Nổi tiếng nhờ đốt đèn, trông mộ ở nghĩa trang

Nhiều người vẫn nghĩ việc trông mộ tại các nghĩa trang vốn chỉ dành cho người lớn tuổi. Nhưng anh chàng gen Z Võ Văn Siêu ở Đà Nẵng lại biến công việc này trở nên gần gũi và đậm tình người.
Đều đặn mỗi ngày với bó nhang, ít hoa tươi, vài món lễ nhỏ, Siêu vào nghĩa trang TP Đà Nẵng ở phường Hòa Khánh. Qua mạng xã hội, anh trở thành "người giữ đèn" chăm sóc cả trăm ngôi mộ, thay mặt thực hiện tâm nguyện của mọi người từ khắp nơi gửi về.
Người thực hiện thay ước nguyện
Qua tài khoản TikTok "Siu - Người giữ đèn" có hàng trăm ngàn lượt xem, Siêu đã biến công việc ở nơi vốn được cho là lạnh lẽo ấy trở nên ấm áp, gần gũi, lại thực hiện ước nguyện của nhiều người từ khắp nơi gửi về.
"Người đi xuất khẩu lao động, người định cư nước ngoài, người sức yếu không thể thường xuyên đến nghĩa trang chăm sóc mộ phần cho người thân đã nhờ Siêu làm thay", anh chàng gen Z ấy khoe.
Có khi chỉ là tin nhắn nhờ Siêu đến thắp hương. Cũng có người nhờ anh đến bên mộ đọc một lời xin lỗi, lời cảm ơn, lời tâm sự gửi người đã mất. Mỗi ngày Siêu đều lắng nghe, đồng hành với nỗi lòng của nhiều người.
Anh nhớ cách đây không lâu có bạn trẻ nhắn nhờ Siêu ghé phần mộ của ông nội bạn thắp hương và báo với ông rằng bạn đã hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp.
Đó là người bạn từng sống với ông ở Đà Nẵng từ nhỏ. Chính ông nội đã dạy bạn những nét chữ đầu tiên, đưa đón đi học và chăm bạn từng bữa ăn giấc ngủ. Sau khi ông mất, bạn chuyển vào TP.HCM học tập và mấy năm nay chưa có dịp trở lại nghĩa trang để thăm mộ ông.
Có câu chuyện của một phụ nữ đang định cư ở nước ngoài nhờ Siêu mua bó hoa, ít bánh trái đến thắp nhang và đọc giúp chị lời nhắn trước phần mộ con gái.
"Tâm sự qua điện thoại, chị khóc rất nhiều. Khi đứng trước mộ và đọc những dòng tâm sự ấy, mình cũng rất xúc động. Cảm giác khi đó như mình không chỉ đọc thay mà mình vừa làm được một việc ý nghĩa khi góp phần xoa dịu nỗi lòng của người mẹ nơi xứ xa", Siêu kể.
Công việc không dành cho người "yếu tim"
Nghĩa trang chắc là nơi không dành cho những người yếu tim. Anh chàng chăm sóc mộ này tự nhận đã sống gần nghĩa trang từ nhỏ nhưng cũng không ít lần "rợn tóc gáy".
Siêu nhớ hồi tháng 10-2024 khi đang dọn cỏ cho một ngôi mộ chưa có tên vào lúc trời nhá nhem tối, bạn bỗng nghe tiếng phụ nữ khóc thút thít.
Siêu nhớ ngay lúc ấy cảm giác "nổi hết da gà", phải đứng lặng một lúc, tập trung lắng nghe xem tiếng khóc phát ra từ đâu. Tự trấn an bản thân, Siêu bước từ từ về phía có tiếng khóc. Bước ra đường chính, anh thấy lờ mờ bóng người trùm kín đầu ngồi bên chiếc xe. Anh phải đánh tiếng hỏi dò rồi mới dám tiến lại gần.
Hóa ra do trời tối, nghĩa trang lại quá rộng và dù đã chạy nhiều vòng nhưng chị ấy vẫn không tìm được đường ra trong khi điện thoại lại hết pin, sập nguồn. Quá sợ hãi và bất lực, chị ngồi bên đường bật khóc mong có ai đó đi qua.
Mùa hè, thường để tránh cái nắng cùng hơi nóng hầm hập phả ra từ những tấm đá hoa cương ốp lăng mộ, Siêu thường đến nghĩa trang làm việc từ sáng sớm hoặc chập tối. Đó cũng là thời khắc không phải ai cũng đủ can đảm để một mình đứng giữa khu nghĩa trang rộng gần 300ha.
Nhất là việc tìm đúng phần mộ giữa cả rừng bia mộ cũng không hề đơn giản. Vì nhiều người chỉ gửi ảnh ngôi mộ chứ không còn nhớ rõ vị trí, có lúc Siêu phải vòng tới vòng lui cả ngày mới tìm thấy.
"Mỗi ngày Siêu lại tìm đến để thắp lên một ngọn đèn, đốt một nén hương thơm và mong rằng việc mình làm thêm hơi ấm cho người đã khuất. Quan trọng hơn Siêu mong mỗi người, nhất là các bạn trẻ, hãy biết trân trọng từng khoảnh khắc còn được ở cạnh bên người thân yêu", anh bạn gen Z này bày tỏ.