Nhảy đến nội dung
 

Hỗ trợ để hộ kinh doanh 'bỏ' thuế khoán

Từ năm 2026, quản lý thuế với hộ kinh doanh sẽ có bước thay đổi lớn: bỏ thuế khoán để chuyển sang tính thuế trên doanh thu. Cần cơ chế thúc đẩy theo hướng "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Nghị quyết 68 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rõ: cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý... cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh (HKD), cá nhân kinh doanh. Vì vậy, nhiều HKD, chuyên gia đề nghị cần sớm có cơ chế hỗ trợ cụ thể.

Lo chi phí xuất hóa đơn đẩy giá hàng hóa

Theo Cục Thuế (Bộ Tài chính), tính đến 30-6 cả nước có hơn 47.000 HKD đăng ký và sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) khởi tạo từ máy tính tiền, tăng 10.000 hộ so với chỉ tiêu ban đầu.

Theo quy định của nghị định 70/2025, từ 1-6 những HKD doanh thu từ 1 tỉ đồng/năm thuộc các nhóm ngành nghề như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bán lẻ... áp dụng xuất HĐĐT từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế. 

Sau một tháng triển khai, nhiều HKD có doanh thu chưa đến ngưỡng này cũng đăng ký áp dụng vì thấy lợi ích và họ đã dần quen với quy định mới.

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, chị Đ.T.N., kinh doanh hàng thời trang tại chợ Đồng Xuân (Hà Nội), cho biết từ 1-6 chị đã áp dụng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế vì rất tiện khi xuất nhập hàng, không phải ghi sổ nữa mà doanh thu được thể hiện trên HĐĐT xuất ra. Khách thanh toán qua chuyển khoản, quét mã QR... rất tiện và giảm tối đa nhầm lẫn.

Chỉ vài ngày làm quen với phần mềm, đến nay việc kinh doanh gần như giao dịch trên môi trường điện tử, không phải dùng sổ sách ghi tay nữa. Đặc biệt, theo chị N., khi bán hàng có xuất HĐĐT, lượng khách hàng tăng so với trước.

Tuy vậy điều chị N. băn khoăn nhất là chi phí phần mềm xuất HĐĐT khá cao. Dù được nhà cung cấp giải pháp miễn phí sử dụng phần mềm HĐĐT trong 6 tháng nhưng tháng 6 vừa rồi, tiền phí sử dụng phần mềm xuất HĐĐT cho năm 2026 đã phải thanh toán cho nhà cung cấp là 1.850.000 đồng. 

Như vậy chi phí sử dụng phần mềm hóa đơn là 150.000 đồng/tháng. Với số HĐĐT xuất ra mỗi tháng chỉ 120 - 150 tờ, tính ra giá bình quân là khoảng 1.000 - 1.200 đồng/tờ, chưa kể thiết bị in và xuất HĐĐT là 2,5 triệu đồng nữa.

"Hiện tôi vừa làm vừa theo dõi, trước mắt thì phải giảm lợi nhuận để giữ khách. Nhưng có thể sang năm sẽ phải tăng giá bán. Để chia sẻ khó khăn với người kinh doanh nhỏ, tôi mong đơn vị cung cấp phần mềm có mức giá phù hợp và Nhà nước có chính sách hỗ trợ phần nào chi phí thiết bị hay phần mềm xuất HĐĐT, chữ ký số..." - chị Đ.T.N. đề xuất và góp ý HĐĐT nên xem như thuê bao điện thoại của các nhà mạng, chi phí khoảng 50.000 đồng/tháng/hộ nếu sử dụng dưới 300 hóa đơn/tháng. Hộ nào xuất nhiều hơn thì chi phí tăng thêm nhưng ở mức chấp nhận được.

Đồng tình ý chị N., bà P.T.H, chủ HKD hàng bách hóa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), cho hay vừa bán sỉ, vừa bán lẻ nên có ngày cao điểm hơn 200 HĐĐT/ngày, vì bán cái bút bi 5.000 đồng cũng phải xuất hóa đơn. Vậy là 4.000 hóa đơn/tháng, với chi phí phần mềm hóa đơn là 200.000 đồng. Đó là chưa kể thiết bị in và xuất hóa đơn được đầu tư trước đó là gần 5 triệu đồng.

"Ngoài chi phí phần mềm HĐĐT, hộ kinh doanh từ nay sẽ phải tính cả thuế VAT hàng tiêu dùng là 1% vào giá hàng hóa nữa. Nên người mua hàng cuối cùng phải trả" - bà H. cho hay.

Cần thuận lợi và sát thực tiễn hơn

Áp dụng xuất HĐĐT từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế hơn một tháng qua, anh Nguyễn Thanh Tân - HKD Tân Vinh Nguyên (đường Nguyễn Chí Thanh, phường Chợ Lớn, TP.HCM) - cho biết đã quen với hình thức mới. 

Doanh thu tiệm hủ tiếu của gia đình anh khoảng 100 triệu đồng/tháng (tương đương 1,2 tỉ đồng/năm). Nên với mức thuế 4,5% doanh thu thì tiền thuế phải nộp có cao hơn một chút so với trước đây nộp thuế khoán là hơn 4 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên băn khoăn nhất sau một tháng là có lúc nhầm món, hay phát sinh thêm nước, khăn... lỡ in hóa đơn rồi, dữ liệu chuyển thẳng đến cơ quan thuế nên không thể in lại được. Nếu in lại bị tính là một lần bán mới, làm đội doanh thu lên.

Anh Tân cũng cho biết trên thực tế đã có người đáng ra trả 2 triệu đồng nhưng chuyển khoản nhầm thành 20 triệu. Quán phải trả lại phần thừa nhưng anh lo sẽ làm doanh thu của quán trong tháng đội lên, tăng số thuế phải nộp. "Tôi kiến nghị nên có bước trung gian để các cửa hàng có thể chỉnh sửa những thông tin nhầm, chưa khớp", anh Tân nói.

Trong khi đó chị Đoàn Ân, đại diện tiệm chè Hà Ký (đường Châu Văn Liêm, phường Chợ Lớn, TP.HCM), cho hay sau khi áp dụng xuất HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối dữ liệu với cơ quan thuế, tiệm đã thuê hai nhân viên làm theo ca hỗ trợ bấm điện thoại để xuất HĐĐT cho khách vào những giờ cao điểm. Do không bố trí được máy POS nên tiệm xuất hóa đơn từ phần mềm điện thoại.

"Sau hơn 1 tháng, nhân viên bắt đầu quen với cách làm mới, tuy nhiên đôi lúc xảy ra lỗi trong quá trình sử dụng nhưng khi báo với nhà cung cấp lại không được khắc phục kịp thời, chẳng hạn lỗi in đơn khi khách đặt món. Kiến nghị cơ quan thuế nên có quy định với nhà cung cấp để đảm bảo quyền lợi cho HKD" - chị Ân đề xuất.

Cần chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ ở góc độ là chuyên gia, ông Trần Minh Tuấn - vụ trưởng Vụ kinh tế số và xã hội số (Bộ KH&CN) - cho rằng HKD đã áp dụng HĐĐT kết nối máy tính tiền, mua bán hàng thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng phần mềm kê khai, nộp thuế điện tử... là đã tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Đây là đối tượng được xem là yếu thế nhất trên thị trường. Đây cũng là đối tượng mà Nhà nước đang khuyến khích phát triển. Nghị quyết 68 của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân đã nêu rõ cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kế toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý... cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, HKD, cá nhân kinh doanh. Nên Nhà nước cần đầu tư 1-2 nền tảng số như chữ ký số, hỗ trợ pháp lý... để hỗ trợ HKD.

Tuy nhiên có HKD mỗi ngày xuất 300- 500 hóa đơn, nhưng có HKD chỉ 3-5 hóa đơn. Do đó, cần phân chia theo quy mô, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh... để hỗ trợ cho phù hợp.

"Để đạt mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 2 triệu doanh nghiệp như nghị quyết 68 đặt ra, phải hỗ trợ HKD chuyển đổi số, lên doanh nghiệp. Chi phí chuyển đổi số cần theo hướng Nhà nước hỗ trợ một phần. 

Kinh nghiệm quốc tế, các nước như Singapore, Trung Quốc... cũng đã làm như vậy" - ông Tuấn thông tin và gợi mở: Nhà nước hỗ trợ 50% chi phí mua phần mềm xuất HĐĐT, trả trực tiếp cho nhà cung cấp. Một nửa chi phí còn lại do HKD trả.

Về chi phí phần mềm HĐĐT, cũng theo ông Tuấn, hiện nay các nhà cung cấp đưa ra các gói có mức chi phí tương ứng với số lượng HĐĐT nhất định. Gói càng cao thì có số lượng HĐĐT xuất ra càng nhiều và ngược lại. Để chi phí phần mềm phù hợp, Bộ Tài chính cần xây dựng định mức chi phí xây dựng và một tỉ lệ lợi nhuận phù hợp chứ không thể tùy doanh nghiệp.

"Các công ty phần mềm nhất là các doanh nghiệp có vốn nhà nước như VNPT, Viettel, MobiFone cung cấp giải pháp HĐĐT cho HKD nên với trách nhiệm xã hội, thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao hơn là vì mục tiêu kinh doanh" - ông Tuấn nói.

Bà Nguyễn Thị Cúc - chủ tịch Hội tư vấn thuế - nhận định hệ thống chính sách thuế hiện nay vẫn tương đối phức tạp, nhất là với những hộ mới tiếp cận công nghệ hoặc chuyển đổi mô hình kinh doanh. Chẳng hạn, với người lớn tuổi, việc sử dụng HĐĐT, kê khai trên nền tảng số còn nhiều lúng túng.

Vì vậy thời gian tới bà Cúc kiến nghị ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, hướng dẫn rõ ràng, nâng cấp hạ tầng công nghệ để hỗ trợ người nộp thuế.

"Chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều giải pháp đồng bộ để HKD không chỉ tuân thủ đúng pháp luật mà còn yên tâm phát triển", bà Cúc nhấn mạnh.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn