Nhảy đến nội dung
 

Để không tụt hậu

"Thế giới họ đi quá xa, họ đã có những nhà máy, bến cảng "không đèn" hoạt động bằng robot, trí tuệ nhân tạo, tự động hoàn toàn, không còn người trực tiếp, làm được suốt ngày đêm, không giải lao, không ca kíp, không ngừng nghỉ… chỉ tính riêng về thời gian thì năng suất đã tăng gấp 3 - 4 lần, nếu ta không thay đổi thì khó có thể bắt kịp, nguy cơ tụt hậu là thấy rõ".

Đó là điều mà Tổng Bí thư Tô Lâm nêu ra khi phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 11 T.Ư Đảng mới đây.

Trăn trở của Tổng Bí thư là hoàn toàn thực tế. Khoảng 5 năm trước, người viết từng tham quan một cơ sở phát triển công nghệ di động 5G và truyền phát dữ liệu không dây chuẩn Wifi 6 tại Mỹ. Với công nghệ này, các giải pháp IoT (internet vạn vật) sẽ phát triển mạnh mẽ, đồng hành là các nhà máy tự động hóa có thể được thiết lập nhanh chóng nhờ kết nối không dây. Chỉ vài tháng sau, VN cũng thảo luận phát triển 5G và nâng cấp hạ tầng kết nối không dây.

Tuy nhiên, thực tế thì chúng ta triển khai chậm hơn rất nhiều so với các nước phát triển như Mỹ, hay lân cận là Trung Quốc. Cụ thể, đến năm 2022, bất chấp trải qua 2 năm đại dịch, công nghệ mạng di động 5G đã được triển khai rộng rãi ở nhiều nước trong khi VN đến nay vẫn chưa phủ sóng toàn bộ 5G. Tương tự, sau Wifi 6, nhiều nước đã phát triển qua Wifi 6E rồi hiện tại là Wifi 7, còn chúng ta hiện vẫn chủ yếu cung cấp dịch vụ thương mại phổ quát với Wifi 6. Tất nhiên, thực tế này bắt nguồn từ nhiều lý do nhưng rõ ràng trong việc nâng cao nền tảng công nghệ cho hạ tầng quốc gia thì chúng ta đang chậm hơn nhiều nước.

Có thể với người dùng thông thường, 5G không quá khác biệt với 4G, hay Wifi 7 cũng không quá vượt trội so với Wifi 6 và không phải ai cũng có nhu cầu sử dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý là sự khác biệt này rất cần thiết để khối doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nhỏ, có thể áp dụng những mô hình sản xuất hiện đại dựa trên nền tảng không dây. Khi nâng cấp nền tảng phổ quát chung sẽ trở thành động lực quan trọng để phát triển kinh tế nước nhà.

Tất nhiên, các doanh nghiệp viễn thông cũng vì nhiều lý do kinh doanh như phải khấu hao đủ hạ tầng 4G thì mới mở rộng 5G. Từ đó, có lẽ Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để có thể rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển. Câu chuyện của kết nối không dây nêu trên cũng chính là vấn đề chung của nhiều lĩnh vực công nghệ. Nếu không thì việc chậm trễ nâng cấp sẽ kéo dài từ nền tảng này đến nền tảng mới hiện đại hơn.

Và để rút ngắn khoảng cách thì yếu tố then chốt là có lực lượng nhân sự đủ năng lực và tầm nhìn. Đây không chỉ là nhân sự có chuyên môn công nghệ, mà còn là đội ngũ cán bộ, công nhân viên chức ở các cơ quan quản lý nhà nước có năng lực, tầm nhìn để kịp thời tham mưu những chính sách phù hợp.

Có như thế, chúng ta sẽ sớm rút ngắn khoảng cách công nghệ, sớm bứt phá phát triển.