Nhảy đến nội dung

Phụ huynh xông vào trường hành hung giáo viên, vết thương không chỉ ở cô giáo

Vụ ông Hà Văn Thúy ở Nghệ An xông vào trường, túm tóc, hành hung cô giáo trước mặt nhiều học sinh, phụ huynh, đang khiến dư luận phẫn nộ. Khi cư xử như vậy, người lớn đang dạy con trẻ điều gì?

Không chỉ vì hành vi thô bạo, mang tính chất côn đồ, diễn ra tại nơi lẽ ra phải là không gian an toàn nhất là trường học, mà còn bởi những dấu chấm hỏi nhức nhối xuất hiện trong mỗi chúng ta: Khi cư xử như vậy, người lớn đang dạy con trẻ điều gì? Trường học còn có thể là nơi "dạy học" nếu thầy cô bị xúc phạm giữa bàn dân thiên hạ?

Hành hung cô giáo, không thể đổ cho bất cứ lý do nào khác 

Theo tường trình của cô giáo, vụ hành hung xảy ra vào chiều 28-4. Do mưa to, gió lớn đúng vào thời điểm tan học, nhiều học sinh và giáo viên ở lại lớp chờ phụ huynh tới đón. 

Ông Hà Văn Thúy đến trong trạng thái có dấu hiệu say xỉn, không mặc áo mưa, rồi bất ngờ văng tục, lao vào hành hung một thầy giáo. 

Chưa dừng lại, ông này tiếp tục túm tóc, lôi cô giáo ra giữa sân trường, đánh đập và bắt cô đứng dưới mưa.

Chuyện này diễn ra công khai, ngay tại trường học với sự chứng kiến của khoảng 25 học sinh và nhiều phụ huynh. 

Hành vi của Hà Văn Thúy không thể cảm thông bởi bất cứ lý do gì vì nó diễn ra trong môi trường giáo dục, vốn có truyền thống tôn sư trọng đạo. 

Say rượu không thể là cái cớ để một người đàn ông tự cho mình quyền hành hung người khác. 

Nếu dễ dàng châm chước cho hành vi côn đồ chỉ vì người vi phạm "không làm chủ được mình", thì xã hội này sẽ vận hành ra sao? 

Sự khoan dung không đúng chỗ, đôi khi là nguyên nhân khiến những suy nghĩ, hành động lệch chuẩn tiếp tục tái diễn.

Điều khiến dư luận căm phẫn là vết bầm trên má cô giáo, là hình ảnh một nhà giáo tận tụy, như lời cô chia sẻ, bị bạo lực giữa sân trường, trước mặt chính học sinh của mình. 

Đó là tổn thương danh dự, là sự đổ vỡ hình ảnh người thầy, là sự hoảng loạn trong tâm hồn trẻ nhỏ khi được răn dặn "phải biết kính sư, trọng đạo" từ những bài học đầu đời.

Các nhà giáo dục từ lâu đã khẳng định rằng, không có "giáo dục học đường" nào thành công nếu thiếu "giáo dục gia đình". Cách phụ huynh cư xử chính là tấm gương đầu tiên để con cái soi vào đó mà hình thành nhân cách.

Khi túm tóc, kéo lê cô giáo dưới mưa, quát nạt thô lỗ, văng tục chửi bới, ông Hà Văn Thúy đã truyền cho con mình bài học gì? Rằng người lớn có thể dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn?...

Thầy nghiêm khắc, trò nên người. Nhưng nếu cứ mỗi lần thầy nghiêm lại có nguy cơ bị phụ huynh "xử lý" không theo pháp luật, thì ai còn dám "dạy con" chúng ta thành người? Ai còn dám uốn nắn, dạy bảo học sinh đến nơi đến chốn? Trường học sẽ biến thành nơi chiều chuộng hơn là giáo dục? 

Thầy cô sẽ chỉ có thể "dạy cho qua", còn những đứa trẻ sẽ lớn lên với cảm giác rằng mình luôn đúng, luôn được bênh vực bất chấp và không cần tôn trọng ai?

"Con mình là trung tâm của vũ trụ" và vai trò giáo dục của cha mẹ

Đáng lo đây không phải là vụ việc cá biệt. 

Gần đây nhiều phụ huynh hành xử thiếu kiểm soát, đe dọa, thậm chí tấn công giáo viên tại trường học, đôi khi vì những lý do rất nhỏ như giáo viên nhắc nhở con mình không làm bài, hay không đồng ý cho con họ ra chơi vì chưa thuộc bài.

Tình trạng này phản ánh sự lệch chuẩn trong ý thức công dân và kỹ năng làm cha mẹ của không ít phụ huynh. 

Nhận thức theo kiểu "con mình là trung tâm của vũ trụ" như vậy không chỉ làm khổ thầy cô, mà còn phương hại đến chính con cái và ảnh hưởng tới xã hội. 

Trẻ em không thể lớn lên thành người tử tế nếu được nuôi dạy trong bầu không khí nơi bố mẹ là người dễ nổi nóng, không chịu lắng nghe, không  biết tôn trọng luật pháp và không thấu hiểu vai trò của giáo viên trong sự hình thành nhân cách trẻ.

Sau khi bị tạm giữ khẩn cấp, ông Hà Văn Thúy đã xin lỗi cô giáo và được cô cho biết sẽ xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình ông này đã đến bệnh viện chăm sóc cô giáo, viết đơn xin tại ngoại. 

Tuy nhiên việc tha thứ cá nhân không đồng nghĩa với việc xã hội có thể "nhắm mắt" cho qua. 

Vụ việc này cần được xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật để làm gương. Không chỉ để bảo vệ danh dự người thầy, mà còn để tái khẳng định trường học là nơi bất khả xâm phạm. 

Ở đó mọi hành vi bạo lực, bất kể xuất phát từ ai, đều là vi phạm pháp luật. Chỉ khi pháp luật  nghiêm khắc, xã hội mới có thể ngăn chặn hiệu quả những hành vi tương tự tái diễn trong tương lai.

Đây cũng là lúc để chúng ta nhìn lại vai trò làm cha mẹ. Mỗi bậc phụ huynh cần được nhắc nhở rằng, họ không chỉ đang nuôi một đứa trẻ, mà đang định hình một công dân. 

Cách cha mẹ sống, cách họ phản ứng trước mâu thuẫn, cách họ tôn trọng luật pháp đều sẽ in hằn lên nhân cách của chính con cái mình.

Vết thương trên mặt cô giáo rồi sẽ lành. Nhưng vết rạn trong niềm tin vào sự an toàn của trường học, vào đạo lý "tôn sư trọng đạo", nếu không được chữa trị kịp thời bằng pháp luật và nhận thức xã hội, chắc chắn sẽ để lại những hậu quả âm ỉ lâu dài.