Nhảy đến nội dung

Lá thư của bé gái lớp 5 khiến hàng trăm phụ huynh rơi nước mắt: Không cần 3 điều, chỉ muốn 1 thứ đơn giản duy nhất

Đây là điều rất đơn giản nhưng bao nhiêu cha mẹ đã bỏ qua?

Mạng xã hội mới đây lan truyền câu chuyện cảm động của một bé gái lớp 5, viết thư gửi mẹ sau khi bị phạt vì điểm kém. Trong bức thư ngắn, em bày tỏ nỗi buồn và mong mẹ hiểu rằng điều em cần là một cái ôm an ủi, chứ không phải những lời trách mắng hay đòn roi, và em cũng mong mẹ bớt thiên vị hơn một chút.

Đứa trẻ này cho rằng, khi hai chị em xảy ra chuyện, mẹ đều bênh em. Cái gì mẹ cũng bắt nhường em.

Em viết: "Năm nay học kì 1 tôi được 9 với 10 điểm, em tôi được 7 với 8, về mẹ tôi cũng không nói gì. Nhưng cuối kì 2 tôi được 10 hết, chỉ có điểm 7 môn tiếng Anh, mẹ tôi đánh tôi chửi tôi. Tôi cũng nhẫn nhịn vì đó là những điều tôi hay gặp khi bị điểm 7, 8. Tôi cũng tự trách mình sao không cố gắng học tập để cho ba mẹ phải chửi mình, đánh mình".

Lá thư còn hé lộ tình cảm em dành cho mẹ: "Tôi cũng rất yêu mẹ tôi nhưng cũng có nhiều lúc tôi không yêu lắm... Có một điều tôi muốn nói với mẹ là mẹ ơi, mẹ đừng chửi con nữa nhé. Con xin lỗi mẹ khi con bị điểm thấp để mẹ không vui, để mẹ mắng, mẹ chửi. Con cũng muốn mẹ đừng thiên vị nữa. Không phải con ghét mẹ, con cũng thương mẹ lắm. Con xin lỗi thêm lần nữa vì con bị điểm thấp".

Điều khiến nhiều người lớn lặng người chính là những dòng tâm sự giản dị nhưng đầy u uất: "Con không cần gì cả, con không cần tiền, không cần những món đồ xa xỉ. Con chỉ cần mẹ quan tâm con nhiều hơn, yêu thương con nhiều hơn. Có người nói điểm số không quan trọng, chỉ cần con chăm ngoan, có tình yêu thương của mẹ dành cho con thôi. Câu đó cũng chỉ là con nói mà thôi". Dù mệt mỏi, cô bé vẫn hứa: "Con sẽ cố không bị điểm thấp nữa". Sau cùng, cô bé lại hứa sẽ cố không bị điểm thấp nữa. "Con mệt rồi", em chia sẻ.

Bức thư mộc mạc, ngây thơ nhưng chứa đựng nỗi niềm của không ít đứa trẻ trong xã hội chuộng thành tích ngày nay. Nhiều phụ huynh sau khi đọc xong đã thừa nhận: Chính mình cũng từng cư xử như người mẹ trong câu chuyện, trách phạt con khi điểm số không như mong đợi, với suy nghĩ "nghiêm mới nên người".

Áp lực điểm số và nỗi đau thầm lặng của con trẻ

Người mẹ sau đó cũng lên mạng xã hội chia sẻ tâm sự thật lòng: "Các mẹ ơi, kỳ thi này con em môn Tiếng Anh được 7 điểm, còn các môn khác đều được 10 hết. Em tức quá nên có đánh con 2 cái roi dưới chân. Tại vì bé hay lên xem TikTok. Năm nào con cũng được giấy khen, mặc dù không được học thêm như các bạn.

Năm nay con lớn rồi, lo chơi hơn nên bị điểm thấp. Vì con gái mình, em sợ bị thiệt thòi hơn, nên em đặt nhiều hy vọng vào con hơn. Giống như em bây giờ, làm nhiều mà không dư dả được bao nhiêu, nên em sợ con sau này vất vả như mình, nên hay la con mỗi khi thấy con cầm điện thoại. Giờ bé viết cho em mấy dòng thế này, em đọc được mà khóc rất nhiều. Bé học lớp 5 thôi".

Dù vậy, lời giải thích của người mẹ không nhận được sự cảm thông. Nhiều người cho rằng, chị đã sai trong cách dạy con, vì áp lực thành tích, sĩ diện của bản thân mà khiến con ảnh hưởng tinh thần. Một phụ huynh thẳng thắn nhận xét: "Bạn nói là vì con gái nên đặt nhiều hy vọng hơn. Chính suy nghĩ đó mới làm bé thiệt thòi. Làm mẹ mà không kiềm chế được cảm xúc thì dạy ai? Đẻ con ra, để nó phải viết thư như vậy, chứng tỏ mình sai rồi. Không sai thì sao mà sửa?".

Theo các chuyên gia giáo dục, áp lực học tập cộng với việc bị so sánh hay trừng phạt về điểm số có thể khiến trẻ nảy sinh cảm giác tự ti, lo âu, mất động lực học tập, thậm chí rạn nứt tình cảm với cha mẹ.

