Tiếng khóc từ vùng lũ

(Dân trí) - Cơn lũ lịch sử tràn qua xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn cũ), tỉnh Nghệ An cuốn phăng hàng trăm ngôi nhà, phá nát công trình dân sinh, để lại cảnh hoang tàn và những tiếng kêu cứu nghẹn ngào giữa bùn đất.
Ba ngày sau cơn lũ lịch sử, xã biên giới Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn cũ), tỉnh Nghệ An vẫn bị cô lập. Hàng trăm ngôi nhà bị cuốn trôi, nhấn chìm, tài sản mất trắng, đẩy người dân vào cảnh màn trời chiếu đất, đối mặt với muôn vàn khó khăn.
Những chuyến bay trực thăng chở nhu yếu phẩm, thuốc men được điều động khẩn cấp, thả xuống từng điểm bản.
Dưới lớp bùn non ngập lút bắp chân, những người đàn bà, ông lão, đứa trẻ lặng lẽ đào bới, tìm kiếm chút tài sản còn sót lại. Nhưng phần lớn họ trở về với hai bàn tay trắng và những giọt nước mắt.
Ông Lương Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý, kể: “Từ khoảng 17h ngày 22/7, nước lũ ầm ầm đổ về. Chỉ trong vài tiếng, nhiều bản làng bị nhấn chìm, nước dâng cao hơn 10m, bà con chỉ kịp bồng bế nhau chạy lên đồi”.
Theo thống kê sơ bộ, toàn xã có 162 ngôi nhà bị cuốn trôi, sập hoàn toàn; 184 căn ngập nặng, bùn phủ đặc từ nền lên đến mái, 12 nhà bị sạt lở. Nhiều hộ mất sạch lương thực, quần áo, giấy tờ, ảnh thờ… Cuộc sống của gần 1.000 hộ dân bị đảo lộn hoàn toàn.
Trạm Y tế xã Mỹ Lý, một trong những công trình kiên cố nhất địa phương, cũng bị lũ đánh sập hoàn toàn. Các tuyến đường liên bản bị xé toạc, cầu tràn gãy nát, trường học hư hỏng nặng. Xã bị cô lập hoàn toàn, không điện, không sóng điện thoại, không đường bộ tiếp cận.
Chiều 24/7, trực thăng quân đội được điều đến thả từng bao gạo, thùng nước, thuốc men xuống khu vực trung tâm xã và các bản trọng yếu. Tuy nhiên, với gần 1.000 hộ dân đang cần cứu trợ khẩn cấp, số lượng này chỉ như “muối bỏ bể”.
“Chúng tôi rất cảm kích sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng thực sự cần nhiều hơn thế để cứu dân” ông Bảy tha thiết kêu gọi.
Tại bản Xiềng Tắm, bà Vi Thị Bảy (44 tuổi) run rẩy giữa lớp bùn lầy, nước mắt giàn giụa nhìn khoảng đất trống nơi từng là ngôi nhà của mình.
“Nhà trôi rồi, gạo hết rồi, con cái tôi giờ chẳng còn manh áo khô để mặc. Xin cứu dân với, cứu con tôi với. Tôi không biết lấy gì để sống nữa”, bà nói, rồi sụp xuống khóc nức nở.
Cách đó không xa, bà Lô Thị Tâm nghẹn ngào: “Lũ cuốn hết, nhà cửa, lợn gà, cả cái nồi nấu cơm cũng không còn. Suốt đời tôi chưa từng thấy trận lũ nào tàn phá như vậy. Chúng tôi cần thuốc men, gạo muối, và cả hy vọng nữa”.
"Nhà tôi trôi sạch, không còn lấy một thứ gì! Áo mặc cũng không có, tôi phải đi xin người ta cho để có cái mà mặc…", bà Kha Thị Ly, xã Mỹ Lý nghẹn ngào nói.
Trong nền trời xám đục, dòng sông Nậm Nơn vẫn cuộn xiết, bùn đất ngầu đục chảy qua những bãi hoang từng là vườn tược, ruộng nương. Tiếng khóc trẻ con chen lẫn tiếng gọi nhau khi phát hiện thêm một thi thể trâu, bò dạt vào khe đá. Không ai còn bình thản sau trận lũ dữ.
Lực lượng bộ đội biên phòng lội bùn tiếp cận bản Hòa Lý, mang theo gạo, nước sạch và mì tôm. Những bàn tay gầy guộc vươn ra nhận túi hàng như níu lấy phao giữa biển dữ.
Xã Mỹ Lý từng là vùng đất trù phú bên sông Nậm Nơn, nơi bà con làm ăn yên ổn với nhà sàn kiên cố, con trẻ tới lớp đầy đủ. Sau cơn lũ dữ, tất cả giờ chỉ còn là ký ức.
Người dân nơi đây đang rất cần sự tiếp sức, không chỉ là gạo muối và thuốc men, mà còn là tình người, là hy vọng để họ đứng dậy sau cơn hoạn nạn tàn khốc nhất trong đời mình.