Nhảy đến nội dung
 

Mỹ chuẩn bị lệnh trừng phạt Nga vì Ukraine

Tổng thống Trump xem xét gói trừng phạt kinh tế mới nhằm gây áp lực để Nga chấp nhận hòa giải với Ukraine, trong bối cảnh căng thẳng leo thang.

Chính quyền Mỹ hoàn tất gói trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Nga, bao gồm các biện pháp mạnh tay trong lĩnh vực ngân hàng và năng lượng. Gói trừng phạt này nhằm gây áp lực buộc Moskva chấp nhận nỗ lực hòa giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến Ukraine, theo tiết lộ từ ba quan chức Mỹ và một nguồn tin thân cận.

Mục tiêu của lệnh trừng phạt bao gồm tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom cùng các thực thể lớn trong ngành tài nguyên thiên nhiên và ngân hàng của Nga. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu Tổng thống Trump có phê chuẩn gói biện pháp này hay không, khi ông ngày càng thất vọng với việc Tổng thống Nga Vladimir Putin từ chối những lời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán.

Một quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ xác nhận: “Tất cả vẫn phụ thuộc vào quyết định của Tổng thống". Trong khi đó, phát ngôn viên James Hewitt nhấn mạnh ông Trump cam kết theo đuổi lệnh ngừng bắn toàn diện, nhưng từ chối bình luận chi tiết.

Việc ông Trump phê duyệt lệnh trừng phạt mới sau khi ký thỏa thuận khoáng sản với Ukraine hôm 30/4 có thể đánh dấu sự cứng rắn hơn trong lập trường của ông đối với Nga. Kể từ khi chiến sự nổ ra năm 2022, Mỹ và các đồng minh liên tục áp đặt nhiều tầng trừng phạt lên Moskva, nhưng Nga vẫn duy trì được nguồn tài chính cho chiến tranh nhờ xuất khẩu năng lượng.

Dù từng thể hiện thiện chí với ông Putin, ông Trump gần đây thể hiện sự thất vọng rõ rệt. Kurt Volker, cựu đặc phái viên Mỹ về Ukraine nhận định, các biện pháp trừng phạt lần này sẽ là bước đi tiếp theo để gây áp lực lên Nga.

Dù từng giải tán lực lượng đặc nhiệm chống tài phiệt Nga và có phát ngôn nghiêng về Moskva, ông Trump đang cân nhắc áp đặt trừng phạt thứ cấp - một biện pháp mạnh có thể ảnh hưởng đến cả các quốc gia như Ấn Độ và Trung Quốc nếu họ tiếp tục giao dịch năng lượng với Nga.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ, ông Steve Witkoff, từng đề xuất một kế hoạch hòa bình gây tranh cãi, trong đó Ukraine phải nhượng bốn khu vực cho Nga. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau cuộc gặp giữa Witkoff và ông Putin, quân đội Nga lại tiếp tục tấn công các thành phố Ukraine bằng tên lửa và máy bay không người lái.

Trong bối cảnh đó, ông Trump đã gặp Tổng thống Ukraine Zelensky tại Vatican hôm 26/4 và gọi đây là cuộc đối thoại “rất hiệu quả”. Ngày hôm sau, ông tuyên bố đang cân nhắc áp thuế và các biện pháp trừng phạt quy mô lớn nhằm vào Nga, kéo dài cho đến khi đạt thỏa thuận ngừng bắn và hòa bình toàn diện.