Xin cứu giúp 2 học trò khốn khó trăm bề

Mẹ mất, ba tật nguyền, Trần Thị Kim Yến cùng em gái Trần Thị Yến Thu phải sống nương nhờ bà nội nay đã 70 tuổi. Trải qua 12 năm cố gắng học tập với biết bao vất vả, nay đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, giấc mơ vào đại học của 2 chị em có thể tan vỡ vì khốn khó bủa vây.
Chặng đường cơ cực
Nhà 3 bà cháu nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Văn Linh (ấp 62, xã Bình Hưng, TP.HCM; trước đây là ấp 12, xã Phong Phú, H.Bình Chánh, TP.HCM). Trong căn nhà cũ nát, mưa lớn là nước tạt khắp nơi, mỗi ngày 2 chị em Yến, Thu vẫn cần mẫn học, nhen nhóm ngọn lửa hy vọng cho tương lai. Nhưng ngọn lửa ấy đang có nguy cơ bị dập tắt bởi những khốn khó đang bủa vây 3 bà cháu.
Gặp 2 chị em Yến và Thu, ấn tượng đầu tiên trong tôi là sự cơ cực đã khiến các em mất đi sự hồn nhiên, vui tươi. Hỏi về ước mơ, Yến và Thu đều im lặng. Cái ăn, cái mặc nhiều khi ba bà cháu còn phải nương nhờ hàng xóm. Căn nhà cấp 4 được nhà nước hỗ trợ kinh phí để xây từ nhiều năm trước nay đã xuống cấp, đến nhà vệ sinh cũng không có, mỗi ngày phải đi nhờ nhà bên.
Ngay từ khi còn nhỏ, cuộc sống 2 chị em đã cơ cực khi không có sự chăm sóc của ba mẹ. Thương 2 cháu nội, bà Trần Thị Xem đã tần tảo sớm hôm để nuôi nấng. "Tụi nó (con trai và con dâu bà Xem - PV) lúc đó còn ham chơi, nhà thì nghèo khó, sinh 2 đứa con mà nuôi không nổi rồi bỏ đi biền biệt. Tôi cố gắng làm lụng, ai mướn gì thì làm nấy nuôi 2 cháu ăn học. Thương cho Yến, lúc còn nhỏ, nhà khổ quá nên không được đi học. Vì đi học trễ nên tôi xin cho Yến vào lớp học tình thương. Khi học hết lớp 5, Yến được các sơ trong lớp học tình thương chuyển ra học trường công lập với em Thu. Lúc đầu cũng chỉ nghĩ cho các cháu đi học để biết chữ thôi, nhưng rồi cứ cố, ráng mãi rồi cũng đến bây giờ", bà Xem nói và trải lòng: "Là hộ nghèo nên mỗi năm ủy ban có phát học bổng cho hai cháu được 2 triệu đồng. Rồi anh em họ hàng, bà con hàng xóm thương tình nên người cho ký gạo, người giúp bó rau… Nhờ vậy tôi mới nuôi được các cháu đến ngày hôm nay".
Đã 70 tuổi nhưng ngày ngày bà Xem vẫn ráng đi làm thuê làm mướn. Hôm tôi xuống nhà cũng là ngày đầu tiên bà Xem đi làm lại được sau hơn một năm phải ngồi nhà vì bị tai nạn gãy tay. "Lớn tuổi rồi, người ta thương tình thấy mình làm được gì thì gọi đi làm. Nay được đứa cháu giới thiệu nên tôi đi dọn vệ sinh hành lang, quét đường nội bộ tại khu chung cư. Làm từ sáng đến chiều mỗi ngày được hơn 100.000 đồng, cũng có tiền để trang trải", bà kể.
