Cần lưu ý gì khi chiêm bái xá lợi Phật ở chùa Quán Sứ?

TPO - Từ ngày 14 đến sáng 16/5, xá lợi Phật được tôn trí tại hội trường chùa Quán Sứ (Hà Nội) để Phật tử và nhân dân thập phương đến chiêm bái. Người dân cần xếp hàng theo thứ tự, lần lượt di chuyển theo hàng lối và tuyệt đối giữ im lặng.
Lễ cung rước xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) trong khuôn khổ Đại lễ Phật Đản Vesak 2025 sẽ diễn ra từ chiều 13/5. Từ ngày 14 đến sáng 16/5, xá lợi được tôn trí tại tầng 1 hội trường chùa Quán Sứ để Phật tử và nhân dân thập phương đến chiêm bái, đỉnh lễ.
Chùa Quán Sứ không thu, nhận bất cứ chi phí nào với người dân đến chiêm bái, đồng thời không tiếp nhận vòng hoa, lễ phẩm cúng dường. Ban tổ chức nhấn mạnh người dân vào chiêm bái xá lợi cần xếp hàng theo thứ tự, lần lượt di chuyển theo hàng lối và tuyệt đối giữ im lặng.
![]() |
Lễ cung rước xá lợi Phật tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) trong khuôn khổ Đại lễ Phật Đản Vesak 2025 sẽ diễn ra từ chiều 13/5. |
"Không tự ý chụp hình, quay phim bên trong nơi tôn trí xá lợi và các khu vực chiêm bái. Trẻ em dưới 2 tuổi, người có trang phục không phù hợp sẽ không được tiếp đón vào nơi tôn trí xá lợi", quy định của chùa Quán Sứ nêu.
Chiều 8/5, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam có cuộc họp với các sở, ban, ngành của TP Hà Nội về triển khai đại lễ cung rước và tôn trí xá lợi Phật Thích Ca tại chùa Quán Sứ từ 13/5-16/5.
Đây là sự kiện đặc biệt nằm trong khuôn khổ các hoạt động mừng Đại lễ Phật Đản. Chiều 13/5, xá lợi được rước từ sân bay Nội Bài, đi qua các tuyến phố trung tâm quanh hồ Hoàn Kiếm và trở về chùa Quán Sứ.
Từ 17-21/5, xá lợi được cung rước về chùa Tam Chúc (Hà Nam) - nơi từng đăng cai Đại lễ Vesak 2019 - trước khi về Ấn Độ. Lễ cầu an, tụng kinh và chiêm bái tại chùa Tam Chúc tổ chức liên tục trong 5 ngày.
![]() |
Xá lợi Phật được đặt trên đỉnh bảo tháp nhỏ, nằm bên trong bảo tháp dát vàng. |
Đại lễ Vesak 2025 được đánh giá thành công trên nhiều phương diện. Về tâm linh, hai xá lợi Đức Phật và trái tim Bồ tát Thích Quảng Đức lần đầu được cung thỉnh thu hút hàng triệu lượt phật tử, nhân dân cả nước chiêm bái, mang dấu ấn tâm linh thiêng liêng.
Về văn hoá, đại lễ đã thể hiện sự hài hoà giữa nghi lễ Phật giáo, nghệ thuật truyền thống và tinh thần hiện đại qua các sự kiện thả hoa đăng, triển lãm 87 bảo vật quốc gia về Phật giáo...
Về hội thảo học thuật, Vesak 2025 quy tụ hơn 1.200 đại biểu, học giả, trí thức Phật giáo đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ thảo luận về các nội dung hòa bình bền vững, đạo đức toàn cầu, giáo dục từ bi...
Trên phương diện cầu nguyện hòa bình thế giới, trong buổi lễ thứ nhất vào tối 6/5, hơn 16.300 người đã tham dự lễ cầu nguyện để kết nối giữa tâm linh và lòng nhân ái, thắp lên ngọn đèn trí tuệ giữa thế giới nhiều bất an.