Nhảy đến nội dung

‘Chuyến xe hướng nghiệp Đức’: Cửa ra thế giới mở ngay ở sân trường

Ngoài Bắc Ninh, "Chuyến xe hướng nghiệp Đức", thực chất là xe container 40 feet vừa là phòng tư vấn, cung cấp thông tin, vừa là phòng trải nghiệm công nghệ thực tế ảo VR sẽ ghé thăm gần 20 tỉnh, thành khác.

Ngày 9-5, học sinh, sinh viên tại tỉnh Bắc Ninh có dịp tiếp cận thông tin về học nghề, làm việc tại Đức thông qua chương trình "Chuyến xe hướng nghiệp Đức", do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Ninh và Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tổ chức.

Hiện Bắc Ninh đang là cứ điểm của các tập đoàn toàn cầu như Samsung (Hàn Quốc), Amkor (Hoa Kỳ), Goertek (Trung Quốc), Canon (Nhật Bản)…

Đức quan tâm các tài năng trẻ Việt Nam

Bà Helga Margarete Barth - đại sứ Đức tại Việt Nam - cho hay: "Chuyến xe hướng nghiệp Đức" là dự án đặc biệt nhằm cung cấp thông tin, cơ hội học tập, đào tạo nghề và giới thiệu các chương trình đào tạo tiêu chuẩn Đức cho bạn trẻ Việt Nam, cũng như tăng cường hợp tác với các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực "ngành nghề xanh".

Đây còn là biểu tượng đặc biệt hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Đức.

Theo đại sứ Đức, những năm qua nước này đã hỗ trợ đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực như kỹ thuật điện, cơ điện tử và cơ khí kim loại.

Đơn cử từ năm 2021, tại Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, hơn 300 sinh viên được đào tạo nghề tiện kim loại và điện công nghiệp theo tiêu chuẩn Đức.

"Điều này thể hiện niềm tin của chúng tôi vào tiềm năng to lớn của thế hệ trẻ Việt Nam, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng tài năng để cùng nhau xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn", Đại sứ Helga Margarete Barth bày tỏ.

Từ nay đến tháng 11-2025, "Chuyến xe hướng nghiệp Đức" sẽ đến gần 20 tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng đến kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Đức và Việt Nam.

Bắc Ninh trải thảm đỏ đón người trẻ học nghề

Ông Lê Xuân Lợi - phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh - nhấn mạnh địa phương đang đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thực tế tỉnh có nhiều chính sách đặc thù, hấp dẫn như miễn học phí các ngành đào tạo công nghiệp (nghị quyết 10/2021) hay miễn học phí, thu hút giảng viên trình độ cao về tỉnh này đào tạo phục vụ nền công nghiệp số, công nghiệp bán dẫn (nghị quyết 05/2024).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh mong muốn sau khi “Chuyến xe hướng nghiệp Đức” kết thúc tại Bắc Ninh, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các chương trình đào tạo nghề cho địa phương, đồng thời là cầu nối để các doanh nghiệp Đức đến đây tìm hiểu, đầu tư.

"Tỉnh Bắc Ninh cam kết tạo điều kiện thuận lợi và đồng hành cùng các hoạt động hợp tác giữa hai Chính phủ, cũng như triển khai hiệu quả các dự án tại Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh", ông khẳng định.

Bạn Phạm Thị Nhật, ngành tự động hóa Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh, bày tỏ ngành này rất phổ biến, cơ hội nghề nghiệp rộng mở, thu nhập khá nên quyết theo học.

Theo Nhật, cô mất nhiều thời gian làm chủ kiến thức, nhất là các môn khí nén, điện công nghiệp. Tuy nhiên nhờ thầy cô hỗ trợ, thường xuyên thực tập trên máy móc, thiết bị hiện đại, nay cô đã tự lắp ráp được tủ điện, vẽ mạch điện…

Còn cô Nguyễn Thị Hồng - giảng viên khoa điện - điện tử (Trường cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh) - cho hay sinh viên trong trường đều được giới thiệu, định hướng nghề cũng như rèn luyện tác phong công nghiệp, nâng cao kỹ năng "cứng" và "mềm" từ sớm.

Ví dụ, với chương trình chuẩn Đức, các em được đào tạo từng môn học theo mô đun, từ cơ bản đến chuyên sâu như nhận dạng thiết bị công nghiệp, phán đoán nguyên lý vận hành để lập trình thiết kế tự động hóa công nghiệp.

Cô Hồng đánh giá cơ hội làm việc lương cao rộng mở nếu các bạn trẻ nỗ lực trau dồi kiến thức, ngoại ngữ, nâng cao tay nghề và rèn tác phong công nghiệp từ làm việc đúng giờ, mặc áo bảo hộ an toàn, đeo thẻ, đứng máy đúng vị trí, có ý thức trách nhiệm với công việc…

"Các bạn cần học chắc kiến thức căn bản tự động hóa, sau đó có thể học thêm kiến thức, kỹ năng trong ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI) qua các khóa học ngắn hạn, từ đó liên tục nâng cao năng suất lao động, cạnh tranh trong thị trường lao động", cô Hồng gợi ý.