Ngày xưa chẳng ai dám mơ ngày cồn Ốc có điện

Tối viết những dòng này để lưu lại ký ức đẹp đẽ, có ý nghĩa về những ngày kéo dây đưa điện vượt sông Hàm Luông thắp sáng cồn Ốc ở xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm trên quê hương Bến Tre thân yêu.
Trời Hưng Phong hôm ấy mưa lất phất, những giọt nước nhỏ tí tách rơi xuống mặt sông, làm gợn lên những vòng tròn lan tỏa. Cồn Ốc là một dải đất nhỏ nằm ngay giữa lòng sông Hàm Luông, đứng lặng lẽ như một chứng nhân của thời gian. Nhiều cụ già bảo rằng nơi đây từng là chốn linh thiêng, có những câu chuyện kỳ bí về sông nước, chiến tranh được truyền từ đời này sang đời khác.
Thế rồi, cồn Ốc ngày nay không còn chỉ là một mảnh đất lặng lẽ nữa. Bằng khát vọng lớn lao, niềm mong ước mãnh liệt của người dân, nguồn điện diệu kỳ đã được đưa về, vượt sông Hàm Luông để thay thế những cây đèn dầu, mang lại niềm tin yêu hy vọng cho người dân sinh sống trên cồn.
Ông Ba - một lão ngư dân tóc đã bạc trắng - ngồi trên chiếc xuồng nhỏ, tay cầm mái chèo, mắt nhìn xa xăm về phía những người thợ đang kéo dây điện vượt sông, nói: "Dòng sông Hàm Luông rộng lớn, nước chảy xiết, từng làm chùn bước bao ước mơ mang ánh sáng về đây. Nhưng hôm nay, mọi thứ đã khác...".
Những cột điện cao vút được dựng lên, dây điện căng như dây đàn, vắt ngang qua con sông. Cháu nội của ông Ba, tên gọi ở nhà là Tèo, đang ngồi co ro dưới tấm áo mưa, mắt tròn xoe hỏi nghi ngại: "Ông nội có tin họ (ý nói các kỹ sư và thợ điện - NV) làm được không?". Năm đó, Tèo mới mười tuổi. Đôi mắt sáng rực vừa hoài nghi vừa hy vọng, bởi nó chưa từng thấy ánh đèn điện ngoài mấy cây đèn pin cũ kỹ trong nhà. Ông Ba cười khà, nụ cười của người từng trải nghiệm, sống qua bao mùa nước nổi: "Tin chứ. Con người mà, muốn là làm được. Ngày xưa, ông còn chẳng dám mơ tới ngày cồn Ốc sáng đèn, nhưng nay thì có...".
Ông Ba bỏ lửng câu trả lời. Cách đó không xa, anh Khái - kỹ sư trưởng của đội thi công - đang đứng trên bờ, tay cầm bộ đàm, giọng vang xa: "Kéo từ từ thôi, đừng để dây chùng quá!". Đội của kỹ sư Khái đã làm việc ở đây suốt 3 ngày, bất chấp mưa gió. Dòng sông Hàm Luông không chỉ rộng mà còn sâu, đáy đầy bùn lầy và những xoáy nước bất ngờ. Nhưng Khái không nản bởi anh lớn lên ở đây, hiểu rõ từng con nước, cơn gió giật, sống trong cảnh không đèn, không điện giữa những đêm tối mịt mù của ốc đảo - nơi trẻ con học bài dưới ánh đèn dầu, người bệnh phải chống chọi cái oi bức của mùa hè chờ sáng mới dám vượt sông tìm thầy thuốc. Thế nên, anh tự nhủ, dù khó đến đâu cũng phải kéo cho được điện ra...
Khi dòng dây điện cuối cùng được kéo qua cồn Ốc, tiếng reo hò vang lên từ đám đông đứng xem hai bên bờ. Tất cả lực lượng tham gia từ anh Nghĩa - một sĩ quan chỉ huy đội tàu cảnh giới; anh Chánh, anh Thành - kỹ sư quản lý giám sát công trình và đội thi công đều vui mừng khôn xiết. Họ vui, hạnh phúc với niềm vui của người dân trên cồn Ốc. Ông Ba ngừng mái chèo, ngước mắt nhìn các đường dây điện. Dưới ánh hoàng hôn nhạt dần, những sợi dây điện như một đường sáng mỏng manh nối liền hai bờ sông.Năm 1997, người dân cồn Ốc có ngày đáng nhớ, lần đầu tiên trong lịch sử, cồn Ốc bừng sáng lóa. Không phải ánh sáng yếu ớt của đèn dầu hay lập lòe của đom đóm, mà là ánh sáng trắng tinh, rực rỡ trong từng mái nhà. Thằng Tèo nhảy cẫng lên: "Ông nội ơi, sáng quá! Như ban ngày luôn!". Ông Ba không nói gì, chỉ lặng lẽ gật đầu, khóe mắt cay cay.
Điện lực Bến Tre, Điện lực miền Nam cùng địa phương đã đưa dòng điện vượt sông, mang theo không chỉ ánh sáng mà còn cả hy vọng cho người dân nơi đây. Hy vọng về những ngày mai tươi đẹp hơn cho cho vùng đất đầy tiềm năng, cho những người nông dân cần cù đầy nghị lực, cho nguồn sinh khí phát triển quê hương anh hùng này.
Từ đó, mỗi khi ai hỏi về cồn Ốc, người ta không chỉ kể về những câu chuyện linh thiêng được truyền miệng từ xưa, mà còn kể về những ngày khó quên của người dân xứ cồn. Họ tự hào vì được chứng kiến các anh thợ điện kéo điện vượt sông thắp sáng cả cồn Ốc xa xôi. Ánh điện giúp ốc đảo gần hơn với đất liền, ánh sáng chiến thắng bóng tối thắp sáng niềm tin cho người dân trên quê hương tôi.