Nhảy đến nội dung

Ngắm bộ lịch tre - báu vật vô giá của người Mường

TPO - Lịch tre của người dân tộc Mường (hay còn gọi lịch đoi/roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống văn hóa, tâm linh. Mọi hoạt động đời sống, sản xuất, phong tục, nghi lễ của người Mường đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch tre.

TPO - Lịch tre của người dân tộc Mường (hay còn gọi lịch đoi/roi) có vai trò đặc biệt trong cuộc sống văn hóa, tâm linh. Mọi hoạt động đời sống, sản xuất, phong tục, nghi lễ của người Mường đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch tre.
Ngắm bộ lịch tre - báu vật vô giá của người Mường ảnh 1

Mô hình bộ lịch tre được phóng to để giới thiệu cho người dân.

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh (xã Văn Sơn, huyện Lạc Sơn) cho biết lịch tre có vai trò đặc biệt trong cuộc sống cộng đồng người Mường, là báu vật vô giá về tri thức dân gian người Mường.

Hiện nay, bên cạnh lịch âm, lịch dương thông dụng, tất cả hoạt động sản xuất, sinh hoạt hàng ngày, phong tục, nghi lễ, lễ hội của cộng đồng, những việc quan trọng của mỗi người đều dựa vào cách tính cát, hung của bộ lịch tre.

Bộ lịch tre của người Mường tỉnh Hòa Bình gồm 12 thẻ, làm từ những thanh tre được róc, vót, đánh bóng cẩn thận. Trên thẻ tre có các khắc, vạch, chấm biểu thị ngày, tháng và các hiện tượng quy luật tự nhiên của trời đất trong năm.

Trên mỗi thẻ tre có các bộ phận chính gồm gốc lịch, sống lịch, mặt lịch. Mỗi thẻ khắc 30 khắc tương đương với 30 ngày trong một tháng.

Theo cách tính lịch, các ngày từ 1-10 gọi là "ngày cây”, từ ngày 11-20 gọi là "ngày lồng”, từ ngày 21-30 gọi là "ngày cuối”.

Ngắm bộ lịch tre - báu vật vô giá của người Mường ảnh 2

Nghệ nhân nhân dân Bùi Văn Minh hướng dẫn cách tính lịch tre.

Trong đó, số ngày trong tháng ghi theo lối khắc gạch những ngày tốt, xấu, ngày mưa, ngày gió, ngày cá, ngày thú, ngày đại cát hay ngày xích khẩu… để đi làm ăn, làm nhà mới, dựng vợ, gả chồng hay công to việc lớn trong mường.

“Người Mường thường tổ chức nghi lễ quan trọng vào những ngày đầu tháng (ngày cây), tránh những ngày kỵ”, ông Minh cho hay.

Ngắm bộ lịch tre - báu vật vô giá của người Mường ảnh 3

Bộ lịch tre kích thước bình thường được người Mường sử dụng hàng ngày.

Hiện nay, ngoài sử dụng trong nhân dân, bộ lịch được lưu giữ tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường ở TP Hòa Bình nhằm bảo tồn, giới thiệu đến người dân và du khách.

“Bộ lịch chính là sự tổng hợp, đúc kết qua nhiều đời của người Mường xưa, biểu hiện rực rỡ của tư duy người dân tộc Mường trong nhận thức thế giới, qua quan sát sự vận động của mặt trăng. Đặc biệt là đặc tính chu kỳ trăng, sự vận chuyển của sao để phân định thời gian, ngày, giờ, tuần, tháng, năm”, ông Minh cho biết thêm.

Toàn tỉnh hiện còn 5 bộ lịch tre cổ có từ hàng trăm năm. Cùng với đó là những bộ được người dân sao chép sử dụng.

Ngắm bộ lịch tre - báu vật vô giá của người Mường ảnh 4

Bộ lịch tre có tuổi đời hàng trăm năm.

"Về mặt tâm linh, lịch tre là biểu hiện của sự kết nối giữa con người với vũ trụ và tổ tiên, là la bàn chỉ dẫn để sống hài hòa với trời đất. Trong bối cảnh hiện đại, khi các giá trị truyền thống đang bị mai một, lịch tre càng trở nên quý giá, bởi không chỉ là di sản vật chất mà còn là biểu tượng của bản sắc, ký ức và tinh thần độc lập của một dân tộc”, ông Minh cho biết thêm.

Viết Hà