Nhảy đến nội dung
 

Chủ mặt bằng mất 5,6 tỷ đồng vì nâng giá thuê 750 triệu

Trong gần một năm qua, một mặt bằng đất vàng giữa trung tâm TP HCM vẫn đang trong tình trạng cửa đóng then cài. Mức giá cho thuê hiện tại được chào khoảng 700 triệu đồng mỗi tháng, tương đương 9 tỷ đồng mỗi năm - cao hơn khoảng 600 triệu đồng mỗi năm so với mức giá thuê cũ.

Theo tính toán, trong thời gian trống kéo dài 8 tháng, chủ mặt bằng đã mất đi khoảng 5,6 tỷ đồng tiền thuê. Nhiều người cho rằng "đã mất 5,6 tỷ đồng vì muốn nâng giá thuê lên 750 triệu một tháng, rồi gọi đó là "sự tham lam", là "tự bắn vào chân". Nhưng liệu đánh giá đó đã thật sự công bằng?

Theo tôi, trong câu chuyện bất động sản thương mại, đặc biệt là với những vị trí đắc địa, việc định giá không chỉ đơn thuần dựa vào giá thị trường mà còn liên quan đến tầm nhìn dài hạn, chiến lược tài chính và cả niềm tin vào tiềm năng tài sản.

Không ai sở hữu một lô đất trị giá hàng trăm tỷ mà lại không biết tính toán. Cái gọi là "treo giá" đôi khi không phải vì không thực tế, mà là vì chủ sở hữu hiểu giá trị tài sản của họ nằm ở đâu và xứng đáng có mức giá đó như thế nào.

Trong một số trường hợp, để trống còn rẻ hơn là cho thuê với giá thấp, bởi việc phá giá chính mình cũng đồng nghĩa với việc làm giảm sức hấp dẫn của tài sản trong mắt các đối tác lớn hơn trong tương lai.

Mặt bằng nằm ở khu vực trung tâm, được xem là đất vàng của thành phố, thường không được cho thuê đơn thuần chỉ để kiếm tiền. Đó là một cuộc chọn lọc, chọn người thuê phù hợp với giá trị vị trí, với định hướng hình ảnh và mục tiêu khai thác lâu dài.

Các thương hiệu lớn khi thuê những mặt bằng như vậy cũng không đơn giản là vì muốn có một chỗ bán hàng, mà còn vì yếu tố nhận diện thương hiệu, định vị thị trường và tiềm năng đầu tư kéo dài hàng năm, thậm chí hàng chục năm. Họ sẽ không xuống tiền nếu cảm thấy không đáng, bất kể vị trí có đẹp đến đâu.

Cũng cần nhấn mạnh rằng, không phải ai có mặt bằng cũng buộc phải cho thuê bằng mọi giá. Việc một chủ nhà sẵn sàng để mặt bằng trống nhiều tháng trời cho thấy họ không chịu áp lực tài chính cấp bách.

Nếu đặt mình vào vị trí người sở hữu bất động sản, liệu chúng ta có hành động khác? Có thể có, nếu bạn cần dòng tiền gấp, hoặc nếu bạn đặt mục tiêu ngắn hạn. Nhưng nếu bạn có tầm nhìn đầu tư dài hạn, có quyền lực thương lượng và hiểu rõ giá trị tài sản trong tay mình, bạn có lẽ cũng sẽ chọn cách chờ đợi.

Tài sản giá trị lớn không phải lúc nào cũng nên xoay vòng nhanh. Đôi khi, việc đứng yên lại là một bước tiến: Mất vài tỷ hôm nay để giữ vững giá trị hàng trăm tỷ ngày mai lại là một phép toán hoàn toàn hợp lý.

*Bạn đồng ý với quan điểm của tác giả?

Khánh Thuần