NHỨC NHỐI CHẢY MÁU CỔ VẬT: Thế giới 'chợ đen'

TP - Những vụ đào trộm mộ cổ không phải là hành vi manh động nhất thời. Những cuộc đào đêm, những chuyến hàng bí mật, những thương lượng trong im lặng, “chợ đen” cổ vật vận hành như một thế giới ngầm dai dẳng.
![]() |
Chợ đồ cổ, giả cổ tấp nập trong đêm |
“Hàng về từ mọi miền”
Trong bữa cơm tân gia của một tay chơi đồ cổ ở Hà Nội, tôi gặp anh T., tự giới thiệu là môi giới cổ vật. Anh T. cho biết: “Hàng của tôi có đủ, từ đồ gốm sứ thời Lý, Trần đến các món đồ đồng, đá quý. Nguồn hàng chủ yếu từ các vùng quê, do người dân đào được hoặc từ những người chuyên săn lùng cổ vật”.
Khi tôi hỏi về nguồn gốc cụ thể, anh T. chia sẻ, có những món hàng được tìm thấy khi người ta đào móng nhà, có cái thì từ những người chuyên đi “săn” ở các di tích. “Tôi không hỏi nhiều, miễn là hàng đẹp và khách ưng”, anh nói. Anh còn dặn, nếu có nhu cầu tìm đồ cổ thì cứ “order” (đặt trước), trường hợp anh không có hàng, bạn bè và “người cùng giới” có thể giúp đỡ tìm kiếm.
Trước đó, qua họa sĩ Đức “nhà sàn” (một người mê cổ vật và rất có uy tín trong việc làm đồ sơn thếp giả cổ), tôi quen anh Minh (Nam Định). Anh Minh kể, khoảng 20 năm trước, anh bắt đầu sưu tập tượng Phật, chủ yếu từ các chợ đồ xưa, những người buôn lén và cả vài “tay chơi” truyền miệng trong giới.
“Ban đầu, tôi chỉ đơn giản thấy tượng Phật đẹp, thiêng và trấn trạch tốt. Có lần, tôi mua một tượng Quan Âm đứng cao gần một mét, chạm khắc tỉ mỉ, gỗ mít thơm nức. Người bán nói lấy từ một ngôi chùa bỏ hoang ở miền Bắc. Tôi nghe vậy cũng không nghĩ ngợi gì”, anh kể.
Thế nhưng, sau một lần đọc báo, anh giật mình khi nhìn thấy tấm ảnh pho tượng từng được thờ ở chùa Đọi Sơn, nay đã bị mất cắp. “Nó giống hệt tượng tôi đang đặt giữa phòng khách”, anh kể. Từ đó, anh bắt đầu nghi ngờ về nguồn gốc những món mình sở hữu.
Cùng thời điểm, các vụ trộm tượng Phật liên tiếp bị báo chí đưa tin. Có chùa mất cả tủ sách Hán Nôm, có nơi bị bọn trộm lẻn vào ban đêm, gỡ từng pho tượng mang đi.
Sau nhiều đêm trăn trở, anh Minh quyết định mang trả lại hàng loạt tượng từng mua. Một số được trao lại cho các chùa vùng quê, nơi anh tìm đến tận nơi xác minh gốc gác. Số còn lại, anh liên hệ với bảo tàng để gửi tặng. Sau đó nữa, anh Minh chuyển sang chơi đồ giả cổ.
![]() |
Kiếm thần đình làng Thổ Hà (Bắc Giang) dùng để rước trong dịp lễ hội nay đã bị mất cắp |
Trường hợp “rửa tay gác kiếm” như anh Minh không nhiều. Họa sĩ Đức “nhà sàn” cho biết: “Ban đầu, ai chơi đồ cổ cũng vì đam mê. Nhưng rồi, càng sưu tầm nhiều, càng hiểu giá trị từng món, càng thấy... khó bỏ qua lợi nhuận. Có món tượng chỉ mua vài triệu đồng, vài năm sau người nước ngoài hỏi mua lại vài trăm triệu đồng, ai mà không dao động”.
Ông cho biết, thị trường cổ vật không giống các ngành kinh doanh khác, vì đây là lĩnh vực ít minh bạch, khan hiếm, càng bí ẩn càng có giá. “Chơi đồ cổ lâu rồi, thế nào cũng bị người khác nhờ kiếm giúp một món, lâu dần, thành trung gian. Rồi có người nhờ bán hộ, có người rủ góp vốn mua cả lô. Tự lúc nào, từ người chơi thành người buôn, mà không nhận ra,” họa sĩ Đức nói.
Giao dịch kín
Một người chơi cổ vật lâu năm, anh H, chia sẻ: “Thị trường chợ đen cổ vật hoạt động khá kín đáo. Giao dịch thường diễn ra qua trung gian, không ai biết ai. Khi mua, người ta chỉ quan tâm đến giá trị và độ hiếm của món đồ, ít ai hỏi về nguồn gốc”.
Anh H, cho biết, có những món đồ rất quý, nhưng vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp nên không thể trưng bày công khai. Tuy nhiên, trong giới sưu tầm, giá trị của chúng vẫn rất cao.
Nhiều chuyên gia khẳng định, tội phạm cổ vật ở Việt Nam hiện nay không còn là những tay trộm đơn lẻ. Chúng là những mạng lưới, có người “đặt hàng”, kẻ dò la, người tiêu thụ và cả những đối tượng trong bóng tối chờ cơ hội mang hàng ra nước ngoài.
Phần lớn các vụ mất trộm vẫn chưa tìm lại được cổ vật. Luật pháp dù quy định rõ việc cấm mua bán cổ vật có xuất xứ từ đình, chùa, đền nhưng việc xử lý vẫn rất nhẹ tay.
Theo TS. Hà Văn Cẩn, nhiều món đồ được buôn bán trên thị trường cổ vật thực chất là đồ tùy táng, từ trống đồng, rìu đá, đến trang sức, kiếm cổ. Với giá trị kinh tế quá lớn, không khó hiểu khi trộm mộ ngày càng chuyên nghiệp, có tổ chức, có đường dây tiêu thụ. Trong khi đó, các chuyên gia khảo cổ nhiều lần phải đi “nhặt nhạnh” di vật còn sót lại sau những vụ phá mộ.
Nhiều cổ vật, sau khi bị đánh cắp từ các đình chùa, lăng mộ hay di tích khảo cổ, đã âm thầm vượt biên qua những kênh buôn lậu tinh vi. Quá trình tuồn cổ vật ra nước ngoài thường bắt đầu bằng việc trộm lẻ tại các địa phương.
Sau khi lấy được cổ vật, kẻ trộm thường bán cho các đầu nậu chuyên gom hàng. Những người này đóng vai trò trung gian, tìm đường đưa cổ vật sang biên giới qua ngả đường bộ, thậm chí đường thủy, ngụy trang trong container hàng dân dụng hoặc đồ gỗ thủ công.
Một số món đồ cổ quý còn được rao bán công khai trên các sàn đấu giá quốc tế. Năm 2021, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ từng phát hiện một sắc phong cổ có dấu hiệu bị đánh cắp xuất hiện trên trang đấu giá của một công ty ở Thượng Hải. Vấn đề ở đây là, hầu hết cổ vật bị tuồn ra nước ngoài rất khó truy xuất nguồn gốc, do không có hồ sơ kiểm kê di tích, hoặc không được đăng ký là bảo vật quốc gia.
Chưa có án điểm nghiêm khắc
GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa bày tỏ lo ngại: “Chúng ta quá nương nhẹ với các vụ án trong lĩnh vực di sản. Luật có, nhưng chưa đi vào đời sống”. Luật sư Ngô Văn Thanh (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc xử phạt hành vi trộm mộ, trộm đồ cổ của ta còn quá nhẹ.
Ở Trung Quốc, những kẻ trộm mộ cổ ở Hàng Châu, dù đã giao nộp cổ vật, vẫn bị tuyên án chung thân. Có vụ đào trộm thi thể cổ 2.400 năm tuổi ở Kỷ Sơn (Hồ Bắc), thủ phạm bị tử hình.
Ở Iraq, năm 2022, một nhà địa chất người Anh, Jim Fitton, bị kết án 15 năm tù vì cố gắng mang các mảnh cổ vật ra khỏi Iraq. Nếu không có án điểm để xử nghiêm, để làm gương, những vụ đào mộ, đánh cắp ký ức vẫn sẽ lặp lại, và ngày càng tinh vi hơn.
HẠ ĐAN