Người lao động trong kỷ nguyên mới

Báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế từng chỉ ra trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, một số ngành nghề sẽ biến mất. Trong đó, những nghề có nguy cơ bị robot thay thế là công nhân nhà máy (44%), nhân viên thu ngân (40%), lái xe taxi (20%), nhân viên chăm sóc khách hàng (18%), phi công (16%)...
Trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, trí tuệ nhân tạo và xu thế số hóa toàn cầu đã tác động lớn đến thị trường lao động, nếu không muốn bị thay thế, người lao động VN phải có những thay đổi để khẳng định vai trò là lực lượng trụ cột trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước.
Tháng Công nhân năm 2025 được Tổng liên đoàn Lao động VN lựa chọn mang chủ đề: "Công nhân VN tiên phong bước vào kỷ nguyên mới". Đây là dịp để tôn vinh giá trị lao động, khơi dậy tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của người lao động trong công cuộc xây dựng đất nước VN hùng cường, thịnh vượng, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Nhiều hoạt động thiết thực, trọng tâm được tổ chức như: triển khai phong trào thi đua nâng cao trình độ, kiến thức chuyên môn, tay nghề; khích lệ đoàn viên, người lao động đổi mới sáng tạo, có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, góp phần tăng năng suất lao động, hiệu suất công tác, nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp; tổ chức các cuộc thi đề xuất ý tưởng, sáng kiến, giải pháp kỹ thuật đổi mới quy trình sản xuất; tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu, thời gian, sức lao động; cách thức mới, mô hình hay trong quản trị doanh nghiệp hiện đại…
Vai trò của người lao động không chỉ dừng lại ở việc thực hiện mà còn là động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững. Bởi vậy, các hoạt động trên không chỉ trong Tháng Công nhân mà phải được triển khai thường xuyên, liên tục trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhiều lĩnh vực đã và đang hội nhập quốc tế, đặt ra yêu cầu cấp thiết đòi hỏi lực lượng lao động phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, không chỉ giúp người lao động ổn định việc làm, mà còn góp phần cải thiện năng suất lao động, giảm thiểu chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp VN, cũng như thu hút đầu tư nước ngoài.
Để xây dựng được lực lượng lao động chất lượng cao trong kỷ nguyên vươn mình đòi hỏi sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp sử dụng lao động và người lao động.
Trước hết, nhà nước cần hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật và tạo điều kiện để người lao động phát huy hơn nữa trí tuệ, sức lực, khơi dậy mọi tiềm năng, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cạnh đó, cần trang bị cho người lao động một nền tảng tri thức tốt, đặc biệt là tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao; kỹ năng làm việc nhóm, có trình độ ngoại ngữ, có năng lực thích nghi với sự thay đổi phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp…
Với doanh nghiệp, người lao động chính là tài sản quý giá nhất, việc quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực, chia sẻ thành quả với người lao động để nuôi dưỡng nguồn vốn quý, lực lượng tiên phong, trực tiếp trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Về phần mình, bản thân người lao động cũng cần chủ động, tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp để thích ứng với cuộc cách mạng công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; làm việc với kỷ luật cao, năng suất, chất lượng tốt hơn.