Không phải người nghỉ hưu trước tuổi nào cũng được hưởng tối đa 75% lương hưu

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết người nghỉ hưu trước tuổi không bị trừ tỉ lệ lương hưu, chứ không phải hưởng 75% tối đa.
Nếu được hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu nêu trong nghị định 178 và nghị định 67, thì người nghỉ hưu trước tuổi hưởng đủ 75% tỉ lệ lương hưu mà không phân biệt đóng bảo hiểm xã hội đủ năm hay không?
Nghỉ hưu trước tuổi vẫn hưởng tối đa 75% lương hưu?
Gửi đến Tuổi Trẻ Online, bạn đọc My Anh Thai cho biết nghị định 178/2024/NĐ-CP và nghị định 67/2025/NĐ-CP quy định một số trường hợp về hưu trước tuổi sẽ không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
Còn Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định lao động nam hưởng lương hưu tỉ lệ 45% (tương ứng với 20 năm đóng bảo hiểm xã hội) và lao động nữ hưởng tỉ lệ 45% (tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội).
Sau đó mỗi năm đóng thêm được tính bổ sung 2% đến khi chạm mức tối đa bằng 75%.
Như vậy, lao động nam phải có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, còn lao động nữ phải có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận lương hưu với tỉ lệ tối đa 75%.
Song luật hiện hành cũng nêu mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi bị giảm 2% tỉ lệ.
Người nghỉ hưu trước tuổi dưới 6 tháng thì không bị giảm trừ, trong khi từ 6-12 tháng thì giảm 1%.
Như vậy, bạn đọc My Anh Thai cho rằng nếu được hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu nêu trong hai nghị định trên thì người nghỉ hưu trước tuổi hưởng đủ 75% tỉ lệ lương hưu khi có quyết định nghỉ hưu, mà không phân biệt đóng bảo hiểm xã hội đủ năm hay không.
Không phải ai cũng hưởng 75% lương hưu
Theo đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam, nghị định 67/2025/NĐ-CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định 178/2024/NĐ-CP về chế độ, chính sách với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong sắp xếp tổ chức bộ máy.
Cụ thể như sau:
- Người nghỉ hưu trước tuổi theo nghị định này được hưởng lương hưu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội mà không bị trừ tỉ lệ lương hưu.
- Cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ giải quyết chế độ dựa trên hồ sơ gồm sổ bảo hiểm xã hội và quyết định nghỉ hưu do đơn vị sử dụng lao động chuyển đến.
- Người thôi việc theo điều 9 và 10 của nghị định 178 có thể bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đóng tiếp, hưởng chế độ khi đủ điều kiện hoặc nhận bảo hiểm xã hội một lần.
- Việc xét duyệt đối tượng và trợ cấp cho người nghỉ hưu trước tuổi, trợ cấp thôi việc theo nghị định 178 do cơ quan, đơn vị quản lý công chức, viên chức, người lao động thực hiện.
Dù người về hưu trước tuổi không bị trừ tỉ lệ lương hưu, lao động muốn hưởng tỉ lệ 45% phải đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội ở nam và 15 năm ở nữ.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động được tính thêm 2% cho đến khi chạm mức tối đa bằng 75%.
“Như vậy, lao động nam phải có 35 năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ phải có 30 năm đóng bảo hiểm xã hội mới được nhận lương hưu tối đa 75%”, đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định.
Chẳng hạn, nam công chức cấp xã sinh năm 1967, tuổi nghỉ hưu chính thức là 62 tuổi. Nếu nghỉ hưu theo nghị định 67, tỉ lệ hưởng lương hưu của người này là 47% do chỉ đóng bảo hiểm xã hội được 21 năm.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ người về hưu trước tuổi hiện hành (nghị định 67) hay trước đây (nghị định 108/2014/NĐ-CP) đều quy định không bị trừ tỉ lệ do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Tuy nhiên, tỉ lệ hưởng lương hưu căn cứ theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội.