Độc đáo 4 bảo vật quốc gia 1.300 - 1.700 năm tuổi ở Cần Thơ

Hiện có 4 bảo vật quốc gia có niên đại từ thế kỷ 4-7, tức cách đây khoảng 1.300 - 1.700 năm, đang được lưu giữ, trưng bày tại Cần Thơ.
Liên quan đến thông tin "kho báu cổ vật Óc Eo ngàn năm ở Cần Thơ" (thuộc xã Nhơn Nghĩa, H.Phong Điền, TP.Cần Thơ), hiện Bảo tàng Cần Thơ đang lưu giữ, trưng bày 4 bảo vật quốc gia cùng hàng trăm hiện vật cổ khác có niên đại khoảng thế kỷ 4 đến thế kỷ 7. Những hiện vật này không chỉ mang giá trị lịch sử to lớn mà còn thể hiện đỉnh cao nghệ thuật, tín ngưỡng của cư dân Óc Eo.
Linga – Yoni gỗ Nhơn Thành (thế kỷ 5)
Đây là hiện vật độc bản đầu tiên bằng chất liệu gỗ được tìm thấy trong văn hóa Óc Eo ở Nam bộ nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Với hình dạng chữ nhật, khối Linga (biểu hiện tính nam của thần Shiva) nằm trọn trong lòng Yoni (biểu hiện tính nữ) với dáng thuôn dài, đầu nhọn hướng về phía vòi, tác phẩm sống động này tái hiện tín ngưỡng phồn thực sâu sắc, mạnh mẽ của người xưa.
Sự ngẫu hứng, biến tấu và bản địa hóa sâu sắc trên nền tảng giao lưu văn hóa ngoại nhập của một cộng đồng cư dân vùng đồng trũng đã tạo nên nét độc đáo có một không hai cho bảo vật này. Linga – Yoni gỗ Nhơn Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia vào ngày 15.1.2020.
Tượng Phật Nhơn Thành (thế kỷ 4-6)
Được tạc từ một khối gỗ màu nâu đen, bức tượng khắc họa Phật trong tư thế Tribhanga (đứng lệch hông về bên phải) trên tòa sen hai tầng, với từng đường nét mềm mại, thanh thoát. Dấu vết nhục kế (usnisa) trên đỉnh đầu, tóc xoắn ốc và thân khoác áo cà sa dài có dấu vết dát vàng, tất cả cho thấy một kiệt tác độc bản, đại diện cho nghệ thuật tạo hình Phật giáo bằng gỗ đặc sắc trong văn hóa Óc Eo ở ĐBSCL và Nam bộ. Tượng Phật Nhơn Thành được công nhận bảo vật quốc gia ngày 24.12.2018.
Bình gốm Nhơn Thành (thế kỷ 5)
Bình gốm Nhơn Thành là sự kết tinh đỉnh cao của kỹ thuật chế tác gốm thủ công, hòa quyện giữa tư duy thẩm mỹ độc đáo của văn hóa bản địa và sự giao thoa với văn hóa, tôn giáo Ấn Độ. Hiện vật này phản ánh nét đặc trưng riêng của giai đoạn Óc Eo phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ thứ 5, khi một loại hình gốm cao cấp, chỉ dành cho các hoạt động lễ nghi tôn giáo, xuất hiện.
Bình gốm Nhơn Thành được làm từ đất sét mịn, xương gốm màu xám nhạt, áo gốm vàng nhạt, với thân hình cầu, cổ thắt thấp, vành miệng bẻ lật, vai nở rộng cùng một vòi xiên thẳng lên có gờ nhẫn trang trí. Bình gốm Nhơn Thành được công nhận bảo vật quốc gia ngày 24.12.2018.
Bộ khuôn đúc Nhơn Thành (thế kỷ 1-7)
Là bảo vật quốc gia đầu tiên của TP.Cần Thơ (công nhận ngày 25.12.2017), bộ khuôn đúc Nhơn Thành là minh chứng sống động cho sự phát triển rực rỡ của nghề kim hoàn trong thời kỳ văn hóa Óc Eo.
Bảo vật này thể hiện đầy đủ quy trình chế tác đồ trang sức bằng kim loại của cư dân Phù Nam, từ phác thảo, tạo tác khuôn đến quá trình luyện kim, đổ khuôn và cho ra thành phẩm tinh xảo.
Nét riêng của văn hóa Óc Eo ở Cần Thơ
Các nhà khảo cổ Pháp trước đây thường nhận định văn hóa Óc Eo gắn liền với văn hóa biển, phát triển mạnh mẽ từ các hoạt động thương mại hàng hải tại các cảng thị nổi tiếng như Óc Eo – Ba Thê. Tuy nhiên, những kết quả nghiên cứu mới tại Nhơn Thành, đặc biệt là khu vực trung tâm Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu, đã cho thấy những khác biệt và toàn diện hơn về văn hóa Óc Eo. Nổi bật là các di chỉ cư trú phân bố trên vùng ngập trũng, xen lẫn với dấu tích đậm đặc của hoạt động sản xuất thủ công nghiệp, nổi bật là nghề chế tác kim hoàn và làm gốm.
Khảo cổ học tại Nhơn Thành, đặc biệt là khu vực trung tâm Bưng Đá Nổi – Lung Cột Cầu, đã làm rõ diện mạo của một khu đô thị cổ mang đặc trưng "đô thị sông nước". Hình ảnh trên bến dưới thuyền, với các cụm nhà sàn nhô lên mặt nước cùng sự hiện diện rõ nét của các loại hình di tích kiến trúc cư trú, đền đài, bến thuyền và xưởng chế tác kim hoàn trong cùng một không gian, đã cho thấy sự độc đáo của Nhơn Thành.
Sách Di tích khảo cổ học Nhơn Thành – Cần Thơ của các tác giả Bùi Chí Hoàng, Trần Việt Phường, Nguyễn Quốc Mạnh (năm 2019), nhận định, di tích Nhơn Thành đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong cấu trúc tổng thể của văn hóa Óc Eo ở Nam bộ. Những phát hiện tại đây không chỉ góp phần nhận thức đầy đủ lịch sử hình thành, phát triển của đồng bằng châu thổ mà còn giúp hình dung rõ nét đời sống văn hóa, cư dân cổ Cần Thơ nói riêng và Nam bộ nói chung từ buổi đầu của lịch sử vùng đất này.