Bông sen vàng, sách về thời niên thiếu của Bác Hồ gặp lại độc giả

Cuốn sách Bông sen vàng của nhà văn Sơn Tùng cho người đọc thấy được nét đẹp dung dị và tâm hồn cao cả của vị lãnh tụ vĩ đại từ khi còn là một cậu bé.
Hướng đến kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhà xuất bản Chính Trị Quốc Gia Sự Thật tái bản sách Bông sen vàng của nhà văn Sơn Tùng. Đây là một trong số những tác phẩm nổi tiếng của ông viết về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Các con là người gánh trọng trách của thế kỷ sau
Bằng tình cảm sâu lắng và lòng thành kính đối với Bác, nhà văn Sơn Tùng đã đi sâu phân tích làm rõ về tuổi niên thiếu vô cùng sinh động, phong phú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là những năm Người sống cùng cha mẹ và anh trai ở kinh đô Huế.
Người đọc thấy được Bác Hồ khi còn là cậu bé Nguyễn Sinh Côn đã được cha mẹ rèn luyện đức tính ham học hỏi, chuyên cần, biết tiết kiệm, chính trực, trọng công bằng, khiêm nhường và vị tha... và trên hết là những nhận thức, suy nghĩ đáng quý về Tổ quốc.
Trong chương Câu chuyện của cha, sau khi khảo bài Ái quốc cho các con, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nói: "Các con ra đời vào thời buổi đất nước nhiễu nhương của thế kỷ này.
Nhưng các con là người gánh trọng trách của thế kỷ sau. Chỉ còn ít năm nữa là sang thế kỷ hai mươi rồi. Cha mẹ sẽ gắng hết sức lo cho các con học. Có học mới hiểu biết, có hiểu biết mới có vốn để làm nên".
Những câu nói của cụ Nguyễn Sinh Sắc khiến độc giả phần nào hiểu được tầm quan trọng của giáo dục và tri thức để có thể hình thành nên một nhân cách lớn của thời đại.
Cháu xin chú đừng gọi cháu bằng cậu
Khi giải nghĩa đoạn "Quốc giả, tái dân chi châu dã" đến "kỳ quốc tiểu hữu năng hãnh tồn giả" trong bài Ái quốc, cậu bé Nguyễn Sinh Côn giảng giải:
"Tổ quốc là con thuyền, dân ở trên con thuyền ấy. Điều lợi, điều hại của Tổ quốc chính là niềm vui, nỗi lo của dân. Nếu như người nào cũng nghĩ đến lợi riêng mình, không lấy việc nước làm trọng hoặc còn ra sức phá hoại thì còn gì là nước, là dân".
Đọc đến đây, độc giả thấy những suy tư sâu sắc về Tổ quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi còn là một cậu bé đã đi theo Người cho đến lúc trở thành vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam.
Nhờ đức tính khiêm nhường, giản dị, kính trên nhường dưới được trao truyền từ cha mẹ, cậu bé Nguyễn Sinh Côn luôn sống trong sự quý mến của xóm giềng. Trong sách, người đọc bắt gặp những khoảnh khắc chân tình như khi cậu trò chuyện với anh phó Tràng - một người hàng xóm sống độc thân tốt bụng:
"Chú ơi, cháu thưa với chú một việc nhá. Cháu xin chú đừng gọi cháu bằng cậu, xưng tôi với cháu. Chú gọi bằng cháu xưng chú với cháu, với anh Khiêm của cháu nữa".
Điều này đã khiến anh phó Tràng phải bất ngờ khi cậu còn bé thơ, con một ông cử nhân, thầy học nổi tiếng mà đối xử, ăn ở bình dân với mọi người hàng xóm, láng giềng.
Bông sen vàng cũng tái hiện những phút giây bình dị, bình yên của Bác Hồ lúc êm ấm bên cha mẹ với mâm cơm đạm bạc rồi lại phải trải qua biến cố, đau thương - mẹ và em trai mất.
Đi qua những sóng gió, người đọc biết thêm về những người bạn thuở niên thiếu như cô Hạnh, anh Tuấn, cậu Kỳ, anh Quang... đã đồng hành cùng Người suốt những tháng năm vui buồn.