Khổ này chưa qua, khổ khác lại ập đến
Bà Huỳnh Thị Biết, em gái bà Xem, nhà ở kế bên - người chứng kiến hết những khổ cực của 3 bà cháu suốt bao năm qua, xót xa nói: "Nhìn 3 bà cháu khổ quá mà thương. Nhưng nhà tôi cũng khó khăn, lâu lâu 3 bà cháu thiếu gạo, thiếu mắm muối thì mấy chị em cũng chỉ hỗ trợ được mỗi người một ít. Yến và Thu học giỏi, nhưng muốn đi học tiếp phải có tiền. Từ ngày bà nội gãy tay không đi làm được, 3 bà cháu cực dữ lắm, phải vay mượn khắp nơi để cho 2 cháu đi học".
Bà Biết kể thêm: "Cái khổ này chưa qua, khổ khác lại ập đến. Năm rồi sườn nhà 3 bà cháu quá cũ nên sập xuống, may không ai bị sao, rồi cũng đâu có tiền để sửa lại, phải chạy vạy vay mượn. Nhà vệ sinh cũng không có mà đi. 2 đứa lớn rồi mà sáng nào đi học cũng phải chờ chực để nhờ nhà vệ sinh, thấy mà thương".
Tiền ăn hằng ngày còn thiếu trước hụt sau nên việc học của Yến và Thu càng thêm vất vả. Yến kể: "Cứ mỗi lần đến kỳ đóng học phí là 3 bà cháu lại ăn rau qua bữa. Nhiều lúc rau cũng không có để ăn thì nhờ bà Ba (bà Huỳnh Thị Biết - PV) và hàng xóm thương nên cho".
Ngoài giờ học, 2 chị em Yến tranh thủ móc len để bán. "Bạn bè trong lớp biết hoàn cảnh của 2 đứa em nên các ngày lễ cũng hay đặt hàng để ủng hộ. Nhờ đó tụi em cũng có tiền để mua sách vở và các khoản lặt vặt khác phụ bà", Yến nói.
Ba mẹ của Yến và Thu sau nhiều năm bỏ đi biền biệt, năm vừa rồi mới trở về. Nhưng lúc này mẹ của 2 em bị bệnh rất nặng, chỉ kịp nhìn con lần cuối rồi ra đi.
Với Yến và Thu, thời điểm đó mọi thứ dường như sụp đổ. Nhớ lại khoảnh khắc ấy, Thu trào nước mắt: "Em đã khóc rất nhiều. Ngày ba mẹ ra đi, em nhớ ba, nhớ mẹ nên đêm nào cũng khóc. Giờ mẹ về nhưng lại rời xa tụi em mãi mãi. Ba đưa mẹ về được khoảng 1 tiếng đồng hồ là mẹ mất. Lúc đó mẹ yếu quá rồi nên cũng không nói được gì với 2 chị em, mẹ chỉ khóc và ra đi".
Sau khi mẹ mất, ba các em dựng một cái chòi phía trước nhà bà nội để ở một mình. Vì bị tật ở chân từ nhỏ, đi lại khó khăn nên mỗi ngày ông chỉ biết đi nhặt ve chai bán kiếm sống qua ngày chứ cũng không thể phụ lo được gì cho các con.
Do hoàn cảnh gia đình, 2 chị em dự định đăng ký nguyện vọng học sư phạm để không tốn tiền học phí, bởi lẽ: "Nếu có đậu những ngành khác thì tụi em cũng không có tiền để đi học", Thu nói, ẩn sâu trong ánh mắt ngây thơ tuổi 18 là những nỗi khổ tâm không nói được thành lời.
Là chủ nhiệm của Yến năm lớp 12, thầy Nguyễn Huỳnh Trung Tín, giáo viên bộ môn sinh học, Trường THPT Tạ Quang Bửu, hiểu được hoàn cảnh, thấy em không có tiền để đóng học phí, mỗi tháng thầy đóng phụ khoảng 10-20% nhưng giấu không nói vì sợ em ngại, chỉ nói rằng em được giảm. Tuy nhiên, chặng đường phía trước rất nhiều khó khăn, thầy Tín mong các nhà hảo tâm mở lòng giúp đỡ để các em có thêm cơ hội bước tiếp trên con đường học vấn.