Nhảy đến nội dung
 

Người trẻ cần làm gì để phòng chống sốt xuất huyết ?

Sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, đặc biệt là từ tháng 5 - 11 hằng năm. Đây là thời điểm bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch. Vì thế, cần phải chủ động phòng bệnh hiệu quả.

Lo lắng vì sốt xuất huyết

Cuối tháng 6, chị Nguyễn Thị Kim Loan (34 tuổi, ngụ đường Đỗ Xuân Hợp, P.Phước Long, TP.HCM) phải đưa con gái 5 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng sốt cao, chảy máu cam, nổi mẩn đỏ.

Chị kể trong ánh mắt vẫn chưa giấu được nỗi lo: "Tôi tưởng chỉ là cảm sốt thường, ai ngờ bác sĩ nói bé bị sốt xuất huyết và cảnh báo có thể chuyển nặng bất kỳ lúc nào. Bác sĩ yêu cầu bé phải nhập viện theo dõi sát, bởi sốt xuất huyết ở trẻ em rất dễ diễn tiến nhanh nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời".

Không riêng chị Loan, nhiều gia đình trẻ đang đối mặt nguy cơ sốt xuất huyết trong thời điểm này. Anh Lê Thành Khiết (31 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thị Thảnh, xã Xuân Thới Sơn, TP.HCM) cho hay: "Tôi có trải nghiệm ám ảnh. Tôi bị sốt cao 3 ngày không dứt, tưởng do áp lực công việc nên chủ quan. Tới khi người mệt lả đi, nổi ban, bác sĩ xét nghiệm mới biết là sốt xuất huyết. Nằm viện 5 ngày, sức khỏe tụt dốc trầm trọng".

Cũng theo anh Khiết: "Tôi từng nghĩ sốt xuất huyết chỉ lây cho trẻ con, không ngờ chính bản thân lại trở thành nạn nhân".

Theo bác sĩ Lê Dương Tiến, làm việc tại Bệnh viện Columbia Asia Bình Dương (TP.HCM), sốt xuất huyết thường bắt đầu tăng từ đầu mùa mưa và cao điểm vào khoảng tháng 8 - 11.

"Sở dĩ có điều này vì muỗi truyền bệnh phát triển mạnh. Sốt xuất huyết do vi rút Dengue gây ra, lây truyền qua muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn). Mùa mưa có nhiều vũng nước đọng (lu, khạp, chậu nước, lốp xe cũ, vỏ hộp, chai lọ...), tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi sinh sản và phát triển", bác sĩ Tiến nói.

Bác sĩ Đỗ Tố Uyên, làm việc tại Phòng khám đa khoa Victoria Healthcare (P.Thuận An, TP.HCM), nói: "Chỉ cần lơ là việc vệ sinh là muỗi có thể sinh sôi, truyền bệnh nhanh chóng, và nguy cơ lan rộng từ những điều nhỏ nhặt".

Muỗi không chừa ai, không thể thờ ơ

Theo bác sĩ Uyên: "Sốt xuất huyết không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ mà người lớn, đặc biệt là thanh niên, cũng có nguy cơ cao. Vì thế, việc phòng bệnh phải đặt lên hàng đầu, đặc biệt là vào mùa mưa. Bởi sốt xuất huyết có thể đến bất cứ lúc nào, từ một giọt nước đọng bên hiên nhà hay một chai nhựa bỏ quên sau vườn".

"Để tránh bị muỗi đốt, ngủ nên mắc mùng cả ban ngày lẫn ban đêm, kể cả khi nghỉ trưa. Mặc quần áo dài tay nếu sinh hoạt ở khu vực nhiều muỗi. Gắn lưới chống muỗi ở cửa sổ, cửa ra vào nếu có điều kiện. Chia sẻ thông tin phòng bệnh trên mạng xã hội. Chủ động đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu bất thường", bác sĩ Uyên nói thêm.

Bác sĩ Tiến lưu ý: "Khi có các dấu hiệu nghi ngờ như: sốt cao đột ngột từ 39 - 40°C khó hạ, đau đầu, đau cơ, đau sau mắt, nhức mỏi khắp người, phát ban, buồn nôn, ói mửa, chảy máu cam, chảy máu chân răng… cần đi khám sớm tại cơ sở y tế. Tuyệt đối không tự ý truyền dịch hoặc dùng thuốc hạ sốt mà không có khuyến cáo của bác sĩ".

Thực tế, có nhiều người trẻ chủ động tham gia các hoạt động phòng chống sốt xuất huyết. Anh Trần Văn Duy (30 tuổi, ngụ đường Chương Dương, P.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết khi đọc được về những nguy cơ từ bệnh này rình rập đã cùng nhóm bạn sống chung phòng trọ tự giác trở thành những "chiến binh diệt muỗi". "Cứ sau 2 ngày là chúng tôi sẽ đi tìm những chỗ có nước đọng để vệ sinh sạch sẽ, tránh tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng. Trong phòng trọ, chúng tôi cũng xịt muỗi định kỳ", anh Duy kể.

Lê Phú Quý, sinh viên Trường CĐ Xây dựng TP.HCM, cho biết: "Bắt đầu từ tuần này, chúng mình sẽ đi từng hẻm nhỏ, kiểm tra vật dụng chứa nước, hướng dẫn bà con cách thả cá bảy màu, đậy lu khạp, đồng thời xịt thuốc diệt muỗi. Chúng mình cũng đang lập kênh TikTok chia sẻ clip tuyên truyền cách nhận biết, phòng tránh sốt xuất huyết bằng lối kể chuyện hài hước, dễ hiểu. Qua đó có thể chung tay vào việc đẩy lùi bệnh này".

Tiến sĩ Nguyễn Văn Sơn, Phòng Truyền thông và Công tác sinh viên (Phân hiệu Trường ĐH Thủy lợi TP.HCM), cho hay: "Trong kế hoạch của Chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh sắp sửa thực hiện, có hoạt động diệt lăng quăng. Sinh viên tình nguyện sẽ tuyên truyền cho người dân thông điệp "không có lăng quăng, không có muỗi, không có sốt xuất huyết", hưởng ứng "ngày diệt lăng quăng" tại một số địa phương. Sinh viên sẽ cùng hành động vì một cộng đồng không sốt xuất huyết".

Ông Sơn cho rằng: "Phòng chống sốt xuất huyết không phải là việc của riêng ai. Người trẻ, sinh viên là lực lượng năng động, lại có sức ảnh hưởng mạnh trong cộng đồng. Nếu mỗi người trẻ, mỗi sinh viên chủ động giữ gìn vệ sinh nơi mình sống, nơi làm việc, nhắc nhở người thân, bạn bè cùng làm thì dịch sẽ khó có cơ hội xuất hiện cũng như lan rộng".

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn