Đã đến lúc có 'Tiết đọc sách' trong thời khóa biểu

Cần có những quy định mang tính ràng buộc hơn về mặt thời gian, tổ chức để đọc sách thực sự phát huy lợi ích, giúp học sinh tiến bộ trong nhà trường, hình thành phương pháp tốt cho hành trình học tập suốt đời.

Văn hóa đọc luôn gắn liền với sự phát triển tri thức, thậm chí có thể được xem là thước đo trình độ văn hóa của một xã hội. Trong bối cảnh văn hóa đọc của người Việt Nam tiến chậm dẫu được tạo điều kiện về chính sách và hạ tầng, xây dựng thói quen đọc sách cho công dân từ độ tuổi nhỏ không chỉ là một yêu cầu cấp thiết, mà còn là trách nhiệm dài hạn với thế hệ tương lai. Từ thực tế đó, ông Lê Hoàng - Giám đốc công ty Đường sách TP.HCM, đồng thời là đại diện Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam - đưa ra kiến nghị đưa “tiết đọc sách” vào thời khóa biểu chính khóa bắt buộc trong nhà trường.
Văn hóa đọc Việt Nam: Những con số biết nói
Chỉ thị 42-CT/TW năm 2004 đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề văn hóa đọc, với yêu cầu tiên quyết là phải đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới ngày càng đa dạng của người đọc. Chỉ thị đặt ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2010 phải đạt bình quân 6 bản sách/người mỗi năm. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi tổng bản sách phát hành đạt 598,9 triệu bản 99,68 triệu dân, tương đương 6,01 bản sách/người, thì mục tiêu này mới lần đầu đạt được, chậm thời hạn hơn một thập kỷ.
Năm 2024, ngành sách đạt 597,2 triệu bản trên 101,11 triệu dân, con số trên giảm xuống còn 5,91 bản sách/người. Đáng chú ý, sách giáo khoa chiếm đến 77,35% về số bản, tức chỉ có 22,65% còn lại là những loại sách khác.
"461,93 triệu bản sách giáo khoa thực chất là công cụ, tư liệu học tập. 135,27 triệu bản sách còn lại, tương đương đương 1,3 bản/người phản ánh đúng trình độ và thói quen đọc sách của người Việt", ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường Sách TP.HCM, đồng thời là đại diện Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản Việt Nam - nhận định. Số liệu thống kê năm 2018 cũng cho thấy một con số tương đồng: người Việt đọc trung bình 4 quyển sách/năm, tuy nhiên 2,8 quyển là sách giáo khoa và chỉ 1,2 quyển là các sách còn lại.
Một số liệu đáng lưu tâm khác: tổng doanh thu ngành xuất bản năm 2024 đạt 4.500 tỷ VND, tương đương mức chi trung bình cho sách của người Việt là 44.500VND/người trong cả năm - con số này thậm chí chỉ tương đương một bát phở hay hai cốc cà phê bình dân. Nếu một người mua 450.000 VND tiền sách, tức 9 người khác đã hoàn toàn không chi tiêu cho khoản này.
Theo ông Lê Hoàng, quan sát từ thực tế đời sống xã hội cũng dễ dàng thấy được số đông người Việt còn thờ ơ với việc đọc. "Một ví dụ đơn giản, hãy ra sân bay, ga tàu, bãi xe, nơi làm thủ tục v.v. và đếm thử có bao nhiêu người ngồi đọc sách trong lúc rỗi rãi thời gian chờ đợi. Ở những nước có văn hóa đọc phát triển mạnh, đó không phải là hình ảnh hiếm gặp", ông nói.
Trong bối cảnh Internet và các phương tiện truyền thông, mạng xã hội phát triển như vũ bão, màn hình điện thoại, máy tính bảng... với các tin tức nhanh vội, clip ngắn trở thành “kênh giải trí” chiếm trọn thời gian rảnh của nhiều người Việt.
Hạ tầng cơ sở và hành lang chính sách rộng mở
Việc phát triển văn hóa đọc tại Việt Nam đã được thể chế hóa trong các văn bản pháp lý quan trọng, nhằm khẳng định vai trò thiết yếu của việc đọc trong nâng cao dân trí, phát triển tư duy và xây dựng xã hội học tập. Luật Thư viện năm 2019 (Điều 30) quy định ngày 21/4 hằng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam. Đây không chỉ là dịp tôn vinh sách và người làm sách, mà còn là cơ sở pháp lý để tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy thói quen và kỹ năng đọc trong cộng đồng.
