Nhảy đến nội dung
 

Những yếu tố gây ra khủng hoảng gạo ở Nhật

Bộ trưởng Nông nghiệp Nhật Bản Taku Eto ngày 21/5 nộp đơn từ chức sau phát ngôn "không cần mua gạo và trong nhà có nhiều gạo đến mức có thể mang đi bán", trong bối cảnh giá gạo ở nước này tăng gấp đôi khiến người tiêu dùng bức xúc.

Giá gạo là một trong những mối quan tâm hàng đầu của cử tri Nhật Bản, nên phát biểu của ông Eto đã châm ngòi làn sóng phản ứng rất dữ dội. "Các chính trị gia không đến siêu thị để mua sắm, nên họ không hiểu", Memori Higuchi, 31 tuổi, dân Yokohama, vừa sinh con cách đây 7 tháng, nói.

Higuchi rất cần gạo, bởi chế độ ăn uống trong quá trình hồi phục sau sinh rất quan trọng và con gái cô sắp bắt đầu ăn dặm. "Tôi muốn con ăn uống đầy đủ. Nếu giá gạo tiếp tục tăng, vợ chồng tôi có thể sẽ phải bớt ăn cơm lại", Higuchi chia sẻ.

Chính phủ Nhật Bản cho biết giá gạo tăng vọt sau những tháng thiếu gạo vì mất mùa do biến đổi khí hậu, lượng du khách nước ngoài bùng nổ và tâm lý tích trữ của người dân sau cảnh báo siêu động đất Nankai năm 2024.

Nhưng theo giới chuyên gia, đây là vấn đề cung - cầu cơ bản, trong đó nguyên nhân cốt lõi gây khủng hoảng là do sai lầm trong cách quản lý nông nghiệp và dự báo của chính phủ.

Trước đây, chính phủ Nhật kiểm soát sản lượng gạo trong nước bằng cách hợp tác chặt chẽ với các hợp tác xã nông nghiệp. Luật này bị bãi bỏ vào năm 1995, nhưng Bộ Nông nghiệp vẫn tiếp tục công bố ước tính về nhu cầu để nông dân tránh sản xuất dư thừa gạo.

"Chính phủ vẫn kiểm soát gián tiếp sản lượng lúa gạo thông qua việc cung cấp thông tin và hướng dẫn cho giới chức và hợp tác xã địa phương. Khủng hoảng gạo hiện nay là hậu quả của việc kiểm soát quá mức", giáo sư kinh tế nông nghiệp Kunio Nishikawa ở Đại học Ibaraki giải thích.

Theo ông, chính phủ cũng đã tính toán sai về nhu cầu trong năm 2023 và 2024 là 6,8 triệu tấn gạo, trong khi nhu cầu thực tế là 7,05 triệu tấn. Nhưng sản lượng gạo mà Nhật sản xuất ra thậm chí còn thấp hơn, chỉ đạt 6,61 triệu tấn, trong khi nước này chứng kiến lượng du khách bùng nổ, người dân ra ngoài ăn uống nhiều hơn sau đại dịch Covid-19.

"Nhu cầu gạo tăng còn do thực tế đây là mặt hàng tương đối phải chăng so với các sản phẩm khác. Chất lượng gạo không tốt do mùa hè nóng bất thường cũng dẫn đến sản lượng gạo thấp", giáo sư Nishikawa chỉ ra.

Trong khi đó, nông dân gần như không thu được lợi nhuận từ trồng lúa. Kosuke Kasahara, 59 tuổi, có gia đình làm nông nhiều thế hệ ở tỉnh Niigata phía tây Nhật Bản, cho biết chi phí sản xuất 60 kg gạo thô là 18.500 yen (126 USD), nhưng hợp tác xã ở Niigata chỉ đề nghị mua với giá 19.000 yen vào năm 2024.

Giáo sư Nishikawa cho biết thêm chính phủ còn kiểm soát sản lượng và giá gạo gián tiếp nhờ các chính sách hỗ trợ. "3-4 năm trước, chính phủ thậm chí còn có các chính sách ưu đãi tài chính cho các thành phố đồng ý giảm sản lượng gạo", ông Kasahara kể.

Giới chức khi đó còn trợ cấp cho những người chọn trồng lúa mì hoặc đậu nành, giảm diện tích trồng lúa nước, trong khi nông dân trẻ chọn canh tác các giống gạo để làm rượu sake, bánh gạo, làm thức ăn cho gia súc vì nhu cầu gạo giảm.

Đến khi nhu cầu về gạo bắt đầu tăng mạnh từ năm ngoái, nguồn cung không đủ khiến giá cả tăng vọt. Đến nay, giá 60 kg gạo ngoài thị trường đã ở mức 40.000 - 50.000 yen. Giá gạo cao là tin xấu với người tiêu dùng, song là tin tốt với nhiều nông dân đang chật vật kiếm lãi.

Tuy nhiên, khi công chúng bất bình với đà tăng giá, chính phủ Nhật đã xuất 312.000 tấn gạo từ kho dự trữ chiến lược trong tháng 3 và tháng 4 để bán đấu giá, nhằm hạ giá gạo thu mua.

"Chính phủ luôn hứa hẹn với nông dân rằng sẽ không mở kho gạo để điều chỉnh giá, nên chúng tôi cảm thấy bị phản bội", Shinya Tabuchi, nông dân Nhật Bản, nói. "Tôi đã chán ngấy cảnh bị các nhà bán lẻ, nhà hàng ép bán gạo với giá rẻ suốt nhiều năm rồi".

"Dù nguồn cung được cải thiện, giá gạo giảm sẽ xóa sạch lợi ích, khiến nông dân không còn nhiều lãi", giáo sư Nishikawa chỉ ra.

"Giá gạo hợp tác xã mua từ nông dân không tăng nhiều. Chúng tôi không kiếm được lợi nhuận từ tình hình này", Mori Michihiro, nông dân ở tỉnh Miyazaki, nói.

Bất chấp quyết định mở kho gạo dự trữ chiến lược, Nhật Bản vẫn chưa thể bình ổn giá. Chính phủ có kế hoạch xuất thêm 300.000 tấn gạo từ kho dự trữ vào tháng 7.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng đến mức Nhật Bản lần đầu tiên sau 25 năm bắt đầu nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc, dù người tiêu dùng ưa thích các loại gạo quốc nội. Thủ tướng Shigeru Ishiba cũng cân nhắc nhập khẩu gạo Mỹ trong quá trình đàm phán thỏa thuận thương mại với Washington.

Nhưng dù hai vợ chồng có thể phải bớt ăn gạo, Higuchi ở Yokohama nói khả năng gia đình mua gạo nhập khẩu là không cao.

"Người Nhật chúng tôi từ lâu đề cao sản xuất tại chỗ để phục vụ tiêu dùng tại chỗ. Phải có cách nào giúp nông dân Nhật Bản có lãi và người tiêu dùng yên tâm mua gạo nội địa", cô bày tỏ.

Vấn đề gạo cũng khiến nông dân Nhật Bản chia rẽ về quan điểm.

Ông Tabuchi tin rằng chính phủ bảo vệ quá mức ngành trồng lúa. "Ngành này đang thu hẹp, nhiều nông dân lớn tuổi có thể bán gạo rẻ vì có lương hưu và tài sản, nhưng nông dân trẻ phải có khả năng kiếm tiền. Thay vì đảm bảo thu nhập cho mọi nông dân và làm méo mó thị trường, chính phủ nên để những người làm ăn không hiệu quả thất bại", ông Tabuchi nêu ý kiến.

Ông Kasahara ở Niigata không đồng tình. "Làm nông ở vùng quê như chúng tôi còn là vấn đề gắn bó cộng đồng. Nếu để những người đó thất bại, cả khu vực sẽ tiêu điều", ông cảnh báo, lập luận chính phủ nên ấn định mức giá thu mua đảm bảo từ 32.000 đến 36.000 yen cho 60 kg gạo, đủ để nông dân có lãi.

Nhật Bản sẽ tổ chức bầu cử vào mùa hè này. Việc dung hòa lợi ích giữa người tiêu dùng và nông dân, đặc biệt là những người lớn tuổi trong cả hai nhóm vốn có xu hướng đi bầu cử nhiều hơn, được xem là một trong những yếu tố quan trọng, theo giới quan sát.

Trong khi đó, các chuyên gia chỉ ra nhiệm vụ cấp bách hiện tại là tạo hệ thống nông nghiệp bền vững, trong đó có một biện pháp khả thi là mở rộng xuất khẩu gạo. Chính phủ Nhật đã đặt mục tiêu tăng xuất khẩu gạo ở mức 46.000 tấn lên 350.000 tấn mỗi năm vào năm 2030.

"Đây có thể là động thái có ý nghĩa, nhằm duy trì diện tích trồng lúa, ngăn tình trạng suy giảm năng lực sản xuất", Satoshi Fukutomi, bình luận viên kinh tế của tờ Mainichi, nhận định. "Khi giá gạo tăng, chúng ta có xu hướng tập trung xem liệu khi nào giá giảm. Nhưng vấn đề cốt lõi là làm sao để duy trì điều kiện cho phép tiếp tục nông dân trồng lúa ở Nhật Bản".

Đức Trung (Theo Mainichi, Asahi, Yomiuri, NHK)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn