Nhảy đến nội dung
 

Nhật Bản tìm cách siết quản lý người nước ngoài

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba ngày 15/7 thành lập nhóm chuyên trách mang tên Văn phòng Thúc đẩy Một xã hội chung sống hài hòa với người nước ngoài (OPSHCFN).

Ông mô tả văn phòng mới là "trung tâm chỉ huy", chịu trách nhiệm điều phối các chính sách cho cả công dân Nhật Bản và người nước ngoài sinh sống, học tập, làm việc ở quốc gia này. Thủ tướng Ishiba thêm rằng Văn phòng sẽ quản lý các lĩnh vực như nhập cư, việc mua nhà đất của người nước ngoài, cũng như các khoản nợ bảo hiểm xã hội.

Ông cho biết quyết định thành lập OPSHCFN được đưa ra sau khi Nhật Bản chứng kiến "các hành vi phạm tội hoặc gây phiền toái từ một số người nước ngoài", cũng như việc các hệ thống của chính phủ được sử dụng "không phù hợp". Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ có "hành động nghiêm khắc" đối với những người nước ngoài không tuân thủ pháp luật sở tại.

Hiện chưa rõ các biện pháp xử lý người vi phạm sẽ thế nào, song chính phủ Nhật Bản tháng trước cho biết sẽ sửa đổi chính sách để cấm cấp thị thực và nhập cảnh đối với những khách du lịch và người nước ngoài không thanh toán đầy đủ cho dịch vụ y tế mà họ sử dụng ở Nhật.

Số người nước ngoài ở Nhật đã tăng từ 2,23 triệu lên 3,77 triệu trong thập kỷ qua, nhưng chỉ chiếm 3% trong tổng dân số hơn 120 triệu người của quốc gia Đông Á.

Tuy nhiên, khách du lịch tới Nhật Bản đã tăng đột biến trong vài năm qua. Theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, nước này ghi nhận mức kỷ lục 21,5 triệu lượt khách trong nửa đầu năm nay. Năm ngoái, Nhật Bản là điểm đến được du khách ghé thăm nhiều thứ 8 trên thế giới và đứng đầu châu Á, theo UN Tourism.

Lượng lớn du khách quốc tế đến Nhật Bản tham quan, mua sắm và chụp ảnh đã gây khó chịu cho nhiều cư dân sở tại, khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn. Chính quyền địa phương đã phải tạm đóng một địa điểm ngắm núi Phú Sĩ nổi tiếng sau khi nhiều cư dân khiếu nại. Một khu nghỉ dưỡng suối nước nóng cũng phải đưa ra cảnh báo về mực nước giảm khi nhiều du khách yêu cầu tắm bồn riêng.

Một số cư dân thậm chí đổ lỗi cho khách nước ngoài làm tăng lạm phát và gây ra tình trạng khan hiếm một số mặt hàng, trong đó có gạo, loại lương thực thiết yếu đối với người dân Nhật Bản.

Du khách quốc tế cũng bị cáo buộc trốn đóng bảo hiểm y tế công cộng, trong khi hiện tượng nhà đầu tư nước ngoài lùng mua nhà đất góp phần khiến giá bất động sản trong nước bị thổi lên cao.

Một người nghỉ hưu ở Tokyo, từng làm việc trong công ty thương mại, nói rằng ông tin lao động nhập cư đang cướp mất việc làm của người dân Nhật Bản.

"Họ tới Nhật Bản vì không thể kiếm sống được ở chính quê hương mình. Nhưng vì có nền văn hóa khác nhau, hai bên khó có thể chung sống hòa hợp", cụ ông 78 tuổi nói.

Kouyama Nanami, nhân viên văn phòng 23 tuổi, cho hay cô đọc tin tức thấy có nhiều hỗ trợ và phúc lợi dành cho những người vốn không phải cư dân Nhật Bản. "Tôi nghĩ người Nhật đã không được ưu tiên về các khoản hỗ trợ này", cô nói.

Shunsuke Tanabe, giáo sư xã hội học tại Đại học Waseda ở Tokyo, cho hay nhiều người dân Nhật Bản còn cảm thấy dòng người nhập cư lớn đổ tới nước này đang làm gia tăng tỷ lệ tội phạm, quan điểm mà ông cho là bắt nguồn từ những thông tin sai lệch.

"Có thể thấy rõ rằng khi có nhiều người nước ngoài hơn, họ bắt đầu cho rằng an ninh công cộng cũng đang trở nên tồi tệ hơn. Kết quả là các chính trị gia khi tranh cử đã tận dụng thông tin này để thu hút nhiều người ủng hộ trên mạng xã hội, khiến các cử tri tin rằng các đảng cam kết bảo vệ xã hội khỏi mối đe dọa này là lựa chọn tốt để bỏ phiếu", ông nói.

Ông lưu ý rằng tội phạm ở Nhật Bản đã giảm trong 20 năm qua, bất chấp sự gia tăng về số lượng du khách và người nước ngoài. "Hầu như không có sự khác biệt nào giữa công dân Nhật Bản và người nước ngoài khi nói tới tỷ lệ tội phạm", ông nói.

9.726 người nước ngoài, gồm cả du khách và người nhập cư, bị bắt ở Nhật Bản trong năm 2023, chiếm 5,3% tổng số người phạm tội bị bắt, theo Bộ Tư pháp.

Theo các chuyên gia chính trị, động lực thúc đẩy ông Ishiba thành lập nhóm chuyên trách về người ngoại quốc là vì chiến dịch tranh cử vào Thượng viện đang bước vào giai đoạn nước rút và vấn đề trọng tâm là làn sóng bất bình với người nước ngoài vô kỷ luật trong dư luận Nhật Bản. Cử tri Nhật sẽ đi bầu 124 trên 248 ghế Thượng viện trong cuộc bầu cử ngày 20/7.

Sanseito, một đảng cánh hữu nhỏ đang vận động chống lại người nhập cư và thúc đẩy chính sách "Nhật Bản trước tiên", đã giành được sự quan tâm của dư luận và truyền thông. Đảng mới nổi khó có cơ hội chiếm thế đa số trong cuộc bầu cử sắp tới, nhưng được dự đoán có thể giành 10-15 ghế tại Thượng viện và làm suy yếu vị thế đảng Dân chủ Tự do (LDP) của Thủ tướng Ishiba.

Năm ngoái, LDP và đảng liên minh Komeito lần đầu tiên sau 15 năm để mất thế đa số tại Hạ viện. Ông Ishiba có thể phải đối mặt với áp lực từ chức nếu để mất ưu thế tại Thượng viện trong cuộc bầu cử lần này.

"Các đảng có lập trường chống nhập cư như Sanseito đang tận dụng cơ hội để thúc đẩy nỗi lo ngại của công chúng về nhập cư và người nước ngoài nhằm giành phiếu bầu từ đảng LDP", Jeffrey Hall, giảng viên Đại học Quốc tế Kanda ở Chiba, nói.

Trong chiến dịch vận động tuần trước, lãnh đạo Sanseito Sohei Kamiya nói rằng đảng của ông chỉ muốn làm rõ rằng "thật vô lý khi chi tiền thuê người lao động nước ngoài và giao các doanh nghiệp có lợi nhuận cho họ".

"Đây không phải là về vấn đề phân biệt đối xử hay thù ghét", ông nói.

Hall cho biết quyết định thành lập đơn vị chuyên trách về người nước ngoài có thể giúp LDP chứng minh "họ đang cứng rắn với vấn đề này", nhưng sẽ đối mặt nhiều rủi ro.

"Nếu Nhật Bản trở thành một xã hội giám sát chặt chẽ người nước ngoài đến mức họ cảm thấy không được chào đón, điều đó có thể gây ảnh hưởng bất lợi tới khả năng tuyển dụng lao động nhập cư, vốn là nguồn lực quan trọng của các doanh nghiệp", ông cảnh báo.

Nhật Bản rất cần lao động nước ngoài, khi nước này chưa thể giải quyết bài toán già hóa dân số. Tỷ lệ sinh của nước này đã giảm xuống mức thấp kỷ lục 1,15 vào năm 2024, thấp hơn nhiều mức 2,1 cần thiết để duy trình tình trạng ổn định của dân số. Điều này đồng nghĩa lực lượng lao động sẽ tiếp tục giảm trong thập kỷ tới, đe dọa ảnh hưởng xấu cho nền kinh tế vốn trong tình trạng trì trệ kể từ đầu thập niên 1990.

Để thu hút lao động nước ngoài, chính phủ Nhật Bản đã nới yêu cầu thị thực và cố gắng cải thiện điều kiện cư trú cho người nhập cư. Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, số lượng nhân viên nước ngoài đã đạt mức cao kỷ lục 2,3 triệu vào tháng 10 năm ngoái. Nước này cũng tăng cường cấp thị thực cho người nước ngoài làm việc trong các lĩnh vực như điều dưỡng, hàng không.

Trong thông báo ngày 15/7, ông Ishiba cũng thừa nhận tầm quan trọng của việc duy trì quan điểm cởi mở với người nước ngoài. "Khi Nhật Bản đối mặt với những thách thức về tỷ lệ sinh giảm và dân số già, điều cần thiết với chúng ta là phải đón nhận một số lượng nhất định lao động nước ngoài và mở rộng du lịch, đảm bảo quá trình thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng", ông nói.

Thùy Lâm (Theo NHK, CNN)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn