Sai lầm khiến Hamas lâm cảnh khánh kiệt

Một tháng sau khi tiến hành cuộc đột kích quy mô lớn vào miền nam Israel ngày 7/10/2023, châm ngòi cho chiến dịch tấn công đáp trả của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào Dải Gaza khiến hàng nghìn người thiệt mạng, nhiều gia đình bị xóa sổ, các lãnh đạo Hamas tin rằng đây là cái giá cần thiết cho cuộc đấu tranh.
"Chúng tôi cần phải thay đổi tình hình", Khalil al-Hayya, thành viên cơ quan lãnh đạo cấp cao Hamas, tuyên bố ở Doha, Qatar hồi tháng 11/2023. "Chúng tôi đã thành công trong việc đưa vấn đề Palestine lên bàn đàm phán và giờ đây không ai ở Trung Đông có thể thờ ơ nữa".
"Tôi tin rằng thế giới Arab sẽ sát cánh cùng chúng tôi", Taher El-Nounou, một cố vấn truyền thông của Hamas, nói lúc đó.
Ibrahim Madhoun, nhà phân tích tại Gaza có quan hệ thân cận với Hamas, cho hay khi đưa ra những tuyên bố này, giới lãnh đạo Hamas tin rằng cuộc chiến quy mô lớn với Israel sẽ không kéo dài quá một năm. Israel sẽ phải rút quân, chấm dứt các hành động quân sự khi đối mặt với tổn thất lớn, trong khi Hamas có thể đứng vững nhờ sự hậu thuẫn của các đồng minh trong khu vực.
Nhưng những tính toán này của Hamas đều sai lầm. Chiến sự tới nay đã kéo dài 20 tháng và chưa có dấu hiệu sớm chấm dứt. Các lực lượng dân quân Trung Đông từng tuyên bố ủng hộ Hamas mạnh mẽ đều đã suy yếu sau các cuộc chiến với IDF. Iran, bên hậu thuẫn "Trục Kháng chiến" ủng hộ Hamas, cũng chịu nhiều tổn thất sau nhiều ngày giao tranh với Israel.
Theo Oded Ailam, cựu sĩ quan tình báo cấp cao Israel, với tình trạng ngân quỹ cạn kiệt, cánh quân sự của Hamas hiện không thể trả lương thỏa đáng cho các tay súng của mình. Nhóm cũng không thể thay thế các đường hầm và trung tâm chỉ huy ngầm đã bị lực lượng Israel phá hủy.
Hồi tháng 5, trước khi bị hạ sát sau một cuộc không kích, Mohammed Sinwar, chỉ huy quân sự của Hamas, đã ẩn náu trong căn hầm nằm sâu 9 m bên dưới một bệnh viện ở phía nam Gaza.
Căn hầm đơn giản này khác xa so với khu phức hợp ngầm rộng lớn mà quân đội Israel từng tìm thấy ở phía bắc Gaza, với các căn phòng lát gạch trắng, cửa chống nổ, hệ thống thông gió và không gian rộng để chứa vũ khí.
"Hamas không còn khả năng xây lại đường hầm, không trả lương cho các thành viên tinh nhuệ, họ chỉ đơn giản là đang tồn tại", Ailam nói.
Một quan chức quân sự Israel cho hay Hamas đã mất 90% đội ngũ lãnh đạo và 90% kho vũ khí trong suốt cuộc xung đột.
Một cảnh sát thuộc Hamas và hai người dân Gaza cho hay chính quyền Hamas không còn có thể trả lương cho lực lượng an ninh và nhân viên hành chính ở dải đất, nơi nhóm quản lý từ năm 2007, hay chi trả trợ cấp tử tuất cho gia đình các tay súng đã thiệt mạng.
Nhà phân tích Madhoun nhận định Hamas lâm vào tình cảnh khánh kiệt như vậy vì nhóm không lường trước được rằng cuộc chiến có thể kéo dài đến thế, nên không chuẩn bị nguồn lực phù hợp.
Khi nguồn lực cạn kiệt, Hamas buộc phải áp dụng các biện pháp thắt lưng buộc bụng, như cắt giảm chi phí hành chính và lương bổng. Để giải quyết một phần khó khăn, Hamas cũng tìm cách huy động quyên góp từ cộng đồng địa phương và "mạng lưới các mối quan hệ", song nguồn thu này không thực sự đáng kể.
Trước khi xung đột bùng phát, nguồn tài chính của Hamas chủ yếu đến từ việc đánh thuế các lô hàng thương mại vào Gaza, cũng như kiểm soát hàng hóa viện trợ.
Một nhà thầu từng làm việc tại các cửa khẩu biên giới của Gaza cho hay Hamas định kỳ thu khoảng 6.000 USD từ các thương nhân địa phương, đe dọa tịch thu xe tải của họ nếu không chịu trả tiền.
Một phóng viên kinh tế ở khu vực cho biết trước chiến sự, "nhiên liệu và thuốc lá là những mặt hàng bị đánh thuế cao nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất cho chính quyền Hamas ở Gaza". Một doanh nhân Gaza cho biết Hamas đã áp thuế ít nhất 20% đối với nhiều mặt hàng.
Khi chiến sự với Israel nổ ra, ngoài đánh thuế hàng hóa, Hamas còn kiếm tiền bằng cách cho phép các thương nhân liên kết với nhóm bán các mặt hàng thiết yếu như đường và bột mì với giá cao.
Phóng viên kinh tế Gaza, người giấu tên vì sợ bị trả đũa, xác nhận thực trạng trên. Ông cho biết đôi khi Hamas sẽ hạn chế nguồn cung trên thị trường bằng cách ra lệnh trì hoãn phân phối hàng viện trợ trong vài ngày, từ đó đẩy giá lên cao.
Nhưng khi Israel phong tỏa hàng viện trợ vào Gaza từ hồi tháng ba, doanh thu của Hamas đã sụt giảm nghiêm trọng. Theo một quan chức quân sự Israel, Tel Aviv và Washington hồi tháng 5 thành lập Quỹ Nhân đạo nhằm hỗ trợ lương thực cho khu vực và điều này càng khiến nguồn thu quan trọng của Hamas bị siết lại.
Khi áp lực quân sự và tài chính lớn dần lên, Hamas đối mặt với tình trạng niềm tin ngày càng suy giảm trong nền tảng ủng hộ ở Gaza.
Theo Rami, nhân viên 40 tuổi làm việc cho chính quyền do Hamas điều hành, bầu tâm lý giận dữ hiện nay trên các đường phố Gaza khác biệt rõ rệt so với tinh thần lạc quan vào giai đoạn đầu xung đột, khi "chúng tôi tin rằng mình đang đứng trước ngưỡng cửa giải phóng Palestine hoặc đạt được một thắng lợi lớn".
"Những đánh giá sai lầm của Hamas và việc họ không lường trước hậu quả từ xung đột đã góp phần đáng kể dẫn tới thảm họa hiện nay", Rami nhấn mạnh.
Adam Boehler, đặc phái viên Mỹ về vấn đề con tin ở Gaza, ngày 21/7 hối thúc Hamas chấp nhận thỏa thuận với Israel và phóng thích những con tin còn lại để chấm dứt cuộc chiến.
Các bên trung gian đàm phán gồm Mỹ, Qatar và Ai Cập cũng đang chờ câu trả lời từ Hamas về đề xuất thỏa thuận ngừng bắn với Israel, trong đó nhóm này chấp thuận trả tự do cho 10 con tin còn sống và trao trả 18 thi thể con tin. Tuy nhiên, Hamas chưa lên tiếng về đề xuất này.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)