Warren Buffett thông báo rời ghế chủ tịch, cổ phiếu Berkshire lao dốc 3 tháng liên tiếp: Chuyện gì đang xảy ra với 'cỗ máy in tiền' của vị huyền thoại đầu tư?

Cổ phiếu loại B của Berkshire hiện đang trên đà khép lại tháng 7 với tháng giảm thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi tháng giao dịch tiêu cực dài nhất kể từ tháng 6/2022.
Sau khi Warren Buffett tuyên bố kế hoạch chuyển giao quyền lực vào đầu tháng 5, cổ phiếu của Berkshire Hathaway đã liên tục trượt dốc. Cụ thể, cổ phiếu loại B của tập đoàn đã giảm hơn 12% kể từ ngày 3/5, chỉ còn ghi nhận mức tăng 4,5% từ đầu năm đến nay, thấp hơn đáng kể so với mức tăng 7% của chỉ số S&P 500 trong cùng kỳ.
Cổ phiếu loại B của Berkshire hiện đang trên đà khép lại tháng 7 với tháng giảm thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi tháng giao dịch tiêu cực dài nhất kể từ tháng 6/2022. Tình trạng này càng trở nên đáng lo ngại khi cổ phiếu vừa rơi xuống dưới đường trung bình động 200 ngày, một chỉ báo kỹ thuật quan trọng, lần đầu tiên sau 573 ngày liên tục ở trên ngưỡng này, chuỗi dài nhất kể từ khi loại cổ phiếu này được phát hành vào năm 1996.
Giới đầu tư tỏ ra thận trọng khi “nhà tiên tri xứ Omaha” chính thức xác nhận việc rút khỏi vai trò điều hành. Việc Buffett ra đi không chỉ đặt dấu chấm hết cho một trong những sự nghiệp đầu tư huyền thoại nhất lịch sử Mỹ, mà còn khiến thị trường đặt câu hỏi về khả năng tiếp tục duy trì thành tích vượt trội của Berkshire trong tương lai.
Trong thư gửi cổ đông năm 2023, Buffett từng cảnh báo không nên kỳ vọng vào mức sinh lời vượt trội quá lớn. Ông thẳng thắn cho biết khối tiền mặt khổng lồ của Berkshire khiến việc tìm kiếm các khoản đầu tư đủ lớn để tạo tác động trở nên vô cùng khó khăn.
“Với cơ cấu kinh doanh hiện tại, Berkshire có thể sẽ hoạt động tốt hơn một chút so với doanh nghiệp Mỹ trung bình và quan trọng hơn, sẽ ít rủi ro mất vốn vĩnh viễn hơn. Nhưng kỳ vọng vượt xa mức ‘hơn một chút’ là điều không thực tế,” Buffett viết.
Dù vậy, di sản đầu tư mà Warren Buffett để lại vẫn là điều không thể chối cãi. Kể từ khi tiếp quản Berkshire vào năm 1965, ông đã biến tập đoàn này thành một đế chế đa ngành, sở hữu tới 60 công ty trải rộng trên 40 lĩnh vực, từ đường sắt BNSF đến thương hiệu kẹo See’s Candy. Trong suốt 6 thập kỷ, Berkshire ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng 5.502.284%, gần gấp đôi mức lợi suất trung bình hàng năm của S&P 500.
Giờ đây, trong bối cảnh thị trường biến động và lãnh đạo mới của Berkshire chuẩn bị lên thay, nhà đầu tư đang dõi theo với tâm thế vừa kỳ vọng, vừa dè dặt. Câu hỏi lớn đặt ra: Liệu “cỗ máy kiếm tiền” Berkshire có còn duy trì được quỹ đạo tăng trưởng bền vững như dưới thời Buffett, hay đây sẽ là bước chuyển mình sang một kỷ nguyên thận trọng hơn?
Tham khảo CNBC