Nhảy đến nội dung
 

Harvard bên bờ vực thâm hụt ngân sách

Chính quyền Trump đã nhắm vào Đại học Harvard với cáo buộc trường không xem xét nghiêm túc những lo ngại về tư tưởng bài Do Thái và các chương trình đa dạng. Washington cắt hàng loạt khoản tài trợ liên bang cho Đại học Harvard, tìm cách rút giấy phép tuyển sinh sinh viên quốc tế và hủy quyền miễn thuế của trường.

Đầu tháng này, Tổng thống Trump ký ban hành "Đạo luật to, đẹp", tăng thuế với quỹ tài trợ của các trường đại học tư thục. Thuế tăng từ 1,4% lên 8% với nhóm trường sở hữu quỹ lớn nhất, trong đó có Harvard.

Chính quyền Trump cắt khoản tài trợ 700 triệu USD một năm dành cho nghiên cứu của Harvard. Số tiền này hỗ trợ công tác nghiên cứu ở các lĩnh vực như ung thư vú, ung thư ruột kết, HIV ở trẻ em và tái tạo chi sau cắt cụt. Trong hồ sơ tòa án hồi tháng 6, trường nhấn mạnh "không thể tự bù đắp khoản thiếu hụt tài trợ này".

Thâm hụt tỷ đô

Trong kịch bản xuất nhất, nếu Harvard bị cấm tuyển du học sinh, mất tất cả tài trợ nghiên cứu liên bang và bị đánh thuế thường niên 8% đối với quỹ tài trợ, trường sẽ chịu thâm hụt ngân sách lên tới một tỷ USD một năm, theo phân tích được WSJ thực hiện dựa trên các dữ liệu công khai.

Harvard duy trì ngân sách thường niên ở mức 6,4 tỷ USD. Theo báo cáo tài chính năm 2024, Harvard có doanh thu từ nhiều nguồn như thu nhập từ quỹ tài trợ (2,4 tỷ USD), học phí bậc đại học và sau đại học (800 triệu USD), các chương trình giáo dục điều hành (600 triệu USD), tài trợ nghiên cứu ngoài chính phủ (300 triệu USD) và các khoản quyên góp hoạt động (500 triệu USD).

Theo phân tích của WSJ, trường đối mặt với nguy cơ thâm hụt ngân sách lớn nếu các kịch bản xấu nhất xảy ra, gồm việc chính phủ Mỹ cắt giảm tài trợ nghiên cứu (-700 triệu USD), tăng thuế đánh vào thu nhập từ quỹ hiến tặng (-240 triệu USD) và sụt giảm tuyển sinh quốc tế (-110 triệu USD).

Dù Harvard có quỹ hiến tặng lên tới 53 tỷ USD, mỗi năm trường chỉ rút lợi tức sinh lời từ việc đầu tư số tiền này (2,4 tỷ USD trong năm 2024) để chi cho các hoạt động thường xuyên, nhằm duy trì quỹ ở trạng thái bền vững lâu dài.

Mức chi thường niên từ quỹ tài trợ của Harvard không phụ thuộc trực tiếp vào lợi nhuận đầu tư từng năm, mà được tính ổn định theo tỷ lệ 4,5–5% trung bình giá trị quỹ trong vài năm gần nhất, nhằm đảm bảo ngân sách hoạt động không biến động mạnh theo thị trường.

80% quỹ hiến tặng của Harvard là tiền được tặng có điều kiện, chỉ được dùng vào mục đích cụ thể theo yêu cầu từ các nhà tài trợ. Nhiều khoản quy định rõ rằng chỉ được dùng tiền lãi sinh ra, không được động vào tiền gốc. Việc tuân thủ các điều kiện này là bắt buộc và được Harvard thực hiện nghiêm ngặt để giữ uy tín với nhà tài trợ và tuân thủ pháp luật.

"Họ có đủ tiền để duy trì một thời gian, nhưng cuối cùng vẫn sẽ phải cắt giảm đáng kể", Robert Kelchen, giáo sư tại Đại học Tennessee, Knoxville, người chuyên nghiên cứu về tài chính giáo dục, nhận định. "Điều này sẽ thay đổi tương lai của trường".

Những con số nói trên giúp phần nào giải thích lý do Harvard bắt đầu đàm phán với chính quyền sau nhiều tháng phản đối. Tình trạng thiếu hụt kéo dài với quy mô như vậy sẽ gây áp lực nặng nề lên khả năng quản lý ngân sách hoạt động của Harvard.

Harvard trước đó đã bác bỏ các yêu cầu thay đổi từ Tổng thống Trump và hai lần kiện chính quyền về việc rút tài trợ nghiên cứu cho trường và lệnh cấm sinh viên quốc tế. Một thẩm phán liên bang đã đình chỉ lệnh cấm song chính quyền Trump cho biết sẽ kháng cáo.

Hiệu trưởng Alan Garber từng chia sẻ với các nhà tài trợ rằng ông lo ngại việc chính phủ cắt giảm tài trợ nghiên cứu có thể làm suy yếu vị thế của Harvard với tư cách là một trong những tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới. Ông dẫn chứng bảng xếp hạng Nature Index, trong đó Harvard giữ vị trí cao, nhưng nhiều thứ hạng dẫn đầu khác hiện do các viện nghiên cứu Trung Quốc nắm giữ.

Harvard cho biết họ đang nỗ lực thúc đẩy tư duy cởi mở trong lớp học và tuyển những sinh viên sẵn sàng đón nhận các quan điểm khác nhau. Theo một bài đăng trên mạng xã hội của Tổng thống Trump, hai bên đã bắt tay vào đàm phán từ giữa tháng 6.

Tuy nhiên, chính quyền Trump hồi đầu tháng thông báo với Harvard rằng trường đã vi phạm luật dân quyền liên bang về cách đối xử với sinh viên Do Thái và Israel, qua đó có nguy cơ bị cắt thêm tài trợ.

Khi được hỏi về những áp lực tài chính đối với Harvard, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay trường sẽ không nhận được tiền tài trợ liên bang "cho đến khi chấm dứt các hành vi phân biệt đối xử và gây hổ thẹn nghiêm trọng. Trong lúc đó, khu vực tư nhân có thể hỗ trợ Harvard".

Trong một tuyên bố, trường cho biết "đã đạt được bước tiến đáng kể trong việc chống lại những định kiến, thù ghét và thiên vị. Chúng tôi không đơn độc khi đối mặt các thách thức đó và công việc này vẫn tiếp diễn".

Đòn bẩy tài chính

Harvard vẫn còn nhiều đòn bẩy tài chính hơn các trường khác, với khoảng 3 tỷ USD dự trữ tiền mặt và họ hoàn toàn có khả năng vay thêm. Trường thường có thặng dư ngân sách qua các năm hoạt động. Doanh thu trong năm tài khóa 2024 vượt chi phí 45 triệu USD. Hồi tháng 4, trường đã vay 750 triệu USD để bù đắp ngân sách và dành 250 triệu USD tiền mặt để tài trợ cho các nghiên cứu bị ảnh hưởng như một biện pháp đối phó tạm thời. Một số trường trực thuộc và trung tâm của Harvard đang tìm kiếm tài trợ từ doanh nghiệp.

Hiệu trưởng Garber cũng nỗ lực kêu gọi quyên góp cho một quỹ mới nhằm giúp trường "có thể linh hoạt giải quyết các nhu cầu cấp bách và cơ hội mới phát sinh".

Đại học còn thành lập một quỹ khác dành riêng cho các nhà tài trợ muốn hỗ trợ nghiên cứu tại trường. "Tôi biết ơn tất cả những ai sát cánh cùng Harvard khi chúng tôi tiếp tục theo đuổi sứ mệnh", Garber viết trong thư kêu gọi gây quỹ hồi tháng 5.

Một số nhà tài trợ lớn đã hỗ trợ Harvard. Nhà đầu tư, tỷ phú Len Blavatnik gần đây trao gần 19 triệu USD cho Trường Y Harvard để tài trợ nghiên cứu khoa học sự sống, theo các nguồn thạo tin.

Dù vậy, các nhà tài trợ lớn khác, những người đã ngừng quyên góp sau cuộc đột kích của Hamas vào Israel hồi tháng 10/2023, vẫn giữ khoảng cách. Họ cho biết muốn thấy Harvard hành động nhanh chóng và quyết liệt hơn nhằm chống lại chủ nghĩa bài Do Thái hoặc thúc đẩy quyền tự do ngôn luận trong trường.

Một lựa chọn khác dành cho Harvard là hội đồng quản trị trường có thể phê duyệt tăng mức rút tiền từ quỹ tài trợ mà không động đến các khoản tiền bị giới hạn. Những năm gần đây, quỹ tài trợ đã cấp hơn 1/3 ngân sách hoạt động hàng năm của Harvard.

Các hành động của chính quyền Trump đã khiến Harvard thu hẹp đáng kể hoạt động. Họ đóng băng việc tuyển dụng mới và Trường Hành chính Kennedy của Harvard đang sa thải nhân viên cũng như giảm ngân sách cho các khoa.

"Harvard đang đứng trước bờ vực thẳm", Ted Mitchell, chủ tịch Hội đồng Giáo dục Mỹ, nhóm thương mại về giáo dục đại học, bình luận.

Ông nhấn mạnh nếu các cuộc chiến pháp lý của trường chống lại chính quyền Trump không thành công, "Harvard và nền giáo dục Mỹ sẽ phải chịu một đòn giáng mạnh, có lẽ không thể khắc phục được".

Nghĩa vụ tài chính

Mặc dù Harvard đang đối mặt nguy cơ thâm hụt ngân sách, trường vẫn có nghĩa vụ tài chính phải hoàn thành: họ phải chuẩn bị tiền để rót vào các quỹ đầu tư tư nhân, trong đó có quỹ mạo hiểm. Đây là nghĩa vụ đã cam kết từ trước với các quỹ quản lý tài sản.

Các nhà quản lý quỹ có thể yêu cầu Harvard cấp hàng trăm triệu USD tiền mặt đã cam kết trước đó vào bất cứ lúc nào. Trường vốn đồng ý chuyển hơn 12 tỷ USD trong thập kỷ tới, khi các cơ hội đầu tư xuất hiện.

Harvard thời gian qua tăng cường rót tiền vào các quỹ đầu tư tư nhân, vốn thường hứa hẹn lợi nhuận cao nhưng kém thanh khoản hơn so với cổ phiếu hay trái phiếu, từ mức 20% quỹ tài trợ vào năm 2019 lên 39% vào năm 2024, theo báo cáo tài chính của trường.

Một phần xu hướng gia tăng này bắt nguồn từ lợi nhuận "khủng" mà trường nhận được vào năm 2021. Song thu nhập từ các khoản đầu tư vào các quỹ tư nhân bắt đầu chững lại vào năm 2022 khi lãi suất tăng và thị trường phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) bị đóng băng.

Harvard đã thu hẹp đầu tư vào các lĩnh vực kém thanh khoản khác như bất động sản hay tài nguyên thiên nhiên.

Trường chấp nhận bán một phần danh mục đầu tư tư nhân với giá chiết khấu. Mùa xuân vừa qua, Harvard đã bán số tài sản tại các quỹ đầu tư tư nhân trị giá một tỷ USD, ở mức thấp hơn 7% so với giá trị sổ sách, theo các nguồn tin am hiểu vấn đề.

Ngay cả một chiến thắng mang tính quyết định tại tòa án cũng chỉ có thể bảo vệ một phần nguồn tài trợ liên bang của Harvard, Aziz Huq, giáo sư luật tại Đại học Chicago, nhận định.

Theo ông, Tổng thống Trump có thể không có thẩm quyền pháp lý để tước đi các khoản tiền nghiên cứu đã được cam kết với Harvard, nhưng trong tương lai, chính quyền của ông chỉ cần từ chối cam kết cấp thêm tiền cũng đủ gây ra khó khăn lớn cho trường.

"Đó chính là mối đe dọa đang lớn dần", giáo sư Huq lưu ý.

Vũ Hoàng (Theo WSJ, AFP, Reuters)

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn