Lý do thúc đẩy ông Trump giáng đòn thuế 50% với Brazil

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 9/7 gửi đi một thông điệp được ví như đòn giáng vào quan hệ với Brazil. Ông công bố mức thuế đối ứng mới Brazil phải chịu là 50%, có hiệu lực từ ngày 1/8, cao hơn nhiều mức 10% được đưa ra hồi đầu tháng 4.
Động thái gây bất ngờ, khi Brazil nằm trong số ít quốc gia mà Mỹ không bị thâm hụt thương mại, yếu tố ông Trump vốn dựa vào để xem xét mức thuế quan. Giới quan sát cho rằng bằng hành động bất ngờ này, ông dường như muốn gây sức ép kinh tế, chính trị lên giới chức Brazil để bảo vệ đồng minh là cựu tổng thống Jair Bolsonaro.
"50% vẫn thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để tạo ra sân chơi bình đẳng mà chúng tôi phải có với đất nước các bạn", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. "Điều này nhằm sửa chữa những bất công nghiêm trọng của chính quyền hiện tại. Cách Brazil đối xử với ông Bolsonaro là điều đáng xấu hổ trên trường quốc tế".
Bolsonaro, 70 tuổi, chính trị gia theo đường lối cánh hữu, là tổng thống Brazil giai đoạn 2019-2022. Ông được coi là đồng minh của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu và có nhiều điểm tương đồng với lãnh đạo Mỹ. Ông thất bại trước đối thủ cánh tả Luiz Inacio Lula da Silva trong cuộc bầu cử năm 2022 nhưng không chấp nhận kết quả, cho rằng một số máy bỏ phiếu đã bị lỗi.
Sau khi ông Lula nhậm chức tháng 1/2023, hàng nghìn người ủng hộ ông Bolsonaro đã xông vào phủ tổng thống, quốc hội và tòa án tối cao ở thủ đô Brasilia để phản đối.
Các công tố viên Brazil cáo buộc ông Bolsonaro âm mưu đảo chính để tiếp tục duy trì quyền lực sau thất bại bầu cử. Họ còn cho rằng cựu tổng thống liên quan một kế hoạch ám sát ông Lula và thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil Alexandre de Moraes. Tòa án Tối cao đã thẩm vấn ông Bolsonaro tháng trước. Cựu tổng thống bác bỏ những cáo buộc này. Quá trình xét xử dự kiến bắt đầu cuối năm nay.
Nghị sĩ Brazil Eduardo Bolsonaro, 41 tuổi, con trai ông Bolsonaro, đã tiếp cận Nhà Trắng từ tháng 3 để tìm kiếm hỗ trợ. Ông thường xuyên nghỉ phép và đến Mar-a-Lago, dinh thự của Tổng thống Mỹ ở bang Florida, gặp những người thân tín của ông Trump.
Eduardo gửi đi thông điệp rằng một thẩm phán Tòa án Tối cao Brazil muốn bỏ tù hai bố con ông, chỉ vì họ đấu tranh chống lại "một cuộc bầu cử bị đánh cắp". Sau nhiều tháng nỗ lực, Eduardo dường như đã tìm được sự đồng cảm từ Tổng thống Mỹ.
"Chuyện này không khác gì tấn công đối thủ chính trị, điều mà tôi biết rất rõ!", Tổng thống Trump cho biết ngày 7/7. "Nó đã xảy ra với tôi, gấp 10 lần".
Eduardo nói ông đã thúc đẩy các quan chức cấp cao Nhà Trắng áp trừng phạt ông de Moraes, thẩm phán phụ trách xét xử ông Bolsonaro. Tổng thống Trump chọn đòn giáng mạnh hơn, áp thuế 50% lên toàn bộ hàng hóa Brazil vào Mỹ để đáp trả cái gọi là "cuộc săn phù thủy" nhằm vào ông Bolsonaro.
"Chuyển từ áp trừng phạt một thẩm phán sang nhắm đến toàn bộ hàng hóa Brazil là quyết định của riêng ông Trump", theo hai nguồn thạo tin. Động thái cho thấy ông Trump sẵn sàng dùng thuế quan để "ghi điểm chính trị".
Elizabeth Johnson, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu chiến lược và chính trị TS Lombard, có chung quan điểm. Bà lưu ý ông Trump vốn muốn dùng thuế quan để xóa bỏ thâm hụt thương mại, trong khi Brazil thuộc số ít quốc gia Mỹ có thặng dư, năm 2024 là khoảng 7 tỷ USD.
"Quyết định mang đậm tính chính trị. Nó nằm trong nỗ lực của gia đình Bolsonaro nhằm thuyết phục ông Trump can thiệp quá trình xét xử cựu tổng thống Brazil", bà Johnson trả lời Al Jazeera.
Đây cũng không phải lần đầu tiên ông Trump dùng thuế quan để gây sức ép chính trị với nước khác. Tổng thống Mỹ từng dọa áp thuế 25% lên hàng hóa Colombia và tăng lên gấp đôi nếu nước này không tiếp nhận người nhập cư trái phép bị trục xuất. Bogota sau đó đã chấp thuận đề nghị từ Washington.
"Tôi thích điều đó", Steve Bannon, cựu cố vấn của Tổng thống Trump, trả lời phỏng vấn ngày 10/7. Ông Bannon từ lâu đã kêu gọi ông Trump nhắm đến thẩm phán de Moraes, nhưng cựu cố vấn này cũng không nghĩ đến phương án thuế quan. "Con đường để Brazil thoát khỏi cuộc khủng hoảng rất đơn giản. Dừng xét xử và xóa bỏ các cáo buộc với Bolsonaro, thuế quan sẽ biến mất".
Tổng thống Trump còn cáo buộc chính phủ Brazil "tấn công vào các cuộc bầu cử tự do và quyền tự do ngôn luận cơ bản của người Mỹ", bao gồm kiểm duyệt "các nền tảng mạng xã hội của Mỹ". Ông Trump chỉ trích việc Tòa án Tối cao Brazil tháng trước phán quyết rằng các công ty truyền thông mạng xã hội có thể bị quy trách nhiệm với những nội dung đăng trên nền tảng của họ.
Mạng xã hội X của Elon Musk từng bị cấm tại Brazil năm 2024, vì từ chối xóa một số tài khoản, chủ yếu là của người ủng hộ ông Bolsonaro. Tập đoàn Truyền thông và Công nghệ Trump, công ty vận hành mạng xã hội Truth Social, hồi tháng 2 đệ đơn kiện de Moraes vì "hành động vượt quá quyền hạn và vi phạm quyền tự do ngôn luận quy định trong Hiến pháp Mỹ".
Loạt diễn biến khiến quan hệ Mỹ - Brazil thêm căng thẳng. Tổng thống Lula tuyên bố sẽ đáp trả tương xứng nếu người đồng cấp Trump quyết giữ mức thuế 50%.
"Brazil là quốc gia có chủ quyền với các thể chế độc lập và sẽ không chấp nhận bất kỳ hình thức bảo trợ nào", Tổng thống Lula viết trên X. "Bất kỳ động thái tăng thuế đơn phương nào sẽ bị đáp trả bằng Luật Kinh tế Đối ứng của Brazil".
Đòn thuế quan gây áp lực lên Tổng thống Lula, nhưng cũng mang đến cơ hội để ông củng cố vị thế trước cuộc bầu cử tháng 10/2026, trong khi ông Bolsonaro bị cấm tranh cử cho đến năm 2030. Một cuộc thăm dò hồi tháng 5 cho thấy 55% người dân Brazil không thích ông Trump, đồng nghĩa bất kỳ ứng viên cánh hữu nào mà ông Bolsonaro hậu thuẫn cũng có nguy cơ mất đi sự ủng hộ trong bầu cử năm sau.
"Về mặt chính trị, đây là 'món quà' cho chính phủ Brazil, giữa lúc ông Lula đối mặt kết quả thăm dò không mấy tích cực", một quan chức Bộ Ngoại giao Brazil nói với Washington Post. "Đây có thể là bước ngoặt cho cuộc bầu cử năm sau".
Như Tâm (Theo BBC, Washington Post, Al Jazeera)