Nhảy đến nội dung

Chùa Bà Thiên Hậu 138 năm tuổi: Kiến trúc cổ giữa các tòa nhà cao tầng TP.HCM

Chùa Bà Thiên Hậu vẫn giữ nguyên lối kiến trúc cổ xưa độc đáo. Nằm giữa các tòa nhà cao tầng ở TP.HCM, miếu Thiên Hậu mang đậm dấu ấn văn hóa của cộng đồng người Hoa.

Miếu Thiên Hậu còn được nhiều người gọi là chùa Bà Thiên Hậu tọa lạc trên đường Võ Văn Kiệt, Q.1, TP.HCM. Miếu do người Hoa gốc Quảng Đông xây dựng và trùng tu.

Chùa Bà Thiên Hậu được xây năm 1887

Theo Ban quản lý miếu Thiên Hậu, vào cuối thế kỷ 17, khi được phép của chính quyền phong kiến Việt Nam, Hoa kiều nói chung và người Quảng Đông nói riêng đã đến định cư ở khu vực Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn (TP.HCM ngày nay).

Sau đó, người Hoa đã thành lập ra nhiều bang, xây dựng các cơ sở để thờ cúng theo tín ngưỡng gốc gác quê hương và để họp mặt sinh hoạt cộng đồng. Hội quán Quảng Triệu và miếu Thiên Hậu ra đời từ đó.

Miếu Thiên Hậu được khởi công xây dựng năm Đinh Hợi - 1887. Năm 1920, miếu bị cháy rụi gần như hoàn toàn và mãi đến năm 1922 mới được trùng tu, tái lập. Ban trị sự bang Quảng Đông Sài Gòn đã đứng ra tổ chức quyên góp để tái lập miếu. Lúc đó, không chỉ những người dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn chung tay mà dân ở các địa phương khác cũng tích cực góp công xây dựng.

Khi mới xây dựng miếu còn gọi là Quảng Triệu hội quán, cho đến nay vẫn còn bảng đề tên trước cửa miếu. Nguồn gốc vật liệu xây dựng tại miếu hầu hết được mang từ Trung Quốc sang Việt Nam. Vật liệu trang trí là tượng gốm cũng là điểm nổi bật trong công trình kiến trúc nơi đây. Mảng tượng gốm trên tường ở hai bên sân miếu có ghi 2 niên đại khác nhau là: Quang Tự thứ 13 - Đinh Hợi (1887) và Tân Dậu (1922).

Mảng tượng gốm trên tường cao có nhiều màu sắc, phần giữa có màu xanh tươi, mới. Phần ở phía ngoài màu gốm thẫm, cũ. Các mảng tượng gốm ở trên đỉnh mái, trong sân thiên tỉnh hay ở trong nhà niệm đều có ghi "Bửu Nguyên Diêu tạo".

Theo nhà khảo cổ học Đặng Văn Thắng, sở dĩ có ghi 2 niên đại trên là khi miếu bị cháy, mảng tượng gốm ở ngoài sân không bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nên được giữ lại một phần đến ngày nay. Do đó mảng tượng mang niên đại Quang Tự thứ 13. Phần tượng này có màu đậm hơn, cũ hơn.

Phần tượng bị hư hỏng được thay thế bằng tượng mới, có màu men mới và tươi hơn, mang niên đại Tân Dậu (1922). Các mảng tượng khác cũng cùng được tạo lại khi tái thiết miếu vào năm Tân Dậu 1922.

Năm 1972, miếu được tiếp tục trùng tu và xây dựng thêm. Một phần của hai bên trục phụ của miếu được đúc thêm tầng lầu, mái lợp tôn. Việc xây dựng phần nào ảnh hưởng đến kiểu kiến trúc khung gỗ thuần phác ở miếu.

Từ năm 1972 - 1997, hàng năm ban quản trị miếu thường cho sơn phết tường, cửa... và gia cố lại một số tượng bằng giấy bồi, đánh bóng các hiện vật bằng đồng. Năm 1998, miếu Thiên Hậu được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. 

Trong miếu có tượng Bà Thiên Hậu là vị thần chính cùng rất nhiều các vị thần khác theo tín ngưỡng của người Hoa như: Thiên địa phụ mẫu, Bắc Đế, Văn Xương, Quan Âm, Tề Thiên Đại Thánh, Ngọc Hoàng, Quan Thánh, Tài Bạch Tinh Quân (Thần tài)…

Miếu có thế phong thủy đẹp

Cũng theo đại diện ban quản lý, miếu Thiên Hậu tọa lạc trên khu vực phố chợ sầm uất, dân cư đông đúc, phía trước là kênh Bến Nghé. Theo phong thủy, đây là địa thế hết sức lý tưởng. Thời xưa, đối với công trình xây dựng, đây là vị trí rất thuận lợi để chuyên chở vật liệu xây dựng bằng đường thủy.

Cửa chính của miếu hướng về phía đông nam và có 2 cổng. Giữa là cổng chính, cổng phụ phía bên trái và được thiết kế, xây dựng đơn giản với cột gạch, cửa bằng sắt.

Tổng diện tích khuôn viên của miếu là hơn 1.200 m2, với chiều dài 54,68 m, rộng 22,4 mét. Sân miếu rộng 22,4 m, dài 11,2 m, được lát bằng những tảng đá dài ngắn khác nhau. Phiến đá ngắn nhất hơn 1 m, dài nhất trên 2 m. Suốt hai bên vách tường có những mảng tượng gốm và phù điêu đắp nổi. Mặt bằng tổng thể của miếu được chia thành 3 trục. Trong đó trục chính ở giữa và hai trục phụ hành lang. Ba trục kết hợp với nhau tạo thành một mặt bằng hình chữ nhật. Còn gọi kiểu mặt bằng này là hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc".

Mặt tiền của miếu được trang trí rất công phu. Hai bên bậc tam cấp có 2 con lân đá cao 15 cm, được chạm khắc tinh xảo. Bó vỉa miếu bằng đá được chạm khắc hoa văn dây, lá, hoa. Cửa ở hàng hiên làm bằng sắt sơn nhiều màu rực rỡ xanh, đỏ, vàng. Phía trước cửa chính có 2 cột được liên kết với 2 đà ngang. Cột và đà đều bằng đá trắng có trau chuốt các cạnh thành gờ chỉ. Trên đà ngang có 2 con lân bằng đá cao 0,5 m.

Qua cửa chính của miếu bước vào là tiền điện. Ngăn cách giữa tiền điện và sân thiên tỉnh là bình phong. Bình phong này làm thành 2 cánh cửa có thể mở ra hoặc đóng lại có tác dụng ngăn không cho người từ bên ngoài đi thẳng vào trong mà phải đi vòng qua hai bên, tạo sự tôn nghiêm và kín đáo nơi thờ tự.

Ở khoảng giữa tiền điện là trung điện. Đây là khoảng trống để hứng nắng, gió, không khí bên trong miếu. Hai bên sân thiên tỉnh là hành lang được gắn những tấm bia đá ghi công những người đã đóng góp tiền của để trùng tu miếu.

Trung điện là gian thờ Ngọc Hoàng. Trong trang thờ Ngọc Hoàng còn có tượng Bảo Thọ và Quan Công. Hai bên bàn thờ Ngọc Hoàng có bộ "bát bửu" với 18 món binh khí. Phía trước bàn thờ là bộ lư bằng đồng lớn gồm ba chiếc giống nhau. Phía sau bàn thờ là bộ lư thiếc pha chì. Đây là bộ lư đẹp, được trang trí công phu nhất trong miếu. Cuối trung điện là bức bình phong bằng gỗ có chạm hoa văn đề tài mẫu đơn - trĩ.

Bên cạnh đó còn có khu nhà niệm và chính diện là nơi tập trung sự thờ cúng trong miếu, gồm 7 bàn thờ. Trang thờ và bàn thờ Bà Thiên Hậu đặt ở giữa chính điện. Phía trước chính điện có treo một bức phù điêu chạm nổi, bằng gỗ, trông như một chiếc thuyền rồng. Bức phù điêu chia làm 3 tầng, phía trên là vua, ở giữa là quan, dưới cùng là dân.

Trên trục chính của mái ngói được trang trí rất nhiều những tác phẩm điêu khắc gốm. Ở giữa trên cao nhất là cành hoa mẫu đơn. Hai bên có lưỡng long và phượng hoàng chầu lên. Phía dưới là cảnh sinh hoạt của các tầng lớp trong xã hội, được gắn bằng tượng gốm tráng men. Tầng dưới nữa là mảng phù điêu đắp nổi bằng xi măng với đề tài long - vân.

Bộ khung chịu lực bằng gỗ, được dựng theo kiểu chồng rường - đấu cũng. Toàn bộ công trình có 14 hàng cột, chân kê cao bằng đá có chạm khắc kiểu chân vuông, bát giác, hoa sen. 

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn