Nhảy đến nội dung
 

Lời nguyền hôn nhân với Sa hoàng trẻ tuổi

Trong cuốn sách “Peter Đại đế - Sự trỗi dậy của Đế quốc Nga”, nhà Sử học Robert K. Massie cho độc giả thấy chân dung của một con người vĩ đại, nhà lãnh đạo kiệt xuất cùng bức tranh sống động về nước Nga thế kỷ XVIII với những đổi thay vượt bậc trong tất cả lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự tới văn hóa, giáo dục…

Giữa lớp học và vui chơi ở Điện Kremlin và Kolomenskoe, cuộc đời của Peter trôi qua một cách bình lặng trong suốt 6 năm (1676-1682) dưới triều đại của Fyodor. Fyodor có vẻ rất giống cha mình - bình tĩnh, nhẹ nhàng, lịch thiệp, bao dung, tương đối thông minh và được giáo dục bởi các học giả hàng đầu thời đó. Thật không may, căn bệnh giống như bệnh scorbut của ông thường xuyên buộc ông phải nằm ngửa để cai trị nước Nga.

Tuy nhiên, Fyodor đã thực hiện một cuộc cải cách lớn, bãi bỏ hệ thống ưu tiên dòng dõi, vốn luôn là gánh nặng của nền hành chính công. Hệ thống cũ quy định quý tộc chỉ được đảm nhiệm chức vụ tương ứng đẳng cấp, gây ra mâu thuẫn và cản trở người có năng lực vào được vị trí quan trọng. Trong thế kỷ XVII, các Sa hoàng phải tạm bỏ hệ thống này để triển khai quân đội, với mệnh lệnh dựa trên thành tích, không phải địa vị.

Fyodor muốn biến việc miễn trừ tạm thời thành vĩnh viễn. Ông chỉ định ủy ban đề nghị bãi bỏ vĩnh viễn quyền ưu tiên và triệu tập hội đồng đặc biệt gồm các đại quý tộc, giáo sĩ để thúc đẩy việc này. Thượng phụ ủng hộ, và dù miễn cưỡng, các đại quý tộc đồng ý từ bỏ đặc quyền cấp bậc. Fyodor ra lệnh giao nộp các tài liệu liên quan và đốt chúng trước sự chứng kiến của Sa hoàng, Thượng phụ và hội đồng.

Peter Dai de anh 1

Tranh mô phỏng chân dung Sa hoàng Fyodor. Ảnh: Britannica.

Ông quy định chức vụ sẽ dựa trên thành tích, không phải xuất thân, nguyên tắc mà Peter sau này cũng áp dụng cho chính quyền. (Trớ trêu thay, nhiều đại quý tộc khi nhìn thấy những đặc quyền cổ xưa của mình tan thành mây khói, đã thầm nguyền rủa Fyodor và gia đình Miloslavsky, coi chàng trai trẻ Peter như một vị cứu tinh tiềm năng cho những lối sống cũ.)

Mặc dù đã kết hôn hai lần, Fyodor vẫn qua đời mà không có người thừa kế. Vợ đầu của ông qua đời khi sinh con, và đứa trẻ cũng không sống sót. Sức khỏe giảm sút của Fyodor khiến gia đình Miloslavsky lo lắng, thúc giục ông kết hôn lần nữa. Dù bác sĩ cảnh báo hôn nhân có thể khiến ông chết, Fyodor vẫn cưới cô gái 14 tuổi xinh xắn Marta Apraksina. Cô yêu cầu cha đỡ đầu của mình, Matveev, được ân xá như điều kiện hôn nhân. Fyodor đồng ý nhưng qua đời chỉ hai tháng rưỡi sau đám cưới.

Kể từ khi Mikhail Romanov lên ngôi năm 1613, mỗi Sa hoàng đều được kế vị bởi con trai cả còn sống của mình: Mikhail được con trai cả còn sống của ông là Aleksey kế vị, và Aleksey được kế vị bởi con trai cả còn sống của ông là Fyodor. Trong mỗi trường hợp, trước khi qua đời, Sa hoàng đều chính thức giới thiệu người con trai cả với người dân và chỉ định anh ta là người thừa kế ngai vàng. Nhưng bây giờ, Fyodor đã chết mà không có con trai hay chỉ định người thừa kế.

Hai ứng cử viên còn sống sót là Ivan, cậu em trai mười sáu tuổi của Fyodor, và Peter lên mười tuổi, em trai cùng cha khác mẹ của Fyodor. Thông thường, Ivan, người hơn Peter 6 tuổi và là con trai người vợ đầu tiên của Aleksey, sẽ là sự lựa chọn không thể tranh cãi.

