Phép màu cho Gold - Truyện ngắn dự thi của Trần Thị Tú Ngọc

Bác sĩ Đan dừng xe trước cửa đại lý sữa lớn nhất thị trấn vào lúc 12 giờ trưa, mồ hôi chảy thành vệt trên gương mặt cháy nắng, bộ quần áo bảo hộ bê bết bùn đất. Anh hỏi mua loại sữa tốt nhất cho trẻ nhỏ.
Nhân viên chưa kịp trả lời thì người phụ trách từ phía sau bàn làm việc đã bước ra. Đan hơi sững người một chút, anh không ngờ lại gặp Thùy trong hoàn cảnh này. Họ chia tay nhau một năm về trước.
- Anh có thể cho biết rõ hơn về độ tuổi của cháu bé không?
- Chào em, lâu rồi mới gặp em - Đan vò chiếc mũ vải mềm trong tay - Anh nghĩ là ba tháng. Có thể ít hơn, chắc khoảng hai tháng. Làm ơn lấy hộ anh cả bình pha sữa nữa.
Thùy nhìn xoáy vào anh bằng một cái nhìn thật lạ lùng trong khi nhân viên của cô vào trong lấy mấy loại bình bằng các chất liệu khác nhau để anh chọn. Đan cố giữ cho mình vẻ bình thản, anh xem xét rất nhanh rồi đề nghị đổi sang cỡ bình lớn nhất. Thấy vậy Thùy liền nói với anh là loại này có kích thước quá lớn và núm vú quá to đối với trẻ hai đến ba tháng tuổi nên không phù hợp chút nào. Bác sĩ Đan giải thích với vẻ bối rối:
- Anh mua mấy thứ này cho… một chú voi con.
Thùy quay sang phía anh với vẻ ngạc nhiên rồi khẽ mỉm cười. Không khí giữa hai người dường như bớt căng thẳng hơn. Bác sĩ Đan vừa sắp xếp các thứ mới mua lên xe vừa kể vắn tắt về sự việc xảy ra sáng nay. Trạm cứu hộ của trung tâm bảo tồn voi nhận được tin báo từ người dân cho biết trong lúc đi rẫy, họ phát hiện một chú voi con bị rơi xuống giếng cạn. Xung quanh có rất nhiều cành cây gãy đổ và chi chít dấu chân voi.
Sau mấy tiếng đồng hồ vật lộn thì đội cứu hộ cũng đã đưa được chú voi lên. Thế nhưng voi con bị vùi trong bùn gần như đã lả đi vì kiệt sức. Không thể tiếp cận đàn voi rừng lúc này để trả lại voi con cho voi mẹ, vì thế các cán bộ của trung tâm đã hội ý nhanh và quyết định cử người đi mua sữa bột của trẻ em về cho voi uống tạm đỡ đói.
Bóng Đan đã khuất sau khúc quanh của con đường mịt mù bụi đỏ mà lòng Thùy vẫn đầy nỗi lo lắng băn khoăn. Cô là chuyên gia dinh dưỡng ứng dụng và từng hợp tác với trung tâm bảo tồn voi nằm sâu tít trong rừng. Mấy người làm ở đó đều là đàn ông chưa lập gia đình, liệu họ có thể xoay xở được với một chú voi còn quá non nớt hay không.
***
Trời đã xế chiều, ánh nắng chiếu xuyên qua tán rừng dần dịu bớt. Bác sĩ Đan ngồi bệt xuống gốc quao xù xì, ánh mắt chăm chú dõi theo chú voi con đang tha thẩn chơi cách đó mấy bụi cây.
- Trông cậu bé có vẻ ổn hơn rồi nhỉ - Sinh, chuyên gia bảo tồn của trạm ngắm chú voi với gương mặt vui vẻ.
- Không có vết thương nào đáng kể chứ? - Trạm trưởng Niên hỏi.
- Chỉ bị mấy vết xây xước nhỏ ngoài da thôi. Nhưng chắc là khi bị tuột xuống giếng rồi mắc kẹt cả đêm như thế, cu cậu cũng được một bữa hoảng hồn.
Bác sĩ Đan thoáng trầm ngâm. Suốt mấy năm lặn lội làm công tác cứu hộ voi hoang dã trên cao nguyên này, anh cũng từng gặp vài trường hợp tương tự. Khi sinh cảnh ngày càng bị thu hẹp lại, bầy voi rừng buộc phải tiến sát khu vực cư trú của con người để tìm kiếm nước uống và thức ăn. Đó là những chuyến đi đầy bất trắc đối với các chú voi con còn ngốc nghếch, chúng dễ dàng dính bẫy của bọn săn trộm thú, rơi xuống đầm lầy hay lạc đàn giữa đêm tối. Có những lúc các anh hối hả băng rừng đến nơi thì đã quá muộn, mọi người chỉ biết đứng lặng đi trước xác voi bé bỏng im lìm.
Mặt trời lặn xuống bên kia rìa cao nguyên. Một chiếc chuồng tạm làm bằng cành cây đã được dựng lên cách không xa chỗ giếng cạn để đảm bảo giữ voi con khỏi chạy lang thang rồi sơ sẩy thêm lần nữa. Theo các thông tin thu thập được thì bầy voi rừng vẫn còn quanh quẩn ở đây. Nếu đêm nay quay trở lại, chúng sẽ dễ dàng phá chuồng để mang theo voi con đi và nhiệm vụ cứu hộ hoàn thành.
Khoảng nửa đêm thì bầy voi xuất hiện. Sáu bóng đen lừng lững chậm rãi băng qua vệt cây đổ từ hôm qua. Chúng được trung tâm bảo tồn theo dõi sát mấy năm nay và việc con voi mẹ mang thai đã được ghi nhận rõ ràng.
Ngửi thấy mùi quen thuộc, chú voi con trong chuồng ré lên.
Cả đàn thận trọng tiến lại gần. Một con voi đi vòng quanh chuồng, chạm lên các thanh chắn rồi luồn vòi vào trong tiếp xúc với chú voi con. Mấy con voi khác cũng tiến lại dùng vòi thăm dò. Sau một hồi kiểm tra, bầy voi rống lên khe khẽ, huơ vòi chạm nhau, lúc lắc những cái đầu đồ sộ rồi lần lượt bỏ đi.
***
Gần sáng, trong cơn tuyệt vọng, chú voi con lao mình phá chuồng, cố gắng đuổi theo bầy voi đang xa dần. Trạm trưởng Niên cùng với Đan và Sinh lập tức chia nhau ra bám theo hai hướng, vừa giữ khoảng cách an toàn với đàn voi rừng, vừa tìm cách không để lạc mất dấu voi con.
Khi bình minh rọi những tia nắng đầu tiên xuống cánh rừng còn ngái ngủ, họ tiếp cận được trảng cỏ rộng nơi bầy voi đang dừng chân. Từ xa, họ chứng kiến cảnh tượng khiến tim thắt lại: chú voi con nhiều lần tiến đến gần, cố gắng rúc vào voi mẹ. Nhưng sau khi hít ngửi, voi mẹ cùng những con khác trong đàn tiếp tục xua đuổi và cự tuyệt voi con. Cuối cùng, bầy voi dứt khoát dời đi, để lại chú voi con đơn độc giữa đồng cỏ cất lên những tiếng kêu xé lòng.
Bác sĩ Đan không giấu được nỗi bàng hoàng:
- Liệu có điều gì nhầm lẫn ở đây không?
Trạm trưởng Niên lắc đầu:
- Tôi đã trao đổi rất cẩn thận với trung tâm để kiểm tra lại toàn bộ dữ liệu. Trong tất cả các đàn đang theo dõi, chỉ có duy nhất đàn sáu con này được ghi nhận có voi mẹ mang thai và đã sinh nở vài tháng trước. Dấu chân cũng cho thấy chính đàn này đã ở bên giếng cạn, nơi chú voi con bị rơi xuống tối qua...
Trong lúc ba người đang rì rầm nói chuyện, chú voi con bất ngờ phát hiện họ sau lùm cây. Như tìm được nơi nương tựa, chú líu ríu chạy tới. Đan nhẹ nhàng xoa đầu chú, lòng thấy xót xa cho một sinh linh lạc mẹ, lạc bầy, lạc cả vào vùng tối nghiệt ngã của số phận.
Các thành viên trong đội cứu hộ bám trụ thêm năm ngày liền trong rừng, thử mọi cách để giúp chú voi trở lại với đàn. Nhưng mọi nỗ lực đều thất bại. Lạ lùng và đau đớn, đàn voi vẫn kiên quyết từ chối nhận lại con. Cuối cùng, trạm trưởng Niên buộc phải xin ý kiến cấp trên để đưa voi con về khu bán hoang dã của trung tâm.
Trung tâm lập tức liên hệ với các chuyên gia quốc tế tìm hướng hỗ trợ. Họ kinh ngạc khi biết đây là trường hợp quá đặc biệt trên thế giới. Chưa từng có chú voi con nào ở độ tuổi non nớt như vậy có thể sống sót khi không còn mẹ, không còn đàn, mà chỉ dựa vào con người.
***
Chú voi được đặt tên là Gold.
Những ngày đầu ở trạm là chuỗi ngày vô cùng căng thẳng. Cả đội thay phiên nhau túc trực để cho voi bú ba giờ một lần và theo dõi các chỉ số sinh tồn. Có đêm Gold kêu khóc mãi không chịu ngủ vì nhớ mẹ, Đan và Sinh cùng nhau vỗ về an ủi chú đến sáng.
Gold còn quá nhỏ nên phải uống sữa hoàn toàn. Đại lý nơi Thùy phụ trách là đối tác cung cấp sữa và các sản phẩm chăm sóc đặc biệt cho chú voi con. Khi biết trung tâm muốn ghi lại tư liệu về quá trình nuôi dưỡng voi Gold như một trường hợp điển hình trong ngành bảo tồn, Thùy tình nguyện nhận giúp đỡ thêm phần việc ấy vì cô có kinh nghiệm truyền thông cho các chiến dịch giáo dục môi trường trước đó.
Mỗi lần gặp Đan, dù chỉ vì lý do công việc, không hiểu sao Thùy lại cảm thấy lòng mình xáo động.
Thùy và Đan yêu nhau từ những ngày anh còn làm bác sĩ thú y ở thị trấn. Họ đã tính đến chuyện lâu dài. Nhưng kể từ khi Đan chuyển vào trạm cứu hộ voi sâu trong rừng thì khoảng cách giữa hai người dần xuất hiện. Anh ngày càng bận rộn và xa vời như đã bước vào một thế giới khác, nơi tiếng rừng, những chuyến đi và các loài hoang thú trở thành ưu tiên duy nhất.
Thùy từng hỏi vì sao anh lại chọn cuộc sống giữa rừng sâu, gần như tách biệt với tất cả. Đan chỉ cười, nói khẽ: "Anh không nghĩ mình cứu được cả loài voi. Nhưng nếu ở đây có thêm một người thì hy vọng sẽ nhiều hơn một chút".
Thùy không trách anh, nhưng cô cũng không thể mãi chờ đợi. Họ chia tay nhau.
Vậy mà giờ đây, trong những chiều nhạt nắng, cô lại ngồi cạnh anh trong căn phòng nhỏ, xung quanh là thùng sữa, khăn giữ ấm, bình bú, tất cả như dành cho một đứa trẻ. Chỉ khác, đứa trẻ ấy là chú voi con đơn độc.
- Hôm qua nó sốt nhẹ, bỏ bú - Đan khẽ nói, giọng anh khản đi sau nhiều đêm thức trắng - Sáng nay tình hình khá hơn rồi. Anh tin rằng chú voi con sẽ sống sót, vì luôn có phép màu nếu chúng ta đủ nhẫn nại và yêu thương.
Lòng Thùy chùng xuống, như thể một làn gió vừa thổi qua miền ký ức tưởng đã ngủ yên.
***
Chú voi cứ thế cứng cáp dần lên.
Thùy ở lại trung tâm bảo tồn lâu hơn sau những chuyến giao hàng để hỗ trợ chuyên môn trong thời kỳ tập cho voi Gold ăn dặm xen với bú sữa. Vào những buổi chiều muộn, khi nắng rừng đã dịu, cô thường lặng lẽ ngồi nhìn Đan chăm sóc Gold thật nhẹ nhàng và ân cần. Chú voi đã nặng gần một tạ nhưng vẫn chỉ là một sinh linh bé bỏng.
- Có bao giờ anh thấy băn khoăn vì ngày đó voi mẹ lại từ chối nhận con không? - Thùy khẽ hỏi.
- Anh nghĩ rằng có thể trong quá trình cứu hộ, voi con tiếp xúc với người và uống sữa nên mang theo mùi lạ khiến cả đàn nghi ngờ. Chúng có những ký ức sâu sắc về nỗi mất mát nên không còn tin tưởng ở con người được nữa.
Thùy đắm chìm vào suy tư một lúc, rồi nói, gần như thì thầm:
- Nếu đúng như vậy thì thật đáng tiếc, cho bầy voi và cho cả chúng ta.
Đan quay sang nhìn cô trong một khoảng lặng im thật khẽ.
Cuối tuần, Thùy quay lại thì thấy trạm cứu hộ chỉ có Sinh và một nhân viên mới đang chăm sóc Gold. Sinh cho cô biết tất cả nhân sự của trung tâm đã được huy động vào rừng từ hai ngày nay cho một trường hợp rất phức tạp. Một chú voi đực chừng bốn tuổi được phát hiện đang lang thang với vết thương nặng ở vòi và chiếc bẫy tự chế kẹp vào chân, nếu không can thiệp kịp thời thì cái chết là không thể tránh khỏi.
Voi đau đớn nên vô cùng hung dữ, trung tâm đã huy động thêm hai nài voi giàu kinh nghiệm dẫn theo voi nhà đi cùng mà vẫn chưa thể tiếp cận.
Thùy đi về giữa trạm cứu hộ và thị trấn mỗi ngày, lòng cuộn lên nỗi lo lắng bất an. Bây giờ cô mới hiểu vì sao trước đây có những lần cả tuần liền điện thoại của Đan không liên lạc được.
Ngày thứ mười trở lại trạm, cô thở phào nhẹ nhõm khi thấy Đan đã trở về, gương mặt đen sạm hẳn đi, râu ria tua tủa chưa kịp cạo.
- Tình hình ổn không anh?
- Mọi người đã đưa được chú voi bị thương về đây rồi, đang tham vấn các chuyên gia từ nước ngoài để tiến hành mổ lấy mảnh thép ra khỏi chân voi - Đan quay sang cô với nụ cười thật hiền - Cảm ơn em thời gian qua đã giúp đỡ chăm sóc voi Gold, giờ có khi nó thân thiết với em còn hơn cả anh đấy.
- Những ngày anh đi vắng, Gold nhớ anh nhiều lắm - Thùy nói. Rồi ngập ngừng một lát, cô thêm - Cả em nữa, em cũng nhớ...
Đan khẽ khàng nắm lấy tay Thùy, cô để yên bàn tay mình trong tay anh ấm áp.