Nhập học 10 năm sau mới được công nhận sinh viên

Nhiều sinh viên chương trình liên kết đào tạo Trường đại học Mở TP.HCM học 8 năm, thậm chí có trường hợp nhập học 10 năm sau mới có quyết định công nhận sinh viên.
Sinh viên phản ánh chương trình liên kết đào tạo Trường đại học Mở TP.HCM tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) có nhiều khuất tất, sai phạm quy chế đào tạo, trong đó có việc sinh viên nhập học 10 năm mới được công nhận đầu vào.
Sinh viên học 7-8 năm mới có quyết định công nhận đầu vào
Theo phản ánh của sinh viên: "Đến nay có hơn 5.000 sinh viên theo học chương trình liên kết đào tạo trên tại Biên Hòa. Trong đó rất nhiều sinh viên học từ 7-8 năm và thậm chí có trường hợp học tới 10 năm mới có quyết định công nhận đầu vào như P.H.L. nhập học khóa 2010, nhưng đến năm 2020 mới có quyết định công nhận sinh viên đầu vào".
Cũng theo sinh viên, thực tế không ít sinh viên đang học nhưng vẫn chưa có quyết định công nhận sinh viên đầu vào.
"Theo quy chế đào tạo, sinh viên đi học phải có thời hạn đào tạo chứ không phải muốn học tới khi nào ra cũng được. Nhưng có rất nhiều trường hợp sinh viên được Trường đại học Mở TP.HCM "hợp thức hóa" quyết định công nhận đầu vào sau khi học từ 5 - 10 năm.
Việc làm này của trường có đúng quy chế và những môn học trước đó có được công nhận hay không", nhiều sinh viên thắc mắc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, nhiều tháng qua sinh viên chương trình liên kết đào tạo Trường đại học Mở TP.HCM tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2 nhiều lần gửi đơn đề nghị hai trường làm rõ việc miễn giảm môn học.
Các sinh viên cho rằng trường miễn giảm môn học rất tùy tiện, vô tội vạ.
Nhiều sinh viên được miễn hơn 10 môn, trong khi trường hợp tương tự nhưng kết quả miễn giảm lại khác nhau mà nhà trường không trả lời.
Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2 nhiều lần gửi văn bản yêu cầu ban giám hiệu Trường đại học Mở TP.HCM, trung tâm đào tạo từ xa, trả lời bằng văn bản cho đơn vị liên kết và sinh viên các vấn đề về miễn giảm môn học.
Trong văn bản gửi Trường đại học Mở TP.HCM, ThS Nguyễn Thanh Phong - Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2, cho rằng: "Đơn vị liên kết thiết nghĩ đã là cùng lớp thì các bạn phải được hưởng quyền lợi miễn môn học như nhau, chứ không có chuyện người được người không… Do đặc thù tuyển sinh nên có bạn vào học trước bạn vào học sau… Việc miễn môn học phải công bằng, nếu làm như thế là đang ép người học".
"Sinh viên nộp hồ sơ đầu vào không đầy đủ nên trường chậm ra quyết định"
Theo ThS Hứa Văn Đức - phó giám đốc trung tâm đào tạo từ xa Trường đại học Mở TP.HCM - nhà trường liên kết đào tạo từ xa cùng Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2 từ năm 2003. Hai bên đã phối hợp tuyển sinh được 27 khóa các ngành kế toán, quản trị kinh doanh, luật kinh tế, luật (tùy giai đoạn).
Tính đến học kỳ II năm học 2024-2025 có 3.098 sinh viên đăng ký theo học, trong đó 1.030 sinh viên đã tốt nghiệp, 212 sinh viên chưa hoàn thành chương trình đào tạo, và 1.856 sinh viên đã bỏ học.
Trả lời Tuổi Trẻ Online về trường hợp sinh viên P.H.L. nhập học 10 năm sau mới có quyết định công nhận đầu vào, ông Đức cho hay sinh viên này nhập học tại trường từ năm 2010, chương trình đào tạo ngành luật kinh tế tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên Nhơn Trạch (Đồng Nai). Sau đó sinh viên xin chuyển về học tại Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2.
"Theo quy chế đào tạo từ xa của trường, sinh viên học tập theo hình thức tín chỉ có thể chủ động đăng ký môn học theo khả năng của mình và phù hợp quy chế. Do đó sinh viên có thể đăng ký các môn học và thi tại những cơ sở đào tạo trường có liên kết tổ chức đào tạo.
Năm 2010, sinh viên P.H.L. nộp hồ sơ đầu vào không đầy đủ, thông tin bị thiếu, sai sót, nên khi sinh viên bổ sung hồ sơ đầy đủ trường ra quyết định công nhận sinh viên (số quyết định 297/QĐ-ĐHM ngày 26-2-2020).
Do vậy các môn học trước đó sinh viên đã tích lũy được nhà trường công nhận kết quả học tập. Căn cứ vào chương trình đào tạo, sinh viên P.H.L. cần học bổ sung 6 môn học để hoàn thành chương trình và xét cấp bằng trên cơ sở công nhận tất cả các học phần mà sinh viên đã học", ông Đức cho biết.
Vì sao sinh viên cùng một lớp nhưng miễn giảm môn học khác nhau?
Về vấn đề giải quyết miễn giảm môn học khác nhau giữa các sinh viên trong cùng một lớp, đại diện trung tâm đào tạo từ xa khẳng định: chương trình phối hợp đào tạo với Trường trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật số 2 và nhiều đơn vị liên kết đào tạo khác đều tuân thủ quy định tuyển sinh, đào tạo hình thức đào tạo từ xa theo quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo từng giai đoạn cụ thể.
Nhà trường ban hành quy chế đào tạo, danh mục công nhận kết quả học tập, miễn giảm môn học phù hợp cho từng đối tượng tuyển sinh (tốt nghiệp THPT, TCCN, cao đẳng, đại học).
Sinh viên trúng tuyển thuộc đối tượng nào sẽ áp dụng danh mục công nhận xét miễn giảm tương ứng, do vậy sẽ có trường hợp sinh viên cùng một lớp nhưng số tín chỉ miễn giảm khác nhau.
Số lượng môn miễn giảm phụ thuộc vào bảng điểm và đầu vào xét tuyển của sinh viên. Tuy nhiên tất cả sinh viên phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp của khóa học theo đúng chương trình đào tạo đã ban hành, sẽ được xét tốt nghiệp và cấp bằng theo đúng quy định.
"Theo quy chế tuyển sinh đào tạo từ xa của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép Trường đại học Mở TP.HCM tuyển sinh đào tạo từ xa theo hình thức xét tuyển hồ sơ, không tổ chức thi tuyển sinh.
Đồng thời tuyển sinh từ xa có nhiều đợt trong năm, đảm bảo các lớp học tổ chức liên tục, thường xuyên, thuận tiện cho người học nên các đợt trúng tuyển khác nhau, sinh viên có thể đăng ký môn học và học cùng một lớp môn học", đại diện trung tâm giải thích.
Các trường hợp trước đây nếu có xét miễn giảm cùng một đối tượng tuyển sinh nhưng kết quả xét miễn giảm không giống nhau, do thời điểm xét miễn giảm cho sinh viên khác nhau (khi bộ phận miễn giảm nhận được hồ sơ sinh viên) và áp dụng quy định miễn giảm mới.