Lý do Đức ngừng công khai thông tin viện trợ quân sự cho Ukraine

Trong chuyến thăm Kyiv ngày 10/5, tân Thủ tướng Đức Friedrich Merz tuyên bố rằng chính phủ nước này sẽ chấm dứt việc công khai thông tin chi tiết về các khoản viện trợ quân sự dành cho Ukraine.
![]() |
Ông Friedrich Merz, lãnh đạo Liên minh bảo thủ Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Đức, phát biểu tại Berlin, ngày 24/2/2025. Ảnh: THX/TTXVN. |
Hãng tin Reuters dẫn các nguồn thạo tin lập luận rằng quyết định này nhằm tạo ra sự “mập mờ chiến lược” – chiến lược được cho là sẽ ngăn cản Liên bang Nga khai thác thông tin về vũ khí, đạn dược của Ukraine để giành lợi thế trên chiến trường.
Phát biểu trước đài truyền hình RTL/ntv tại Kyiv, ông Merz khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của tôi, các cuộc thảo luận công khai về việc chuyển giao vũ khí, thông tin về cỡ nòng, quy mô hay tính năng của các hệ thống vũ khí sẽ không còn được diễn ra công khai”.
Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, Chính phủ Đức ban đầu chỉ cung cấp thông tin nhỏ giọt về viện trợ quân sự. Tuy nhiên, sau áp lực từ các nghị sĩ và truyền thông trong nước, Berlin đã bắt đầu công bố định kỳ các danh sách cập nhật về những hệ thống vũ khí và trang thiết bị đã chuyển giao cho Kyiv.
Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị Thủ tướng vào ngày 6/5, ông Merz khẳng định Đức vẫn giữ vững cam kết hỗ trợ Ukraine, bao gồm cả hỗ trợ tài chính. Ông cũng bày tỏ mong muốn các quốc gia châu Âu khác sẽ tiếp tục đồng hành cùng Berlin trong nỗ lực này.
![]() |
Hệ thống phòng không Patriot của Đức tại căn cứ quân sự gần Zamosc, Ba Lan. Ảnh: REUTERS/TTXVN. |
Theo trang tin quân sự Bulgarian Military, một điểm đáng chú ý trong chính sách mới của Chính phủ của Thủ tướng Merz là thái độ cởi mở hơn đối với khả năng cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine.
Trả lời phỏng vấn đài truyền hình ZDF, ông Merz nhấn mạnh Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky “có thể tin tưởng vào tôi và vào Cộng hòa Liên bang Đức”, đặc biệt trong vấn đề chuyển giao tên lửa hành trình Taurus KEPD 350 – một loại vũ khí mà trước đây Berlin còn khá thận trọng khi xem xét cung cấp.
Tuyên bố này được đưa ra ngay sau chiến thắng của Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) trong cuộc bầu cử liên bang, báo hiệu sự thay đổi rõ rệt trong cách tiếp cận của Berlin đối với việc hỗ trợ Kyiv trong cuộc xung đột với Nga.
Mặc dù chưa có đợt giao hàng nào được xác nhận, việc ông Merz cởi mở về vấn đề cung cấp vũ khí chính xác tầm xa cho Ukraine đã làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt cả ở trong và ngoài nước.
So với các loại tên lửa mà Anh và Pháp đã cung cấp cho Ukraine – như Storm Shadow và SCALP-EG – Taurus có tầm bắn gần gấp đôi, đạt tới 500 km, và được thiết kế để tấn công các mục tiêu kiên cố, có giá trị chiến lược cao.
Điều này mang lại cho Ukraine tiềm năng đáng kể trong việc mở rộng tầm tấn công vào các vị trí của Nga, nhưng cũng kéo theo không ít lo ngại về phản ứng của Moscow cũng như vai trò của Đức trong an ninh châu Âu.
Sự cởi mở của ông Merz đối với việc chuyển giao Taurus cho Ukraine cũng phản ánh những thay đổi địa chính trị rộng hơn. Với việc Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump báo hiệu khả năng cắt giảm viện trợ cho Ukraine, châu Âu đang phải đối mặt với áp lực lấp đầy khoảng trống.
Tuy nhiên, hãng tin DPA đưa tin trong một phát biểu ngày 10/5, ông Merz đã tránh đưa ra cam kết cụ thể về việc cung cấp tên lửa Taurus, cho rằng đây là những vấn đề cần được thảo luận kín với các đồng minh, trước khi chia sẻ rộng rãi trước công chúng.
“Những biện pháp chúng ta thực hiện để kết thúc cuộc chiến, cũng như các quyết định chung nhằm đảm bảo hòa bình tại Ukraine, không nên là chủ đề được tranh luận công khai, mà cần được bàn bạc trước tiên với các đối tác quốc tế, bao gồm Mỹ”, ông nói.
Đối với Ukraine, việc nhận được hệ thống tên lửa Taurus của Đức có thể tạo ra bước ngoặt trong chiến lược quân sự, giúp họ tấn công sâu hơn và mạnh hơn vào các căn cứ Nga. Tuy nhiên, không thể bỏ qua những thách thức kỹ thuật, chính trị và chiến lược mà đi kèm. Sự linh hoạt của Nga trên chiến trường, cùng với sự do dự trong nội bộ Đức, có thể làm suy giảm hiệu quả của bất kỳ gói viện trợ mới nào.
Tuyên bố của tân Thủ tướng Merz, xét từ góc độ địa chính trị, là một bước đi táo bạo, phản ánh nỗ lực định vị lại vai trò của Đức trong bối cảnh châu Âu đang thay đổi. Tuy vậy, tính hiệu quả của chính sách này còn phụ thuộc vào khả năng đoàn kết các đồng minh và thuyết phục họ rằng những rủi ro phải gánh chịu là xứng đáng với kết quả mong đợi.
Câu hỏi đặt ra là liệu quyết tâm mới của Berlin có đủ để xoay chuyển cục diện cuộc xung đột, hay sự thận trọng vốn có sẽ tiếp tục chi phối các quyết định của nước Đức?
Những cuốn sách hay về châu Âu
Tri Thức - Znews giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về châu Âu, khu vực có bề dày lịch sử được mệnh danh là "lục địa già".
Độc giả có thể xem thêm tại đây.