Nhưng Ivan gần như bị mù, đi khập khiễng và nói năng khó khăn, trong khi Peter lại năng động, thông minh và cao lớn so với lứa tuổi của mình. Quan trọng hơn, các nhà đại quý tộc biết rằng dù bất cứ chàng trai nào lên ngôi, quyền lực thực sự sẽ nằm trong tay người nhiếp chính. Đến bây giờ, hầu hết bọn họ đều phản đối Ivan Miloslavsky và ưa thích Matveev, người mà dưới quyền nhiếp chính trên danh nghĩa của Hoàng hậu Natalya, sẽ nắm giữ quyền lực nếu Peter trở thành Sa hoàng.

Quyết định được đưa ra ngay sau khi các đại quý tộc tiễn biệt Sa hoàng Fyodor. Từng người một, các đại quý tộc đi ngang qua chiếc giường nơi Sa hoàng đã chết nằm, dừng lại hôn bàn tay trắng lạnh. Sau đó, Thượng phụ Joachim và các giám mục của ông bước vào căn phòng đông người, và Joachim đặt ra câu hỏi trang trọng: “Ai trong hai hoàng tử sẽ là Sa hoàng?” Những cuộc tranh cãi nổ ra ngay sau đó. Một số ủng hộ phe Miloslavsky, cho rằng quyền thừa kế của Ivan là mạnh mẽ nhất; những người khác cho rằng việc tiếp tục cai trị nhà nước Nga từ trên giường bệnh là không thực tế và ngu ngốc. Cuộc tranh luận trở nên sôi nổi, và cuối cùng, giữa tiếng ồn ào, vang lên một câu nói: “Hãy để người dân quyết định!”

Về lý thuyết, “người dân” ở đây có nghĩa là Sa hoàng phải được bầu bởi Zemsky Sobor, nghĩa đen là “Hội đồng của Đất đai”, tập hợp các quý tộc, thương gia và thị dân từ khắp các vùng của Công quốc Moskva (Muscovite). Zemsky Sobor vào năm 1613 đã thuyết phục Mikhail Romanov khi ấy mới 16 tuổi chấp nhận lên ngai vàng và đã phê chuẩn quyền kế vị của Aleksey. Nhưng một hội đồng như vậy không thể tập hợp được trong nhiều tuần. Vì vậy vào thời điểm đó, “người dân” có nghĩa là đám đông người dân Moskva tụ tập bên ngoài cửa sổ cung điện.

Tháp chuông Ivan Đại đế vang tiếng chuông, Thượng phụ, các giám mục và đại quý tộc bước đến hiên trên đỉnh Cầu thang Đỏ nhìn ra Quảng trường Nhà thờ. Nhìn ra đám đông, Thượng phụ kêu lên: “Sa hoàng Fyodor Alexeevich đã băng hà. Ông không để lại người thừa kế nào ngoài anh em mình, Tsarevich Ivan Alexeevich và Tsarevich Peter Alexeevich. Các ngươi sẽ trao quyền cai trị cho ai trong hai hoàng tử? Có những tiếng hét lớn “Peter Alexeevich” và một vài tiếng kêu “Ivan Alexeevich”, nhưng những tiếng hét gọi Peter trở nên to hơn và át đi những tiếng khác. Thượng phụ cảm ơn và ban phúc cho đại chúng. Sự lựa chọn đã được quyết định.

Bên trong, vị vua 10 tuổi mới được bầu đang chờ đợi. Mái tóc xoăn ngắn ôm lấy khuôn mặt tròn rám nắng với đôi mắt đen to, đôi môi đầy đặn và cái mụn cóc ở má phải. Cậu đỏ mặt ngượng ngùng khi Thượng phụ đến gần và bắt đầu nói chuyện với cậu. Người đứng đầu nhà thờ chính thức tuyên bố về cái chết của Sa hoàng, việc cuộc bầu cử đã chọn cậu và kết luận: “Nhân danh toàn thể người dân Chính thống giáo, tôi cầu xin ngài hãy trở thành Sa hoàng của chúng tôi.”

Ban đầu, Peter từ chối, nói rằng cậu còn quá trẻ và anh trai cậu có khả năng cai trị tốt hơn. Thượng phụ nhấn mạnh rằng: “Lạy Chúa, xin đừng từ chối lời thỉnh cầu của chúng con.” Peter im lặng, mặt cậu càng đỏ. Nhiều phút trôi qua. Dần dần, những người trong phòng hiểu rằng sự im lặng của Peter có nghĩa là cậu đã chấp nhận.

Cuộc khủng hoảng đã qua. Peter là Sa hoàng, mẹ ông sẽ nhiếp chính và Matveev sẽ cai trị. Đây là điều mọi người có mặt đều tin tưởng vào cuối ngày hỗn loạn đó. Nhưng họ đã tính toán mà không nghĩ đến Công chúa Sophia.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn