Ông Hoàng Nam Tiến cảnh báo sinh viên về 'ảo giác AI'

TPO - Ông Hoàng Nam Tiến - Phó chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhìn nhận, không ít bạn sinh viên, đặc biệt là thế hệ trẻ rất dễ bị "ảo giác AI", có thói quen chia sẻ, tìm kiếm thông tin trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Wikipedia hay các công cụ AI như ChatGPT mà không kiểm chứng độ chính xác của chúng.
Ngày 4/7, tại Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Hội SVVN lần thứ 4 (mở rộng), khóa XI, ông Hoàng Nam Tiến - Phó Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT đã có những chia sẻ hữu ích với những thủ lĩnh sinh viên Việt Nam hiện nay.
![]() ![]() |
Ông Hoàng Nam Tiến chia sẻ tại chương trình. |
Theo ông Tiến, nếu so sánh về nghiên cứu khoa học và công nghệ, hiện tại chúng ta vẫn còn cách các nước phát triển khoảng 10 năm.
Tuy nhiên, nếu các bạn sinh viên hôm nay thật sự tập trung vào việc học trong 4 đến 5 năm đại học, các bạn hoàn toàn có thể làm việc ở bất kỳ thành phố lớn nào trên thế giới, không phân biệt quốc gia.
"Tôi xin khẳng định một điều rằng, thành công chỉ đến khi các bạn thực sự học hỏi và lao động chăm chỉ", ông Tiến nói.
Theo ông Tiến, sinh viên hôm nay phải trở thành công dân toàn cầu, đặc biệt những thủ lĩnh sinh viên phải thực sự có khả năng trở thành công dân toàn cầu và chuẩn bị cho điều đó.
Không chỉ dừng lại ở việc học kiến thức chuyên môn, các bạn cần phải xây dựng tư duy độc lập và khả năng phản biện. Đây là kỹ năng quan trọng nhất trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ và trí tuệ nhân tạo đang bùng nổ.
Bởi ngày nay, không ít bạn sinh viên, đặc biệt là thế hệ trẻ rất dễ bị "ảo giác AI", có thói quen chia sẻ, tìm kiếm thông tin trên các nền tảng trực tuyến như Facebook, Wikipedia hay các công cụ AI như ChatGPT mà không kiểm chứng độ chính xác của chúng.
Thậm chí, nhiều người đã vô tình coi những thông tin này như những chân lý không thể tranh cãi, mà không dừng lại để đặt câu hỏi hay xem xét nguồn gốc của chúng.
![]() ![]() ![]() |
Các thủ lĩnh sinh viên lắng nghe chia sẻ tại chương trình. |
Thực tế, việc tin tưởng mù quáng vào các thông tin không có căn cứ đã trở thành một vấn đề phổ biến trong giới trẻ, bởi họ coi những ý kiến họ viết hoặc họ đọc được trên mạng xã hội là những triết lý đúng đắn, lấy các câu trả lời từ ChatGPT hay Wikipedia làm cơ sở cho quyết định của mình.
Theo ông Hoàng Nam Tiến, điều đáng lo ngại hơn, ngày càng có nhiều sinh viên làm bài tập, nghiên cứu, hay luận văn dựa vào những thông tin thiếu xác thực hoặc sai lệch. Điều đó càng khiến các bạn tin, ảo giác vào AI.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỉ lệ sai sót trong các câu trả lời của AI có thể dao động từ 3 đến 28%, tức là một phần không nhỏ trong những nội dung do AI cung cấp có thể hoàn toàn bịa đặt hoặc sai lệch sự thật. Những thông tin này có thể liên quan đến các sự kiện, số liệu hoặc thậm chí là khái niệm không hề tồn tại trong thực tế.
Ngoài ra, ông Tiến cũng dẫn số liệu nghiên cứu, các nền tảng trí tuệ nhân tạo có thể đạt chỉ số IQ lên đến 180 - 200, vượt xa khả năng của con người. Trong 5 năm tới, AI có thể tự học và tự sinh ra dữ liệu.
AI đang phát triển mạnh mẽ và có thể thay thế 20 - 60% công việc hiện nay. Ví dụ, một kế toán có thể làm việc 5 ngày, nhưng AI có thể hoàn thành công việc đó chỉ trong vòng 30 phút.
![]() |
Các thủ lĩnh sinh viên chụp ảnh lưu niệm cùng diễn giả tại chương trình. |
"Tư duy độc lập là chìa khóa để học cách phê phán và phân tích thông tin, chủ động trong việc xây dựng và chia sẻ những quan điểm khoa học, đúng đắn và có căn cứ. AI không thay thế con người, nhưng những người biết sử dụng AI sẽ thay thế những người không biết. Đây là cơ hội và thách thức cho các bạn sinh viên, thanh niên của thế hệ mới", ông Hoàng Nam Tiến nói.