![]() |
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh nhận định rằng "uốn nắn" một thiếu niên đã mê game chuyển sang đọc sách thì là một việc gian nan vì đã lỡ mất thời điểm vàng. Ảnh: P.K. |
Luật cũng quy định cụ thể các hình thức phát triển văn hóa đọc, như tổ chức các hoạt động hình thành thói quen đọc trong gia đình, nhà trường, cộng đồng; hướng dẫn phương pháp và kỹ năng đọc; tổ chức hội thảo, hội chợ, triển lãm, giới thiệu sách; và tôn vinh cá nhân, tổ chức có đóng góp cho việc lan tỏa văn hóa đọc.
Trước đó, Quyết định 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đề án này đặt mục tiêu rõ ràng: xây dựng thói quen, kỹ năng và phong trào đọc sách trong toàn dân.
Chỉ tiêu cụ thể bao gồm: đến năm 2020, 80% học sinh, sinh viên và người học có điều kiện tiếp cận thông tin tại các thư viện; đến năm 2030, tiếp tục mở rộng đối tượng tiếp cận tại các trung tâm học tập cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa xã và các thiết chế thông tin - văn hóa khác.
Trong hệ thống giáo dục, việc đưa văn hóa đọc vào trường học cũng được quy định trong các điều lệ. Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT (Điều lệ trường tiểu học) và Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT (Điều lệ trường trung học) đều nhấn mạnh vai trò của hoạt động thư viện và hướng dẫn học sinh phát triển thói quen đọc, lựa chọn sách phù hợp với lứa tuổi.
Cụ thể hơn, Công văn 5750/BGDĐT-GDTH ngày 31/12/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường tiểu học tổ chức từ 2-4 tiết đọc tại thư viện mỗi tháng, được sắp xếp linh hoạt trong thời khóa biểu hoặc lồng ghép vào các hoạt động giáo dục khác. Hiệu trưởng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với phòng, sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai hoạt động này.
Như vậy, hệ thống chính sách, luật và hướng dẫn hiện hành đã đặt nền móng rõ ràng và toàn diện cho việc phát triển văn hóa đọc, từ cấp quốc gia đến trường học, từ quy định pháp lý đến hướng dẫn thực tiễn.
Theo số liệu năm 2021 từ Online Computer Library Center (OCLC - Trung tâm Thư viện Máy tính Trực tuyến), Việt Nam có số lượng thư viện công cộng cao nhất Đông Nam Á: tổng số 6.991 thư viện công cộng trên khắp cả nước. Nếu xét trên đầu người, Việt Nam cũng đứng đầu trong tỉ lệ thư viện với số lượng một thư viện cho mỗi 14.800 dân.
Luật đã có, thư viện đã xây, vì đâu mà văn hóa đọc vẫn “chạy tại chỗ”?
Ông Lê Hoàng phân tích: “Vấn đề không chỉ nằm ở lựa chọn giải trí của người lớn, mà xuất phát từ việc trẻ em Việt Nam chưa có môi trường để hình thành thói quen đọc từ thuở nhỏ”. Trong nhiều gia đình, việc cho trẻ xem tivi hay clip ngắn được xem như một giải pháp tiện lợi. Điều này vô tình tạo ra lối sống phụ thuộc vào màn hình và làm suy yếu các kỹ năng tư duy, ngôn ngữ, tưởng tượng mà sách mang lại.
Đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu là chiến lược đầu tư lâu dài vào năng lực tư duy, sáng tạo và nhân cách của công dân tương lai.
Ông Lê Hoàng
Theo đánh giá của ông, tại đa số trường học, việc đọc sách thường bị gói gọn trong hoạt động ngoại khóa hoặc sự kiện theo phong trào. Không có tiết đọc sách chính thức, đều đặn, lặp lại để nuôi dưỡng và phát triển sở thích đọc. Trong khi đó, các chuyên gia giáo dục trên thế giới đã khẳng định: thói quen đọc sách chỉ có thể hình thành khi được duy trì liên tục với tần suất nhất định trong thời gian dài.
Giám đốc Đường sách TP.HCM dẫn lời TS Bernice E. Cullinan - Giáo sư danh dự Đại học New York, từng là Chủ tịch Hiệp hội Văn học Quốc tế: "Lứa tuổi tiểu học là giai đoạn then chốt trong việc phát triển kỹ năng đọc và hình thành thói quen đọc suốt đời". Nhà giáo dục học nổi tiếng Richard Bamberger cũng từng nói: "Nếu đến năm thứ năm ở trường tiểu học, trẻ nhỏ chưa trở thành một người đọc nhiệt tình và không phát triển bất cứ sở thích đọc sách đặc biệt nào, thì có rất ít hy vọng tình hình sẽ thay đổi sau đó".