Bé liên tục xin lỗi trong thư, ngay cả khi lý do bị mắng (điểm 7) là chuyện rất bình thường với độ tuổi học sinh. Việc một đứa trẻ 10-11 tuổi không chỉ cảm thấy buồn mà còn đổ lỗi hoàn toàn cho bản thân cho thấy em đang bị tổn thương về mặt lòng tự trọng.

Nhiều ý kiến đồng tình rằng, điểm số không còn là thước đo duy nhất. Với họ, quan trọng là con hiểu bài, nắm vững kiến thức, chứ không phải nhất thiết phải được điểm cao. Thay vì trừng phạt, phụ huynh nên cùng con phân tích lỗi sai, khuyến khích con khắc phục. Khen ngợi các môn con được điểm cao cũng giúp trẻ duy trì động lực".

Một bà mẹ kể, khi con chị bị điểm thấp, chị chỉ nhẹ nhàng dặn: "Không sao, lần sau con cố gắng hơn. Không phải con không làm được, chỉ do con ẩu thôi". Thay vì mắng chửi, chị động viên con bằng những mục tiêu rõ ràng và phần thưởng nhỏ, giúp con học với tâm thế vui vẻ.

Một câu hỏi đơn giản như: "Theo con, làm thế nào để cải thiện điểm Tiếng Anh?" sẽ giúp trẻ tự nhìn nhận trách nhiệm, đồng thời cảm thấy được tôn trọng.

Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần dừng việc so sánh giữa các con

Trong lá thư, bé không chỉ một lần nhắc đến mong muốn mẹ "bớt thiên vị". Câu chữ tuy ngây thơ nhưng lại chất chứa sự dồn nén. Có thể thấy rõ tâm tư này không phải bộc phát nhất thời, mà là kết quả của nhiều lần bị tổn thương dồn lại.

Trong tâm lý học trẻ em, cảm giác bị so sánh và đối xử không công bằng trong gia đình chính là một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến tự ti, mặc cảm hoặc thậm chí là rạn nứt tình cảm anh chị em.

Bé gái lớp 5 trong câu chuyện này, ở lứa tuổi bắt đầu ý thức mạnh về cái "tôi", càng nhạy cảm với sự phân biệt. Khi trẻ cảm thấy cha mẹ không đứng về phía mình, hoặc luôn bênh vực người khác, lòng tin vào sự an toàn, sự yêu thương vô điều kiện trong gia đình sẽ bị lung lay. Đây là thứ tổn thương không hiện rõ như vết roi trên da, nhưng lâu dài có thể khiến trẻ khép mình, hoặc phản kháng âm thầm.

Nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không được điều chỉnh, sự thiên vị dù nhỏ trong mắt người lớn lại có thể khắc sâu trong ký ức trẻ nhỏ, ảnh hưởng đến mối quan hệ cha mẹ - con cái và giữa anh chị em với nhau suốt nhiều năm sau.

Chính vì vậy, câu chuyện của cô bé này là lời nhắc nhở không chỉ về cách chúng ta phản ứng với điểm số, mà còn về sự công bằng cảm xúc trong gia đình, thứ mà trẻ con nhạy cảm hơn người lớn tưởng rất nhiều.

Điều quan trọng hơn cả là cha mẹ cần dừng việc so sánh giữa các con. "Mỗi đứa trẻ có thế mạnh riêng, em giỏi môn này, con giỏi môn khác. Việc thiên vị hay so bì không những không giúp con tiến bộ, mà còn gây tổn thương lâu dài, thậm chí khiến trẻ mất niềm tin vào gia đình", một phụ huynh chia sẻ.

Điểm 10 quý giá nhất là tình yêu vô điều kiện

Câu chuyện của bé gái lớp 5 là lời nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng: Đứa trẻ hạnh phúc không phải là đứa trẻ toàn điểm 10, mà là đứa trẻ biết mình được cha mẹ yêu thương vô điều kiện, dù điểm cao hay điểm thấp, dù thành công hay vấp ngã.

Nếu lỡ trách phạt con quá nặng, đừng ngại cúi xuống, ôm con và nói: "Mẹ xin lỗi vì đã nghiêm khắc quá. Mẹ yêu con, dù con được bao nhiêu điểm!". Chính sự thấu hiểu ấy mới là liều thuốc chữa lành cho tâm hồn con trẻ.

Việc dành 15 phút mỗi tối cùng con ôn bài theo cách vui vẻ cũng là cách để cha mẹ đồng hành, tạo nền tảng học tập lành mạnh, thay vì chỉ đòi hỏi thành tích.

Làm cha mẹ chưa bao giờ là hành trình dễ dàng. Nhưng chính những khoảnh khắc nhận ra lỗi lầm, sẵn sàng thay đổi, như người mẹ trong câu chuyện này, mới thực sự là bước đầu của sự trưởng thành, không chỉ cho con trẻ, mà cho cả những người làm cha, làm mẹ.