Nick Út nói gì về vụ bị ngừng ghi nhận là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm"?

(Dân trí) - Trong một tuyên bố do luật sư Jim Hornstein đại diện phát ngôn, nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) gọi quyết định tạm ngừng ghi nhận ông là tác giả bức ảnh "Em bé Napalm" là "thiếu chuyên nghiệp".
Những ngày qua, việc Tổ chức World Press Photo đưa ra thông báo ngừng ghi nhận nhiếp ảnh gia Nick Út (Huỳnh Công Út) là tác giả của bức ảnh Em bé Napalm thu hút sự chú ý của truyền thông trong và ngoài nước.
Trước đó, bức ảnh này được nhận định là một trong những hình ảnh mang tính biểu tượng của thế kỷ 20.
World Press Photo từng trao danh hiệu "Ảnh của năm" cho nhiếp ảnh gia Nick Út với bức ảnh này vào năm 1973. Ông vốn là nhiếp ảnh gia của hãng tin AP và đã nghỉ hưu.
Bản báo cáo do World Press Photo công bố đi kèm với những bằng chứng về mặt hình ảnh và kỹ thuật đang nghiêng về giả thuyết mới cho rằng nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ mới là người chụp bức hình.
Đây là diễn biến mới nhất trong tranh cãi khơi mào từ bộ phim tài liệu The Stringer ra mắt tại Liên hoan phim Sundance vào tháng 1. Nội dung bộ phim tuyên bố rằng, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ, chứ không phải nhiếp ảnh gia Nick Út, mới là tác giả ghi lại khoảnh khắc cô bé trốn chạy khỏi vụ tấn công bằng bom Napalm của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.
Ông Nghệ là một trong hơn chục người có mặt tại hiện trường thời điểm đó. Một năm sau, ông Út được trao giải Pulitzer với chính bức ảnh này.
Nhiếp ảnh gia Nick Út nhiều lần phủ nhận cáo buộc này. Trong một tuyên bố do luật sư Jim Hornstein đại diện phát ngôn, nhiếp ảnh gia gốc Việt gọi quyết định tạm ngừng ghi nhận của World Press Photo là "đáng lên án và thiếu chuyên nghiệp". Tuyên bố cũng khẳng định thông tin ông Nguyễn Thành Nghệ "không có bằng chứng hay nhân chứng nào ủng hộ".
Đầu tháng 5, AP công bố một báo cáo điều tra dài 96 trang liên quan tới vụ việc. Cuộc điều tra dựa theo lời kể các nhân chứng, kiểm tra máy ảnh, dựng mô hình 3D hiện trường và các âm bản còn lưu lại. Qua những chứng cứ này, AP đưa ra kết luận rằng "không có bằng chứng xác đáng" để thay đổi việc ghi nhận tác giả.
Dù thừa nhận việc thiếu bằng chứng và thời gian trôi qua đã lâu khiến không thể xác minh hoàn toàn ai là người chụp bức ảnh, AP cho rằng việc chuyển quyền tác giả cho nhiếp ảnh gia Nguyễn Thành Nghệ là "bước nhảy vọt về niềm tin".
Tuy nhiên, World Press Photo lại đưa ra quan điểm khác. Giám đốc điều hành của tổ chức, bà Joumana El Zein Khoury, cho rằng "mức độ nghi ngờ là quá lớn để có thể tiếp tục duy trì việc ghi nhận hiện tại".
"Không có bằng chứng thuyết phục cho thấy một nhiếp ảnh gia khác là tác giả thực sự, nên chúng tôi không thể gán quyền tác giả cho người khác. Quyết định đình chỉ sẽ được giữ nguyên cho tới khi có thêm bằng chứng xác thực rõ ràng", bà Joumana khẳng định.
Phân tích tái dựng hiện trường của nhóm Index dựa trên dòng thời gian định vị theo địa lý cho thấy, để chụp được bức ảnh, nhiếp ảnh gia Nick Út phải "chạy 60m và quay trở lại trong khoảng thời gian rất ngắn". Điều này khiến World Press Photo nhận định "rất khó xảy ra" dù không hoàn toàn bất khả thi.
Trong khi đó, hãng AP bác bỏ con số 60m này, nhận định vị trí được cho là của ông Nick Út trên đoạn quốc lộ dựa trên đoạn phim mờ và rung do một phóng viên truyền hình quay, có thể chỉ cách hiện trường khoảng 32,8m. Khoảng cách này hoàn toàn có khả năng ông Út là người chụp được bức hình.
World Press Photo cũng nêu nghi vấn về thiết bị. Hãng AP từng cho rằng bức ảnh "có khả năng cao" được chụp bằng máy ảnh Pentax. Đây là loại mà ông Nghệ từng sử dụng. Tuy nhiên, ông Út trước đây nhiều lần khẳng định ông dùng máy Leica và Nikon.
Khi được hỏi trong quá trình điều tra, ông Út cho biết ông "cũng từng dùng máy ảnh Pentax". Hãng AP sau đó đã tìm thấy một số âm bản trong kho lưu trữ được ông Út chụp tại Việt Nam có đặc điểm phù hợp với máy ảnh Pentax.
Trong lần phát ngôn gần đây, nhiếp ảnh gia Nick Út lên tiếng ủng hộ kết luận từ báo cáo mới nhất của AP và cho rằng "đây là điều ai cũng biết từ lâu, rằng tác quyền của bức ảnh thuộc về tôi".
"Toàn bộ sự việc này rất khó khăn và đã gây cho tôi nhiều tổn thương", ông nói.
Trong một tuyên bố gửi CNN, Ban tổ chức giải thưởng Pulitzer cho biết họ "không có kế hoạch hành động gì tiếp theo" liên quan đến giải thưởng của ông Út.