Tại hội thảo do Hội Xuất bản tổ chức năm 2019, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng ví việc ép một thiếu niên 14-15 tuổi vốn quen chơi game cầm lấy sách chỉ vì những "lý tưởng cao cả" như "nâng cao văn hóa đọc", "khám phá kho báu tri thức" chẳng khác nào "ép một người chuyển máy bay khi chiếc máy bay đã ở trên cao giữa bầu trời".
Bài học từ quốc tế: Đọc sách là hoạt động nền tảng
Từng tham dự nhiều sự kiện về xuất bản và khuyến đọc tại một số quốc gia khác, ông Lê Hoàng gợi ý một số mô hình mà Việt Nam có thể tham khảo để tạo dựng thói quen đọc trong nhà trường.
Ông còn nhớ lần tham dự một hội nghị về văn hóa đọc khu vực Đông Nam Á vào năm 2019 ở Indonesia, Thị trưởng TP Jakarta, nguyên Bộ trưởng Giáo dục Indonesia, chia sẻ sáng kiến dành 15 phút đầu giờ mỗi ngày để học sinh đọc sách trước khi vào tiết học. Tại Hàn Quốc, chính phủ khuyến khích mỗi gia đình dành thời gian đọc sách cùng con 3 ngày/tuần, mỗi lần 30 phút. Khảo sát của Hội Xuất bản Thái Lam cho thấy đọc sách đã trở thành nếp sống trong các gia đình, không chỉ với trẻ nhỏ mà còn cả người lao động và người cao tuổi.
Với điều kiện hiện tại của Việt Nam, ông Lê Hoàng đánh giá rằng phát triển văn hóa đọc từ và trong nhà trường, đặc biệt ở các cấp nhỏ tuổi hơn như tiểu học, sẽ là ưu tiên và khả thi hơn so với việc trông đợi vào môi trường đọc sách ở từng gia đình. Ngoài ra, với chủ trương cho các cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng học 2 buổi/ngày, đây cũng là thời điểm thuận lợi để tiết đọc sách trở thành một phần trong giờ đến lớp của học sinh toàn quốc.
![]() |
Theo ông Lê Hoàng, đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu chính thức, bắt buộc, nhất là từ cấp tiểu học là bước đi then chốt để phát triển văn hóa đọc bền vững. Ảnh minh họa: Việt Hà. |
Ông cho biết đang đề xuất Hội Xuất bản Việt Nam kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm đưa ra quy định tiết đọc sách nằm trong thời khóa biểu chính thức, bắt buộc, tương đương các môn học như âm nhạc, thể dục, mỹ thuật... với tần suất 2 tiết/tuần. Dù tiết đọc tại thư viện đã được hướng dẫn trong công văn kể trên, ông cho rằng cần có những quy định mang tính ràng buộc hơn về mặt thời gian, tổ chức để việc triển khai được diễn ra đồng bộ trên toàn quốc.
Song song, tiết đọc sách cũng được tạo một cơ chế đủ mở để mỗi địa phương, mỗi trường học có thể tùy điều kiện đặc thù mà tiến hành: tại lớp, tại thư viện, hoặc ngay tại sân trường (như ở Singapore), tránh gây áp lực khiến nhà trường chạy theo "phong trào" mà bỏ qua chất lượng thực. Mục tiêu của tiết đọc cũng nên được xác định rõ ràng (để mở rộng hiểu biết, nhân sinh quan hay để bổ trợ chương trình học v.v.) để từ đó các trường, các giáo viên lựa chọn được nguồn sách phù hợp.
Việc tổ chức bài bản, có hướng dẫn cụ thể và có phần thu hoạch như viết bài cảm nhận, giới thiệu sách… sẽ giúp tăng tính giáo dục, xây dựng mối quan hệ giữa học và đọc. “Nếu tiết đọc sách được tổ chức lặp đi lặp lại hàng tuần ở cấp tiểu học, thì việc hình thành thói quen sẽ trở nên tự nhiên, bền vững, từ đó phát triển thành tình yêu đọc sách khi đứa trẻ lớn lên”, ông Lê Hoàng nhấn mạnh.
Việc đưa tiết đọc sách vào thời khóa biểu không chỉ là mong muốn của giới làm sách, mà còn là chiến lược đầu tư lâu dài vào năng lực tư duy, sáng tạo và nhân cách của công dân tương lai. Khi việc đọc trở thành một phần trong đời sống học đường, sách không chỉ là công cụ học tập mà còn là người bạn đồng hành giúp thế hệ trẻ mở rộng thế giới và hiểu chính mình.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@znews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.