Đề xuất tăng mức phạt vi phạm giao thông lên 150 triệu: Cần thiết nhưng phải nghiên cứu kỹ

Tại dự thảo sửa Luật Xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ đã đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa lĩnh vực vi phạm giao thông đường bộ từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng. Mức đề xuất này tăng gấp đôi so với hiện hành.
Diễn đàn Chủ nhật của Tuổi Trẻ ghi nhận các ý kiến xung quanh đề xuất này.
- Tiến sĩ, luật sư ĐẶNG VĂN CƯỜNG (Hà Nội):
Có thể áp dụng thêm chế tài hình sự
Luật Xử lý vi phạm hành chính được Quốc hội thông qua năm 2012 đến nay đã hơn 10 năm. Thực tiễn áp dụng các nghị định của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực cho thấy mức phạt hành chính cao nhất trong từng lĩnh vực sẽ bị giới hạn bởi quy định của luật này.
Nhiều hành vi vi phạm phổ biến, diễn ra liên tục, thậm chí tái phạm nhưng mức xử phạt theo quy định hiện nay không đủ sức răn đe. Việc Chính phủ đề xuất trong dự thảo luật sửa đổi tăng mức phạt tiền vi phạm giao thông đường bộ tối đa lên 150 triệu đồng là cần thiết.
Với những hành vi của người say xỉn mà điều khiển ô tô gây tai nạn chưa đến mức hậu quả nghiêm trọng hoặc đi lùi, đi ngược chiều trên đường cao tốc… và một số hành vi vi phạm giao thông tương tự, có tính chất nguy hiểm nhưng chưa được quy định trong Bộ luật Hình sự thì mức phạt tối đa 150 triệu nếu áp dụng sẽ phù hợp.
Mức phạt tối đa này nếu áp dụng với các hành vi vi phạm này sẽ thể hiện tính răn đe mạnh mẽ, tránh những hành vi vi phạm tương tự có thể xảy ra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét, nghiên cứu để sớm có văn bản hướng dẫn áp dụng khoản 4, điều 260 Bộ luật Hình sự để có thể áp dụng chế tài hình sự đối với một số trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ mà chưa gây ra hậu quả thiệt hại vật chất.
- TS NGUYỄN VĂN THANH (nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam):
Có dấu hiệu "nhờn luật" dù mức phạt đã nâng lên
Thực tế hiện nay với nhiều lỗi vi phạm, dù mức xử phạt đã được nâng lên rất cao ở nghị định 168 của Chính phủ nhưng một bộ phận người tham gia giao thông có dấu hiệu "nhờn luật".
Tình trạng chở hàng cồng kềnh, đi ngược chiều, uống rượu bia rồi điều khiển xe vẫn xảy ra… Do đó việc nâng mức phạt tiền tối đa là phù hợp, nhằm tạo răn đe, xử lý nghiêm minh hơn với các hành vi có nguy cơ gây nguy hiểm, uy hiếp đến an toàn giao thông.
Tuy nhiên, Chính phủ cần lý giải rõ hơn, cụ thể hơn về lý do, cơ sở để tăng mức phạt tối đa lên như đề xuất nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Cùng với đó, nên nghiên cứu đưa ra quy định ở văn bản dưới luật về các hành vi vi phạm cụ thể sẽ bị phạt mức tối đa 150 triệu đồng.
Có thể nghiên cứu nâng mức phạt tối đa này với các hành vi tài xế sử dụng rượu, bia gây tai nạn giao thông dù nghiêm trọng hay không, điều khiển xe đi ngược chiều trên cao tốc dù có gây tai nạn hay không, chở hàng quá tải, quá khổ, tài xế sử dụng ma túy, chất cấm…
- Đại biểu PHẠM VĂN HÒA (thành viên Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội):
Cần nghiên cứu, tính toán kỹ
Việc có những chế tài xử phạt nghiêm minh, tạo sự răn đe, phòng ngừa vi phạm là hoàn toàn cần thiết. Nhưng việc đề xuất nâng mức phạt tối đa từ 75 triệu đồng lên 150 triệu đồng thì cần nghiên cứu, tính toán thật kỹ.
Mức phạt tối đa 150 triệu đồng có lẽ chỉ áp dụng với các hành vi vi phạm của tài xế ô tô. Tuy nhiên, hiện nay không ít tài xế chạy xe dịch vụ chỉ chạy những chiếc xe chỉ 300 - 500 triệu đồng.
Nhiều người phải đi vay mượn, hoàn cảnh kinh tế cũng không phải quá tốt. Nếu bị phạt tối đa đến mức 150 triệu đồng thì có thể họ phải bán xe, bỏ nghề.
Việc này vô hình trung có thể ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, an sinh xã hội. Do vậy cơ quan chức năng cần có khảo sát thêm, lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp nhằm đảm bảo phù hợp với thực tế, nhận được sự đồng thuận của người dân.