Cố Chủ tịch nước Trần Đức Lương, người mở rộng cánh cửa hội nhập của Việt Nam

Giữ cương vị Chủ tịch nước trong giai đoạn bản lề của tiến trình hội nhập (1997 - 2006), nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần mở rộng cánh cửa VN ra thế giới, khẳng định tâm thế của một quốc gia có trách nhiệm và sẵn sàng hội nhập.
Cái bắt tay lịch sử
Dấu ấn đậm nét nhất, mang ý nghĩa lịch sử sâu sắc nhất trong nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương phải kể đến là cuộc tiếp chính thức Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Hà Nội tháng 11.2000. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ đến VN kể từ khi chiến tranh kết thúc.
Hơn cả một nghi thức ngoại giao, khoảnh khắc hai nguyên thủ bắt tay mang ý nghĩa lịch sử lớn lao, bởi đó là khoảnh khắc mở đường cho tương lai. "Gác lại quá khứ, hướng tới tương lai" - từ thời điểm đó đã không còn là khẩu hiệu, mà là mong muốn, là hành động, là tâm thế của VN trên một tiến trình phát triển mới.
Tại buổi hội đàm hôm đó, người đứng đầu Nhà nước VN khẳng định, chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton và phu nhân là bước phát triển mới trong quá trình cải thiện quan hệ giữa hai nước, và hy vọng chuyến thăm sẽ đánh dấu việc mở ra mối quan hệ mới giữa hai nước - mối quan hệ hợp tác và hữu nghị lâu dài dựa trên các nguyên tắc: tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, không làm tổn hại quan hệ của mỗi nước với bất kỳ bên thứ ba nào...
"VN ưu tiên phát triển quan hệ với các nước láng giềng, bạn bè truyền thống và các nước lớn", Chủ tịch nước Trần Đức Lương nêu quan điểm.
Đề cập đến quan hệ giữa VN và Mỹ, Chủ tịch nước Trần Đức Lương bày tỏ sự hài lòng về những bước cải thiện quan hệ giữa hai nước sau 8 năm bình thường hóa quan hệ. "Những phát triển đó phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước", song "để đi tới tương lai, hai nước không thể không nhìn lại quá khứ", Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói, khẳng định lập trường nhất quán của VN trong một số vấn đề.
Về phần mình, Tổng thống Bill Clinton cho rằng những gì đã đạt được trong quan hệ giữa Mỹ và VN là cơ sở để tiếp tục mở rộng các quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế - thương mại. Kết quả, nhiều cam kết đã được Mỹ đưa ra trong chuyến thăm này.
Tại tiệc chiêu đãi tối đó, từ thành quả của buổi hội đàm, Chủ tịch nước Trần Đức Lương một lần nữa khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Bill Clinton là một mốc mới trong tiến trình bình thường hóa đầy đủ các quan hệ giữa hai nước. "Dân tộc VN yêu hòa bình, trọng nhân nghĩa, luôn mong muốn xây đắp tình hữu nghị, sống hòa hiếu với nhân dân các dân tộc trên thế giới trong đó có Hợp chúng quốc Hoa Kỳ", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Với phong cách ngoại giao chừng mực, nhân văn, Chủ tịch nước Trần Đức Lương là một trong số những người khiến Mỹ thay đổi cách nhìn về VN từ một quốc gia hậu chiến thành một đối tác nhiều tiềm năng. Và kể từ sau chuyến thăm đó, quan hệ Việt - Mỹ bước sang giai đoạn hợp tác toàn diện, với những bước tiến nhanh trên nhiều lĩnh vực.
Hiện thực hóa khát vọng "làm bạn với tất cả các nước"
Trong diễn văn tại buổi chiêu đãi Tổng thống Clinton tối 17.11.2000, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đánh giá VN và Mỹ đã đi được một quãng đường khá dài trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Dù thế, ông nhìn nhận đó mới chỉ là sự bắt đầu, và mong muốn chuyến thăm của vị Tổng thống Mỹ đầu tiên tới VN sẽ đánh dấu một giai đoạn mới của quan hệ hợp tác hữu nghị lâu dài. Kết quả, thực tiễn lịch sử ngoại giao đã ghi nhận, từ sự bắt đầu đó, VN đã tham gia ngày một sâu rộng hơn vào tiến trình hội nhập. Các mối quan hệ hợp tác liên tục được mở rộng, cả trên bình diện song phương và đa phương.
Trùng với giai đoạn bản lề của tiến trình hội nhập, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước Trần Đức Lương là giai đoạn VN bước vào thời kỳ mở rộng mạnh mẽ quan hệ đối ngoại đa phương, đa dạng. Đây là thời điểm mà khát vọng "làm bạn với tất cả các nước" của VN được hiện thực hóa bằng hàng loạt chuyến thăm cấp cao, ký kết đối tác chiến lược, đàm phán thương mại song phương và đặc biệt là quá trình quan trọng để chuẩn bị gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Có thể nói, trên cương vị Chủ tịch nước, ông là một trong những người góp phần định hình tư tưởng hội nhập mang màu sắc VN: hội nhập phải đi đôi với giữ vững độc lập, tự chủ; hợp tác quốc tế phải gắn chặt với nguyên tắc "vì lợi ích quốc gia, dân tộc"; hội nhập nhưng không hòa tan… Quan điểm này từng được Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định trong phát biểu nhậm chức trước Quốc hội: "Nhà nước ta tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ ngày càng rộng rãi của các nước, các tổ chức quốc tế và nhân dân thế giới. Trên cơ sở giữ vững độc lập tự chủ, bình đẳng và cùng có lợi, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, chúng ta chủ động và tích cực đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, nâng cao hơn nữa vai trò và vị trí của VN trên các diễn đàn cũng như trong các tổ chức khu vực và quốc tế".
Ở giai đoạn VN đàm phán gia nhập WTO (kết thúc năm 2006, chính thức gia nhập đầu năm 2007), Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã tích cực ủng hộ lộ trình cải cách thể chế, xây dựng luật pháp phù hợp với chuẩn mực quốc tế và mở cửa thị trường một cách có lộ trình. Đến nay, khi VN đã trở thành đối tác chiến lược của nhiều cường quốc, là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế uy tín, có thể thấy dấu ấn đối ngoại của Chủ tịch nước Trần Đức Lương và các nhà lãnh đạo thế hệ ông đã, đang được kế thừa, phát huy.
Là người cẩn trọng trong ngôn từ, chừng mực trong thông điệp, nhưng kiên định trong nguyên tắc, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã góp phần tạo nên một hình ảnh VN bình tĩnh mà cởi mở, nhận được sự tôn trọng từ nhiều quốc gia đối tác.