas) hiện đang được bảo vệ nghiêm ngặt ở cả cấp quốc gia và quốc tế do nguy cơ tuyệt chủng cao.

Tại Việt Nam, rùa biển xanh thuộc nhóm IB theo nghị định 84/2021 là loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, cấm hoàn toàn việc săn bắt, giết hại, nuôi nhốt, buôn bán, vận chuyển trái phép vì mục đích thương mại…

Người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính lên đến 1 tỉ đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 7 năm tù nếu vi phạm nghiêm trọng.

Trên thế giới, theo công ước CITES, rùa biển xanh được liệt kê vào phụ lục I, nghiêm cấm mọi hoạt động buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.

Trong sách đỏ IUCN, rùa biển xanh được xếp vào nhóm nguy cấp (Endangered), có nguy cơ tuyệt chủng rất cao nếu không được bảo vệ hiệu quả.

Nhiều tổ chức quốc tế như WWF, IUCN, IAC… thực hiện các chương trình nghiên cứu, phục hồi quần thể và giáo dục bảo tồn.