Mở tiệc chia tay đồng nghiệp nhưng sếp không thanh toán, tôi là người chi trả hóa đơn 30 triệu đồng: Vài tháng sau bất ngờ được thăng chức

Cuối buổi tiệc, khi sếp còn đang lần lữa việc thanh toán thì bất ngờ được phục vụ thông báo rằng, hóa đơn đã được chi trả hết rồi.
Tại một đơn vị hành chính bình thường, câu chuyện về một bữa tiệc chia tay tưởng như nhỏ nhặt lại trở thành tâm điểm phản ánh những giá trị sâu sắc của lòng biết ơn, sự tử tế và cách cư xử giữa người với người trong môi trường công sở. Chuyện bắt đầu từ việc một nhân viên kỳ cựu, ông Dương (tên nhân vật đã được thay đổi), ở Trùng Khánh, Trung Quốc, hoàn thành thủ tục nghỉ hưu sau nhiều năm cống hiến.
Ông Dương là một công nhân cần mẫn, tận tụy và nổi tiếng trong nội bộ vì sự thẳng thắn, trung thực và tinh thần trách nhiệm cao. Trong công việc, ông luôn nghiêm túc, sẵn sàng phản biện các quyết định không hợp lý, kể cả từ cấp trên.
Chính sự ngay thẳng đó khiến ông không được lòng nhiều lãnh đạo, dẫn đến việc suốt cả sự nghiệp, ông chưa từng giữ một chức vụ quản lý nào. Dù vậy, ông vẫn được đồng nghiệp yêu quý, tôn trọng.
Khi ông Dương chuẩn bị nghỉ hưu, công đoàn cơ quan chỉ gửi tặng một bộ "ba món chăn ga gối" theo quy định, không tổ chức tiệc chia tay.
Tuy nhiên, vì quý mến ông, các đồng nghiệp trong phòng đã chủ động đề xuất tổ chức một bữa tiệc nhỏ để tiễn đưa người đồng nghiệp kỳ cựu. Trưởng phòng miễn cưỡng đồng ý nhưng quyết định áp dụng hình thức chia đều chi phí theo đầu người.
Bữa tiệc diễn ra trong không khí ấm cúng, chan chứa tình cảm. Mọi người lần lượt chúc ông Dương mạnh khỏe, hạnh phúc, chia sẻ những kỷ niệm, lời cảm ơn và cả sự tiếc nuối khi ông rời đơn vị. Trong số đó có anh Linh, một nhân viên trẻ mới được điều chuyển về chưa lâu.
Anh Linh chính là người từng được ông Dương trực tiếp hướng dẫn khi mới tới đây làm. Với tinh thần trách nhiệm, ông đã không ngần ngại truyền đạt mọi kinh nghiệm cho người kế nhiệm, không giấu nghề, không tính toán. Chính điều đó khiến anh Linh luôn cảm kích, trân trọng ơn nghĩa dìu dắt ấy.
Thấy việc chia tay một người thầy như ông Dương mà phải chia tiền, anh Linh có phần bối rối. Trong lúc mọi người đang trò chuyện, anh lặng lẽ ra quầy thanh toán và tự đứng ra trả toàn bộ hóa đơn gần 30 triệu đồng.
Trùng hợp, đúng lúc ấy ông Dương cũng rời bàn tiệc, định âm thầm làm điều tương tự. Hai người chạm mặt, cùng cười, không cần nhiều lời. Ông Dương ngạc nhiên khi biết học trò đã đi trước một bước.
Anh Linh chỉ nhẹ nhàng nói: “Đây coi như là tiệc cảm ơn của em dành cho thầy. Em còn nợ thầy bữa cơm và lời cảm ơn.”
Khi tiệc kết thúc, trưởng phòng chuẩn bị cầm điện thoại chia tiền thì ông Dương đứng lên thông báo: “Không cần chia nữa, học trò của tôi đã mời cả phòng rồi.” Mọi người bất ngờ và cảm động. Ông Dương nói lời chia tay đầy cảm xúc, rồi rời đi trong sự lưu luyến của đồng nghiệp.
Sau bữa tiệc, công việc tại đơn vị vẫn tiếp tục. Như bao người nghỉ hưu khác, ông Dương dần bị guồng quay cuộc sống cuốn đi khỏi trí nhớ của nhiều đồng nghiệp. Chỉ có anh Linh vẫn giữ thói quen ghé thăm thầy cũ, mang theo giỏ trái cây và vài món quà bình dân, ngồi lại ăn bữa cơm giản dị và trò chuyện như những người thân quen.
Thời gian trôi qua, đơn vị tổ chức đợt tuyển chọn cán bộ mới. Anh Linh là ứng viên sáng giá, nhưng bị gây khó dễ bởi sự sắp xếp ngầm: một đồng nghiệp khác, tuy năng lực kém hơn, nhưng “có quan hệ tốt” với cấp trên nên đã được nhắm trước cho vị trí ấy. Anh Linh cũng được lãnh đạo nhắn nhủ khéo về điều này từ trước.
Thế nhưng, kết quả sau cùng khiến tất cả bất ngờ. Ngày thông báo đưa ra, anh Linh mới là người trúng tuyển, còn “người được chọn trước” lại bị loại.
Hóa ra, một lãnh đạo cấp cao ở tổng công ty – tình cờ họ mang họ Dương – đã gọi điện trao đổi riêng với người đứng đầu đơn vị. Người này không nhắc đến hay đề cử tên tuổi của bất cứ ai, mà chỉ đề nghị công bằng trong việc tuyển dụng, trao cơ hội có người có thực tài hơn.
Nghe lý do xong, mọi người chợt nhớ về “người thầy cũ” năm xưa cũng mang họ Dương, rồi dần vỡ lẽ. Không ai biết chắc cả hai có phải là một, nhưng sau tất cả, anh Linh có đủ năng lực để ngồi vào vị trí này nên mọi người đều nhanh chóng tán thành, vui mừng cho sự thăng chức của anh.
Câu chuyện nhỏ này đã khơi gợi nhiều suy ngẫm về cách con người đối xử với nhau trong môi trường làm việc. Nó cho thấy rằng, đằng sau những cơ chế khô khan, nơi lợi ích thường là kim chỉ nam cho mọi quyết định, vẫn còn tồn tại những giá trị cốt lõi của đạo làm người: biết ơn, trung thực, không vụ lợi.
Trong quan hệ giữa người với người, chính sự chân thành, biết trân trọng những gì người khác dành cho mình mới tạo ra được những mối quan hệ vững bền, lâu dài. Lòng biết ơn không thể ép buộc, cũng không thể giả vờ. Nó thể hiện qua những hành động cụ thể, đôi khi chỉ là một bữa cơm, một lời cảm ơn đúng lúc. Nhưng nếu làm từ tâm, không toan tính, những điều ấy sẽ để lại dấu ấn lâu dài, thậm chí làm thay đổi cả cuộc đời của một người.
Cuối cùng, như một bài học thầm lặng, câu chuyện cũng cho thấy: trong cuộc sống, những việc làm tử tế luôn có hồi đáp. Có thể không phải ngay lập tức, nhưng khi con người cư xử với nhau bằng sự thật lòng, điều tốt sẽ tìm đường quay trở lại. Như cây vô tình cắm xuống đất, nhưng rồi vẫn nảy chồi xanh, sự tử tế cũng vậy, lặng lẽ, nhưng mạnh mẽ và lâu bền.
(*Nguồn: Sohu)