Mùa báo điểm thi: Điểm số quan trọng, nhưng có phải là tất cả?

Đang trong những ngày báo điểm thi tốt nghiệp THPT của thí sinh, phụ huynh xôn xao điểm thi của 'con nhà người ta'. Ở chiều ngược lại là những tiếng thở dài, giọt nước mắt khi điểm số không như ý.
Điểm số có ý nghĩa quan trọng, xét từ góc độ các kỳ thi lớn. Nhưng điểm số có phải là tất cả trong hành trình trưởng thành của con trẻ và trong cuộc đời của mỗi người?
Hôm 6.7 vừa qua, nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, Chủ tịch Hội đồng Trường ICS đã có buổi trò chuyện, trao đổi cùng cô Kiran Bir Sethi, nhà sáng lập trường Riverside (Ấn Độ), nơi được công nhận là Trường học sáng tạo nhất thế giới 2023 và người khởi xướng phong trào Design for Change đã lan tỏa đến hơn 70 quốc gia, về chủ đề "Không chỉ là điểm số - Beyond Grades".
Nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương nêu một băn khoăn: Cha mẹ Á Đông, như Việt Nam, Ấn Độ, đều có chung mong muốn là mong con đạt điểm cao trong các kỳ thi. Là một người mẹ, cô Uyên Phương cũng không ngoại lệ. Nhưng, điểm số, có đủ cho một tương lai phía trước với nhiều biến động hay không?
Chỉ điểm số cao có đủ không?
Cô Kiran Bir Sethi kể lại một kỷ niệm khó quên, khi con của cô 5 tuổi, trong một lần nhà trường phát bảng điểm cho các phụ huynh, mọi người xếp hàng để nhận. Bỗng nhiên có một phụ huynh nhìn qua vai một phụ huynh khác, vừa thấy bảng điểm "con nhà người ta", nhìn xuống bảng điểm con mình, ngay lập tức, chị này quay ra tát con mình một cái "bốp" và quát "Học hành như thế à". Cái tát khiến cô Kiran Bir Sethi giật bắn mình và từ đó luôn thôi thúc ý định mở riêng ngôi trường cho con mình và các trẻ em khác.
Theo cô Kiran Bir Sethi, kiến thức quan trọng nhưng không phải là tất cả. Trong thời đại AI, ChatGPT phổ biến, học sinh có thể dễ dàng có được kiến thức từ học trực tuyến. Có những kỹ năng quan trọng hơn, mà mọi học sinh cần có. Đó là tư duy phản biện, tư duy sáng tạo, tính linh hoạt, dễ thích nghi, sẵn sàng thay đổi... Những điều này được giáo dục qua dạy học dự án, thông qua các hoạt động giáo dục để từ đó trẻ em được ứng dụng kỹ năng để giải quyết vấn đề... Có một thực tế khó có thể chối cãi, đó là chúng ta đã đào tạo được nhiều học sinh điểm cao, làm bài thi tốt nhưng lại thiếu kỹ năng giao tiếp, thiếu kỹ năng làm việc, đến khi đi làm thì không đáp ứng được nhu cầu của nhà tuyển dụng.
Nhà giáo dục tại Ấn Độ cho rằng điểm số không phải là đích đến cuối cùng của giáo dục. Mục đích cao hơn của giáo dục là kết nối thực tế với cuộc sống, vì cuối cùng các con cũng bước ra ngoài cuộc sống, ứng dụng những gì đã học vào cuộc đời, do đó, việc gieo những hạt mầm nhỏ ban đầu về sự ham thích học tập, chủ động học tập, tìm thấy ý nghĩa của việc học tập rất quan trọng.
Khi chúng ta cho con đủ năng lực, các con sẽ không sợ hãi
Tới đây, nhiều cha mẹ hẳn sẽ thắc mắc: "Việc trao các kỹ năng thực dụng cho học sinh là cần thiết, nhưng có đánh mất nền tảng chuyên môn không? Bởi vì khi vào đại học, hay du học thì nhiều trường tốt, tốp đầu, đòi hỏi điểm trung bình (GPA) của học sinh cao?".
Cô Kiran Bir Sethi nói điểm số, kiến thức học thuật quan trọng, nhưng cần xây dựng được cân cân bằng giữa kiến thức và phẩm chất của người học. Kiến thức là phần mềm. Phẩm chất, sự thấu cảm, tinh thần dũng cảm, tính trách nhiệm cần được kiến tạo trong quá trình các con học tập. Bởi nếu chỉ dạy kiến thức không, tạo ra con người thiếu phẩm chất cần thiết thì không đủ để con cảm thấy có một cuộc sống an toàn, hạnh phúc.
"Con gái tôi không học đại học, bạn đang làm cho một cơ quan phi chính phủ (NGO) và tự tin với sự lựa chọn của bạn. Tôi luôn tin rằng khi chúng ta cho con đủ năng lực, các con sẽ không sợ hãi", nhà giáo dục người Ấn Độ nói.
Còn theo nhà giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, hành trình các em học sinh, các bạn trẻ học để có kiến thức, cân bằng được giữa những kiến thức - phẩm chất - năng lực thì không chỉ phó thác hoàn toàn ở nhà trường. Mỗi người phải tự giáo dục chính mình, cha mẹ có thể tự thân giáo dục con toát ra từ tấm gương cha mẹ. Không phải ai cũng có điều kiện để gửi con tới trường này trường kia được xem là tốt, thì việc mỗi cha mẹ, mỗi gia đình tự giáo dục con mình trước tiên, là điều tốt đẹp nhất.