Độc đáo chùa Khmer miền Tây: Sala bằng gỗ quý từ Campuchia đưa về theo đường biển

Xây dựng từ năm 1573, chùa Buppharam (còn gọi là chùa Chót) là một trong những ngôi chùa Khmer lâu đời nhất của tỉnh Bạc Liêu.
Ngôi chùa Khmer Buppharam tọa lạc ấp Cái Giá, xã Hưng Hội, H.Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Ngôi sala của chùa làm bằng gỗ quý, được xem là một trong những công trình kiến trúc Khmer đặc sắc còn tồn tại nguyên vẹn ở miền Tây Nam bộ.
Công trình gỗ quý hiếm hoi
Chùa Chót cách trung tâm TP.Bạc Liêu khoảng 6 km. Nổi bật trong khuôn viên chùa là sala (giảng đường) xây dựng từ năm 1915 - một công trình gỗ quý hiếm hoi còn giữ được nguyên trạng sau hơn một thế kỷ.
Hòa thượng Tăng Sa Vong, trụ trì chùa Chót cho biết, sala thiết kế theo kiến trúc nhà sàn truyền thống của người Khmer với 2 tầng, dài 21 m, rộng 10 m, cao hơn 10 m. Công trình được dựng bằng hơn 100 cột gỗ căm xe kiên cố, vách và sàn lát bằng gỗ thao lao chắc chắn.
Các cột gỗ chạm khắc tinh xảo với hình tượng chim thần Krut - biểu tượng đặc trưng trong nghệ thuật Khmer - nâng đỡ phần mái ngói cong vút. Hầu hết các tượng gỗ, cột gỗ được đặt làm tại Campuchia rồi chở về bằng đường biển.
Tầng trên của sala là nơi giảng dạy cho các tăng sinh, có sức chứa hàng trăm người cùng lúc. Tầng dưới dùng chứa vật dụng của chùa và là nơi nghỉ chân cho người dân, Phật tử đến viếng.
Điều đặc biệt là đến nay, công trình vẫn giữ nguyên mái ngói âm dương được đặt mua từ Đồng Nai. Đây cũng là một trong số rất ít công trình sala bằng gỗ nguyên khối còn lại ở Nam bộ.
Không ngừng tu bổ, bảo dưỡng ngôi chùa Khmer cổ
Sala còn lưu dấu một sự kiện lịch sử hiếm người biết. Năm 1945, giặc kéo vào chùa đốt sala. Nhờ sự can thiệp kịp thời của một cán bộ là người Khmer và sự đồng lòng của người dân, đám cháy được dập tắt, giữ nguyên sala. Trên một cây cột gỗ ở tầng trên vẫn còn dấu sém lớn, vết tích của lần suýt bị thiêu rụi.
Để giữ gìn công trình trăm tuổi, suốt nhiều năm qua, trụ trì cùng các sư và người dân địa phương không ngừng tu bổ, bảo dưỡng. "Nhiều sala gỗ khác đã bị tháo dỡ để xây bằng bê tông. Đó cũng là lý do tôi quyết giữ nguyên sala gỗ này như một phần ký ức văn hóa", hòa thượng Tăng Sa Vong chia sẻ.
Hiện ngôi sala vẫn còn được nhà chùa sử dụng trong sinh hoạt chung vào ngày rằm hoặc 30 hằng tháng để tụng kinh, cầu an, cầu siêu… Hòa thượng Tăng Sa Vong cho biết, ông đã đi rất nhiều chùa Khmer, nhưng chưa từng nghe có nơi nào còn lưu giữ ngôi sala gỗ hoàn chỉnh.
Năm 2017, chùa Chót được UBND tỉnh Bạc Liêu đưa vào danh mục di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và danh lam thắng cảnh của tỉnh. Ngoài sala gỗ, chùa Chót còn có 2 bức tượng Phật bằng đá có niên đại từ thế kỷ 15.
Chùa còn có công trình Thích Ca Phật đài với tượng Phật cao 25 m và tháp hội, được xây dựng trong 2 năm với tổng kinh phí gần 2,5 tỉ đồng do Phật tử đóng góp. Cổng chùa nằm sát con đường nông thôn, mang đậm bản sắc văn hóa Khmer, là điểm đến thu hút nhiều du khách và Phật tử gần xa.
Theo lãnh đạo Sở VH-TT-DL Bạc Liêu, ngôi sala đã được ngành chức năng và địa phương kiểm kê, làm hồ sơ đưa vào quy trình xét duyệt trở thành di tích. Hy vọng trong tương lai, ngôi chùa Khmer có sala độc đáo này sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch tham quan khi đến tỉnh.