Nhảy đến nội dung

Những tuyệt tác thiên nhiên: Hùng vĩ Đá Bia

Nằm uy nghi giữa cung đường ven biển nối Phú Yên và Khánh Hòa, núi Đá Bia như một trụ chống trời hùng vĩ của tạo hóa, vừa như ngón tay trời chỉ thẳng lên xanh thẳm, vừa là chứng nhân khắc ghi bao huyền tích của vùng đất Phú Yên.

CỘT ĐÁ GIỮA TRỜI

Núi Đá Bia, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả (xã Hòa Xuân Nam, TX.Đông Hòa, Phú Yên), đánh dấu điểm cuối hùng vĩ của dãy Trường Sơn khi vươn mình ra Biển Đông. Điểm độc đáo nhất của ngọn núi chính là khối đá khổng lồ cao đến 76 m trên đỉnh.

Từ QL1 đoạn qua địa bàn xã Hòa Xuân Đông (TX.Đông Hòa), núi Đá Bia hiện ra với dáng vẻ tựa như một ngọn tháp Chăm cổ kính. Đến gần chân núi, thuộc thôn Hảo Sơn (xã Hòa Xuân Nam), hình dáng ngọn núi lại trở về đúng với tên gọi: một tấm bia khổng lồ uy nghiêm giữa trời.

Nhìn từ hướng Bãi Xép, Bãi Bàng (xã Hòa Tâm, TX.Đông Hòa), Đá Bia như hóa thành một pho tượng Phật. Nhiều người thường gọi đó là hình ảnh một nhà sư đang xuống núi, cũng có người cho rằng đó là dáng dấp một vị tiên ông đang canh giữ núi rừng.

Nếu quan sát Đá Bia từ khoảng cách hàng chục km, những chi tiết đặc trưng sẽ mờ nhạt, mà chỉ còn lại hình dáng một vật thể thẳng đứng nhô cao trên đỉnh núi, tựa như ngòi bút. Có lẽ chính vì vậy mà người xưa đã có câu "Bi sơn bút thế" (núi Bia thế tựa cây bút).

Vào những thời điểm sáng sớm hoặc về chiều trong ngày, đỉnh núi Đá Bia thường có mây trắng bao phủ chung quanh, khi ẩn khi hiện. Còn vào mùa mưa hoặc những ngày trời âm u, chung quanh núi Đá Bia luôn có lớp lớp mây mù che phủ.

Đứng trên đỉnh núi Đá Bia, tầm mắt mở ra khung cảnh tuyệt đẹp của vịnh Vũng Rô ở phía đông, nơi những con tàu đánh cá trở về sau chuyến khơi xa. Chếch về phía tây là ngọn hải đăng Mũi Điện, điểm cực đông trên đất liền của Tổ quốc, phía xa hơn là Biển Đông bao la.

NHỮNG TÊN GỌI HUYỀN BÍ

Núi Đá Bia hiện diện trong vô vàn truyền thuyết của các tộc người bản địa, trở thành một biểu tượng vừa linh thiêng, vừa gắn bó sâu sắc với đời sống tâm linh và lịch sử lâu đời của vùng đất.

Tương truyền, vào năm 1471, trong cuộc nam chinh mở rộng bờ cõi, vua Lê Thánh Tông đã cho khắc chữ lên tảng đá lớn trên đỉnh núi Đá Bia để khẳng định chủ quyền và phân định ranh giới Đại Việt. Tên gọi núi Đá Bia, hay Thạch Bi Sơn, bắt nguồn từ truyền thuyết này. Đối với người Chăm xưa, núi Đá Bia được xem là một ngọn núi thiêng, mang tên Lingaparvata, có nghĩa là Linga, vị thần núi vĩ đại, hiện thân của thần Siva trong tín ngưỡng của họ.

Trong cộng đồng người Chăm ở Phú Yên ngày nay, Đá Bia còn được gọi là Hơ Đoang Ktor (núi Cùi Bắp), gắn liền với truyền thuyết về người anh hùng Chi Rất, vị thủ lĩnh mạnh mẽ nhất của xứ Chăm.

Người Ê Đê lại lưu giữ một truyền thuyết khác. Họ gọi Đá Bia là Kut Bhih, có nghĩa là mộ của bà Bhih, người vợ Ê Đê của vua Pô Rô Mê, một vị vua huyền thoại có ba người vợ: một người Ê Đê, một người Chăm và một công chúa người Kinh được chúa Nguyễn gả. Tương truyền, sau khi bà Bhih qua đời, nhà vua đã cho xây dựng một ngôi mộ lớn để tưởng nhớ bà, và đó chính là khối đá sừng sững trên đỉnh núi ngày nay.

DẤU ẤN ĐÁ BIA TRONG SỬ SÁCH

Theo ông Nguyễn Lê Vũ, Phó giám đốc Sở VH-TT-DL tỉnh Phú Yên, núi Đá Bia gắn liền với huyền tích về chuyến nam chinh của vua Lê Thánh Tông vào năm 1471. Trong Đại Nam nhất thống chí, Quốc sử quán triều Nguyễn đã ghi lại lời của nhà vua khi đi ngang qua Đá Bia: "Từ lúc trời đất mới mở ra, đã phân chia ranh giới. Nó phản lại trời nên phải chịu họa trời", và sau đó sai khắc chữ lên tảng đá lớn trên đỉnh núi để phân định cương vực Đại Việt.

Sự kiện này cũng được ghi chép trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn và Hải trình chí lược của Phan Huy Chú. Có giả thuyết cho rằng vua chỉ cho khắc hai chữ "Hồng Đức", niên hiệu của triều vua Lê Thánh Tông, trong khi một số ý kiến khác lại cho rằng đó là văn bia phân định ranh giới.

Đến cuối thế kỷ 19, các nhà hàng hải người Pháp đã gọi tảng đá lớn trên đỉnh núi là "Ngón tay Chúa" (Le Doigt de Dieu) bởi khi nhìn từ biển, nó vươn cao như một ngón tay khổng lồ chỉ lên bầu trời, trở thành một điểm mốc quan trọng giúp tàu thuyền định hướng trong vùng biển này.

Theo Đại Nam thực lục (do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn), khi phủ Phú Yên được thành lập năm 1611, dãy Đại Lãnh - Đá Bia chính thức trở thành ranh giới phía nam Đại Việt, dưới quyền cai quản của chúa Nguyễn. Đến năm 1653, khi thành lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh (nay là tỉnh Khánh Hòa), dãy núi Đá Bia trở thành mốc địa giới giữa Phú Yên và Khánh Hòa.

Năm 2008, núi Đá Bia được Bộ VH-TT-DL xếp hạng danh thắng quốc gia. Dù vẫn còn nhiều tranh luận về nội dung khắc trên đá, nhưng trong tâm thức người Phú Yên, Đá Bia không đơn thuần là một khối đá mà là "thiên trụ" trấn giữ đất trời, nơi quy tụ linh khí non sông. (còn tiếp)

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn