Nhảy đến nội dung

Nhà giáo được vua Lê phong thần khi còn sống

Trường học Phúc Giang (làng Trường Lưu, Hà Tĩnh) vang danh ở thế kỷ 18 do Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh khai sinh, có 30 người đỗ tiến sĩ. Ghi nhận công đức của Nguyễn Huy Oánh, vua Lê thời đó đã phong thần khi ông còn sống.

Nhiều lần cáo quan về hưu

Làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) không chỉ có tới 3 di sản được UNESCO công nhận di sản tư liệu ký ức thế giới, mà còn có dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy trứ danh với nhiều danh nhân lỗi lạc. Một trong số đó là Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, người khai sinh ra Trường học Phúc Giang (hay còn gọi là thư viện Phúc Giang).

Lần theo gia phả của dòng tộc, ông Nguyễn Huy Thiện (80 tuổi, duệ tôn đời thứ 7) tự hào cho biết, giữa thế kỷ 15, thủy tổ của dòng họ Nguyễn Huy là cụ Nguyễn Uyên Hậu, từng giữ chức Ngũ kinh bác sĩ ở Quốc Tử Giám đã về vùng Lai Thạch xưa (nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc) khai thôn, lập ấp, đặt tên làng Trường Lưu.

Theo ông Thiện, đến nay làng Trường Lưu đã có chiều dài lịch sử hơn 600 năm. Từ thủy tổ Nguyễn Uyên Hậu đến giữa thế kỷ 19, liên tục 12 đời của dòng họ Nguyễn Huy đều có người đỗ đạt cao và ở đời nào cũng có ông đồ dạy học, trong đó có nhiều người dạy ở Quốc Tử Giám.

Giai đoạn dòng họ hiển vinh, nổi tiếng khắp cả nước là thời cụ Nguyễn Huy Oánh (1713-1789), người khai khoa cho dòng họ, đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ, đệ nhất Tam danh (Thám Hoa) khoa thi Mậu Thìn - Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời vua Lê Hiển Tông.

Trong thời gian làm quan, cụ Nguyễn Huy Oánh được đánh giá rất liêm chính và trải qua nhiều chức tước khác nhau, cao nhất là Thượng thư, trong đó có các chức học quan nhiều lần như Giám khảo kỳ thi Hội, thăng Đông các đại học sĩ, Nhập nội thị giảng kiêm Tư nghiệp (phó hiệu trưởng) Quốc Tử giám, Thượng thư bộ Công kiêm Tế Tửu (hiệu trưởng) Quốc Tử Giám.

Ông Thiện cho biết, cụ Nguyễn Huy Oánh đỗ đạt cao, làm quan to, lo nhiều việc nước và luôn tâm huyết xây dựng trường học của dòng họ có quy mô không thua kém trường học ở kinh kỳ.

Năm 1766, sau khi đi sứ nhà Thanh về, cụ được giữ chức Đô Ngự Sử. Tuy nhiên, cụ xin trí sĩ (nghỉ hưu sớm) để về quê. Thời gian cáo quán ở quê nhà, từ những ấp ủ trước đó, cụ Nguyễn Huy Oánh đã nâng cấp trường học của dòng họ Nguyễn Huy thành Trường học Phúc Giang. Khi cụ được phong thần, trường đổi thành Đền Thư viện Phúc Giang.

Trường học Phúc Giang đi vào quy củ nên nho sinh đến học ngày càng nhiều. Năm 1768, cụ Nguyễn Huy Oánh đang dạy học ở trường thì được Vua mời ra kinh phục chức. Đến năm 1781, khi đang giữ chức Thượng thư bộ Hộ, cụ tiếp tục xin nghỉ hưu để về quê dạy học nhưng không được chấp thuận.

Vào năm Nhâm Dần 1783, cụ Nguyễn Huy Oánh được vua Lê Hiển Tông trao chức Tham tụng (Tể tướng) nhưng cụ nhất quyết từ chối.

“Theo sử liệu của dòng tộc, lý do chủ yếu cụ Nguyễn Huy Oánh từ chối chức Tể tướng là muốn dành quãng đời còn lại phục vụ cho việc dạy ở quê nhà”, ông Thiện cho biết.

Trường tư thục đầu tiên ở Việt Nam có 30 học trò đỗ tiến sĩ

Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ (duệ tôn đời thứ 7 Nguyễn Huy Oánh) chia sẻ với VietNamNet: Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh là người khai sinh, mở lối Trường học Phúc Giang. Ngôi trường tư thục ở làng quê nhỏ Trường Lưu nhưng chỉ xếp sau Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long và được xem là ngôi trường tư thục đào tạo khoa bảng đầu tiên của Việt Nam ở thời phong kiến.

Theo GS Nguyễn Huy Mỹ, triết lý giáo dục xuyên suốt của Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh là đề cao chất lượng giáo dục trong trường học. Để phục vụ việc dạy học một cách bài bản, chất lượng, đồng thời để mở rộng kiến thức cho các nho sinh, gia đình cụ Nguyễn Huy Oánh đã dày công sản xuất bộ mộc bản in sách với hơn 2.000 bản.

GS Nguyễn Huy Mỹ cho biết thêm, từ các tư liệu Hán Nôm đã phát hiện, Trường học Phúc Giang là trường tư thục lớn nhất và là trường tư thục duy nhất ở Việt Nam thời trung, cận đại sản xuất được mộc bản để in sách giáo khoa phục vụ công việc dạy - học.

Hiện Mộc bản Trường học Phúc Giang là kho sách đặc biệt của dòng họ Nguyễn Huy ở Hà Tĩnh đã được UNESCO công nhận là Di sản ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo sử liệu của dòng tộc, đến giữa thế kỷ 18, Trường học Phúc Giang đã được xây dựng khang trang, với nhiều đầu sách, tư liệu để phục vụ dạy học, đồng thời các thầy đồ ở trường là những nhà giáo ưu tú, uyên bác như: Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, Tam giáp đồng Tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh, Hương cống, Đốc đồng Nguyễn Huy Tự...

Danh tiếng vang xa, trường đã thu hút hàng nghìn sĩ tử từ Bắc vào Nam. Theo sử sách để lại, học trò Trường học Phúc Giang có 30 người đỗ tiến sĩ, còn Hương cống, tú tài rất nhiều.

Từ thế kỷ 18 cho đến đầu thế kỷ 20, Trường học Phúc Giang ngày càng nổi tiếng, trở thành một trung tâm giáo dục tư thục lớn của Việt Nam thời điểm đó.

Ghi nhận tài năng, tâm huyết của cụ Nguyễn Huy Oánh với sự nghiệp giáo dục, vua Lê Hiển Tông ban sắc phong thần cho cụ và công nhận Trường học Phúc Giang là đền thờ Thần Nguyễn Huy Oánh. Đó là một sự ghi nhận, đánh giá rất cao và hiếm có đối với một vị cựu đại thần triều đình, nhà giáo khi đang còn sống.

“Với những giá trị văn hóa, giáo dục ở làng Trường Lưu nói chung và của dòng họ khoa bảng Nguyễn Huy nói riêng, mới đây tên làng Trường Lưu được sử dụng thành tên xã mới khi nhập 3 đơn vị (xã Kim Song Trường, xã Thường Nga và xã Phú Lộc). Đó là niềm tự hào, vinh dự cho làng cổ giàu di sản Trường Lưu", Giáo sư - Viện sĩ Nguyễn Huy Mỹ nói.